Tiếp tục khắc phục hậu quả bão lụt: Khẩn trương thông tuyến

CÔNG TÚ 22/10/2013 08:30

Ngành giao thông vận tải (GTVT) đang khẩn trương khắc phục tình trạng đất đá sạt lở, mặt đường sụt lún và cây cối ngã đổ gây ách tắc lưu thông sau bão số 11.

Sạt lở trên diện rộng

Bão số 11 vừa qua đã khiến nhiều tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh bị ách tắc do sạt lở đất đá taluy dương, sụt lún taluy âm, cây cối ngã đổ. Theo thống kê của Phòng Kỹ thuật - Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam (đơn vị chịu trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng), các tuyến quốc lộ (QL) 14B, 14D, 14E và các tuyến đường tỉnh (ĐT) sạt lở nhiều đoạn với khối lượng 7.300m3, hư hỏng 7 cống nhỏ. Bão đã khiến cho 6.700 cây các loại ngã, bật gốc “vắt” ngang  đường gây ách tắc giao thông. Nặng nhất là tại Km23+990, tuyến ĐT616 qua địa bàn Quế Sơn bị trôi nửa cống, gây xói lở nửa mặt đường dài khoảng 15m. Dự kiến kinh phí khắc phục các tuyến QL và ĐT gần 1 tỷ đồng. Riêng tại Km23+990, cần khoảng trên 2 tỷ đồng để trả mặt đường về nguyên trạng.

Kè rọ đá nhằm đảm bảo lưu thông trên tuyến quốc lộ 14G (Đà Nẵng - Quảng Nam). Ảnh: C.T
Kè rọ đá nhằm đảm bảo lưu thông trên tuyến quốc lộ 14G (Đà Nẵng - Quảng Nam). Ảnh: C.T

Ở miền núi cao Nam Trà My, ông Nguyễn Đình Tân - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện cho hay, tuyến QL 40B (đường Nam Quảng Nam cũ) qua địa phương bị sạt lở rất lớn, khối lượng ước tính lên đến 27.500m3. Nhiều tuyến liên xã (ĐH), liên thôn (ĐX) cũng chịu chung cảnh tương tự với trên 10.000m3 bị sụt lở, vùi lấp. Theo đó, giao thông Bắc Trà My cũng đang trong tình trạng khó khăn. Theo ông Nguyễn Nhuần - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, mặt đường tại Km6 - Km7 trên tuyến liên xã Trà Đốc - Trà Bui tiếp tục sạt lở nặng sau bão số 10 trước đó. Ước tính thiệt hại ban đầu cả 2 cơn bão gây ra đối với đường sá ở Bắc Trà My khoảng 6,5 tỷ đồng. Ngoài điểm sạt lở tại Km23+990, trên tuyến ĐT611, các tuyến ĐH, ĐX ở huyện Quế Sơn bị sạt lở đất đá, cây cối ngã đổ làm ách tắc giao thông trong và sau khi thiên tai xảy ra.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiến cứu nạn (PCLB&TKCN) huyện Đông Giang Lê Văn Luyến cho biết, bão số 11 gây sạt lở 2 điểm trên đường Hồ Chí Minh đi qua thôn ADinh1 (thị trấn Prao). Ngoài ra, các đường liên xã Za Hung - Arooih; Kà Dăng - A Xờ; Za Hung - Jơ Ngây chưa kịp khắc phục sau bão số 10 thì liên tiếp hư hỏng thêm. Còn lên Tây Giang, nhiều tuyến ĐH bị ách tắc do sạt lở đất đá, cây cối gây lấp đường, nhất là đoạn tuyến ADích đi Ch,Ơm (dài khoảng 50km). Nhiều đoạn đường thuộc địa phận Tây Giang mới chỉ vừa thông xe bước 1.

Nỗ lực khắc phục

Qua nhiều ngày khẩn trương tập trung nhân lực và vật lực triển khai thu dọn cây cối, các tuyến giao thông ở các huyện miền núi cơ bản đã đảm bảo cho phương tiện lưu thông ban đầu. Tuy nhiên, ông Lê Văn Bút - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tây Giang cho biết, để hoàn nguyên mặt đường ban đầu, nhanh nhất phải nửa tháng nếu thời tiết thuận lợi. Trên địa bàn huyện Đông Giang, đơn vị quản lý đường Hồ Chí Minh đã nhanh chóng vào cuộc khắc phục xong các điểm sạt lở trên các tuyến ĐH, ĐX, đảm bảo giao thông bước một. Riêng đoạn sạt lở nghiêm trọng tại đường liên xã Za Hung - Arooih, Kà Dăng - AXờ, Za Hung - Jơ Ngây vẫn còn dang dở do kinh phí khó khăn.

Ông Trần Bê, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Công trình GTVT cho biết: Xí nghiệp quản lý đường bộ 14E đã xử lý tạm đoạn sạt lở hơn nửa mặt đường tại Km23+990, trên tuyến ĐT611 bằng việc kè 260 rọ đá tránh khỏi bị lở tiếp. Hoàn thành vào cuối tháng 10, khi đó mặt đường sẽ được mở rộng ra hơn một nửa nhưng chủ yếu nhằm thông xe bước một, đảm bảo an toàn giao thông.
Đối với bước 2, Sở GTVT đang thuê đơn vị tư vấn, thiết kế lên phương án xây dựng bằng kè xi măng bền vững cho đoạn sạt lở nói trên. Ông Trương Văn Cận - Giám đốc Sở GTVT, ngành cũng chỉ đạo đơn vị chịu trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng tuyến đường sẵn sàng thực hiện dầm bailey nếu đường bị đứt. Đồng thời, nghiên cứu thêm tuyến ĐT610 (Nông Sơn - Duy Xuyên) nhằm đảm bảo cho người và phương tiện tại Nông Sơn lưu thông, nếu đoạn qua địa bàn Quế Sơn bị ách tắc.

Cũng như 2 huyện miền núi phía Tây của tỉnh, đường lên Nam Trà My và Bắc Trà My nếu để khắc phục hoàn toàn phải tốn khá nhiều thời gian, nhất là điểm sạt lở lớn trên quốc lộ 40B phải khảo sát lại và lên phương án sửa chữa. Đối với huyện Bắc Trà My, ông Nguyễn Nhuần cho hay, địa phương đã làm việc với Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh đi khảo sát, hỗ trợ kinh phí khắc phục mặt đường tại Km6 - Km7 trên tuyến liên xã Trà Đốc - Trà Bui. Có 2 phương án được đưa ra, một là vừa bạt taluy dương mở rộng lòng đường vừa kè bằng rọ đá một phần taluy âm với kinh phí dự toán 1,5 tỷ đồng. Phương án 2 sẽ kiên cố hơn nếu dùng rọ đá kè toàn bộ đoạn bị lở nặng phía taluy âm, kinh phí thực hiện khoảng 2,7 tỷ đồng. Trước mắt, huyện đã đặt các biển cảnh báo nguy hiểm, lập rào chắn, bỏ đá trong mương thoát nước phía taluy dương để xe tải trọng 2 - 3 tấn đi qua, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông.
Đảm nhiệm duy tu, bảo dưỡng 3 tuyến QL Trung ương ủy thác và các tuyến ĐT, Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam đã bố trí sẵn nhân lực, trang thiết bị chuyên dụng, nhiên liệu tại những tuyến giao thông huyết mạch, điểm xung yếu trước mùa mưa bão bắt đầu. Hơn nữa, công ty còn bố trí nhân sự trực tại chỗ nếu gặp sự cố sạt lở, sụt lún, cây cối ngã đổ gây ách tắc giao thông sẽ “phản ứng nhanh” triển khai công việc. Ông Trần Bê - Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc công ty nói: “Sau khi bão tan, lãnh đạo đơn vị và các xí nghiệp lập tức tỏa đi các tuyến chỉ đạo khắc phục hậu quả, đến chiều ngày 15.10 đảm bảo thông xe bước một”. Cũng theo ông Bê, các tuyến QL và ĐT (trừ điểm Km23+990, trên tuyến ĐT611) hiện đã được trả lại hiện trạng như ban đầu.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếp tục khắc phục hậu quả bão lụt: Khẩn trương thông tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO