Trong đợt mưa lũ lịch sử tại khu vực miền Trung vừa qua, câu chuyện về phát triển thủy điện, bảo vệ rừng tự nhiên lại tiếp tục được đặt ra ở nhiều diễn đàn, kể cả tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2020. Tại Quảng Nam, sau nhiều lần rà soát, đã loại bỏ không ít thủy điện vừa và nhỏ ra khỏi quy hoạch; song những vấn đề về thủy điện vẫn chưa có điểm dừng. Trả lời báo chí vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, sẽ tiếp tục rà soát, xem xét lại các dự án thủy điện.
Ngày 20.11.2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu ký Quyết định số 3272 về việc cho Công ty CP Tư vấn và phát triển điện Cửu Long thuê thêm hơn 3ha đất để xây dựng nhà máy thủy điện Đắk Di 2 tại các xã Trà Don và Trà Nam (huyện Nam Trà My).
Dư luận lập tức “dậy sóng” trên một số tờ báo, nhất là mạng xã hội, cho rằng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam không nhất quán quan điểm, khi vừa tuyên bố dừng phát triển thêm các dự án thủy điện, song lại tiếp tục cho thuê đất để làm thủy điện Đắk Di 2. Vậy sự thật như thế nào?
Đắk Di 2 và câu chuyện quy hoạch
Theo tài liệu phóng viên Báo Quảng Nam thu thập được, Đắk Di 2 là một trong số các dự án thủy điện đã xuất hiện trong hồ sơ quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ của Quảng Nam cách đây 10 năm. Và số phận dự án này cũng khá thăng trầm.
Cụ thể, từ ngày 29.6.2010, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định (số 2056) phê duyệt quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh; Đắk Di 1 và Đắk Di 2 tại địa bàn xã Trà Don (Nam Trà My) là 2 dự án nằm trong danh sách quy hoạch tại quyết định này, cùng với 31 dự án thủy điện khác. Thời gian đầu tư các thủy điện nằm trong quy hoạch theo quyết định nói trên là giai đoạn 2004 - 2015.
Ngày 11.3.2014, Bộ Công Thương có Văn bản (số 1833) gửi UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục triển khai rà soát, quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành và khai thác các công trình thủy điện. Thực hiện chủ trương này, nhiều dự án thủy điện dù đã có trong quy hoạch năm 2010, nhưng chưa triển khai thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, đều phải bị dừng lại, trong đó có các thủy điện Đắk Di 1 và Đắk Di 2.
Trước đó, trong đợt rà soát quy hoạch thủy điện tháng 12.2009, đã có hàng loạt thủy điện vừa và nhỏ bị loại khỏi quy hoạch (gồm các dự án Sông Giằng 1, Sông Giằng 2, Sông Giằng 3, Sông Giằng 4, Đắk Se, A Vương 2 và A Re). Và đến năm 2013, có thêm 13 dự án khác tiếp tục được kiến nghị đưa ra khỏi quy hoạch; trong đó có tên 2 dự án thủy điện Đắk Di 1 và Đắk Di 2.
Mãi đến năm 2017, qua rà soát, UBND tỉnh đề nghị và được HĐND tỉnh thông qua nghị quyết điều chỉnh quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Lần này, huyện Nam Trà My có 4 dự án thủy điện nhỏ được bổ sung quy hoạch, trong đó có 2 dự án Đắk Di 1 và Đắk Di 2.
Với quy hoạch đã được HĐND tỉnh thông qua, Công ty CP Tư vấn và phát triển điện Cửu Long (chủ đầu tư thủy diện Đắk Di 2) đã triển khai các bước tiếp theo để khởi công dự án. Đến thời điểm này, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 cơ bản hoàn thành, đồng thời chủ đầu tư đã triển khai một số hạng mục công trình như đào vai đập, đào hố móng nhà máy, mở đường lên tháp điều áp, gia cố cửa hầm…
Ngày 24.6.2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1702 về việc cho Công ty CP Tư vấn và phát triển điện Cửu Long thuê hơn 7,3ha đất (đợt 1) tại xã Trà Don để xây dựng nhà máy thủy điện Đắk Di 2. Tiếp đó, ngày 20.11.2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu ký Quyết định số 3272 về việc cho công ty này thuê đất đợt 2 với diện tích hơn 3ha (hiện Quyết định 3272 đã bị thu hồi).
Như vậy, có thể khẳng định, thủy điện Đắk Di 2 đã có quá trình lịch sử từ hơn 10 năm qua; được cân nhắc kỹ qua nhiều lần rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch. Việc UBND tỉnh ban hành Quyết định 3272 nêu trên chỉ là bước tiếp theo của một dự án cũ đã được quyết định từ năm 2017 và trên thực tế, chủ đầu tư đã triển khai thi công dự án.
Không ảnh hưởng rừng tự nhiên
Theo hồ sơ thiết kế, thủy điện Đắk Di 2 có công suất lắp máy dự kiến 12MW. Mực nước dâng bình thường 427m; điện lượng trung bình hơn 46,4 triệu kWh/năm. Vị trí xây dựng đập và nhà máy thủy điện Đắk Di 2 ở lưu vực sông và khu vực trồng lúa, không làm mất hoặc ảnh hưởng đến rừng tự nhiên có chức năng phòng hộ.
Năm 2017, khi bổ sung 4 dự án thủy điện tại Nam Trà My vào quy hoạch, Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh (cơ quan thẩm tra quy hoạch) và UBND huyện Nam Trà My đều khẳng định, các dự án này không làm mất rừng tự nhiên, không phải di dời dân cư, công suất nhỏ nên không làm biến đổi dòng chảy tự nhiên khi lũ lụt và cũng không ảnh hưởng nhiều đến nguồn nước sản xuất, sinh hoạt của nhân dân địa phương trong lưu vực.
Ông Hồ Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, các thủy điện này là đập tràn tự do, hồ chứa điều tiết có dung tích nhỏ (dưới 1 triệu mét khối) nên sẽ không tác động đến hiện tượng lũ, cũng như ảnh hưởng đến nguồn nước vào mùa khô cạn. Tại huyện Nam Trà My, chỉ có thủy điện Trà Linh 3 đã xây dựng hoàn thành và đưa vào vận hành được 10 năm. Thủy điện Đắk Di 2 đã được UBND tỉnh phê duyệt cách đây 5 năm. Hiện nay, thủy điện Đắk 1 và Đắk Di 2 gần như đã hoàn thành 100% công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Trong khi đó, theo chủ đầu tư, dự án thủy điện Đắk Di 1 đang thi công các hạng mục đập tràn, “người em” Đắk Di 2 cũng đã hoàn thành các thủ tục pháp lý, đang triển khai thi công đào vai đập, đào hố móng nhà máy, mở đường lên tháp điều áp, gia cố cửa hầm…
Bài cuối: Cân nhắc triển khai dự án