Tiếp tục tạo động lực phát triển

TRỊNH DŨNG 07/01/2019 02:22

UBND tỉnh vừa tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2019. Tại cuộc họp này lãnh đạo tỉnh nhận định Quảng Nam sẽ đủ khả năng vượt qua thách thức, thời gian tới sẽ điều hành chính sách hiệu quả, phân bổ nguồn lực hợp lý để tạo ra động lực phát triển.

Sự phát triển bền vững của địa phương sẽ phải dựa vào năng lực đầu tư hạ tầng trọng điểm, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và thu hút đầu tư.
Sự phát triển bền vững của địa phương sẽ phải dựa vào năng lực đầu tư hạ tầng trọng điểm, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và thu hút đầu tư.

Kiên trì định hướng phát triển

Năm 2018, Quảng Nam có 12/13 chỉ tiêu đạt và vượt, GRDP tăng 8,11%; cơ cấu kinh tế phi nông nghiệp chiếm 88%, khu vực nông nghiệp chỉ còn 12%; công nghiệp giữ vai trò động lực với giá trị sản xuất tăng gần 13,3%; thu ngân sách đạt gần 23.800 tỷ đồng (thu nội địa hơn 19.000 tỷ đồng), thêm 1.200 doanh nghiệp gia nhập thị trường… Đây là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế. Sự phát triển, thịnh vượng của doanh nghiệp chính là thước đo về năng lực điều hành, phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, chính quyền, cơ quan quản lý nhận định nền kinh tế vẫn chưa thể tìm được điểm cân bằng cho dù tăng trưởng khá bất ngờ so với dự báo. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho hay số lượng doanh nghiệp gia tăng nhưng có đến 90% vừa và nhỏ, năng lực quản trị kinh doanh, năng suất lao động, trình độ công nghệ hay chất lượng nhân lực thấp. Nguồn lực đầu tư cho giáo dục chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, nhất là khu vực miền núi và vùng khó khăn. Hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp nhiều nơi còn dang dở. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa có quy hoạch căn bản dẫn đến sự lúng túng trong điều hành.

Trong góc nhìn khác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cho rằng giải quyết hậu đầu tư vẫn còn hạn chế. Khá nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư rầm rộ, ghi nhận vốn FDI tăng kỷ lục, đến hàng tỷ USD, nhưng số vốn đầu tư thực tế hạn chế. Nhiều dự án bị chững lại, liên quan đến thủ tục đầu tư, nhất là về đất đai, thuế… Diễn biến thu hút đầu tư hết sức khó khăn từ chuyện giải phóng mặt bằng chậm nên cần một cách làm khác để đẩy nhanh tiến độ này. Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho hay thị xã sẽ dành 3 - 5% nguồn lực đầu tư hoàn thiện, mở rộng các cụm công nghiệp (CCN), sẽ phát triển đô thị, du lịch. Nhưng hiện đầu tư hạ tầng các CCN thiếu, yếu. Những vướng mắc về quy trình, thủ tục đầu tư khiến việc triển khai các dự án phát triển đô thị ì ạch.

Những tồn tại trên dường như năm nào cũng được “nhắc” trong các báo cáo, đã đặt ra nhiều câu hỏi về sức sống thị trường, môi trường đầu tư lẫn khả năng hoạch định chính sách phát triển của Quảng Nam. Trước những thách thức từ thực tế, chính quyền tỉnh đã đặt kế hoạch điều hành kinh tế - xã hội hướng về chất lượng. Kế hoạch năm 2019 sẽ tăng khoảng 7 - 7,5% GRDP, tăng thu 7,3% nội địa, hướng đến giảm 5.000 hộ nghèo, bảo đảm các chính sách về an sinh xã hội. Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và nâng cao chất lượng đào tạo nghề...

Kiện toàn chính sách, cơ chế

Kế hoạch phát triển năm 2019 đều dựa vào sự gia tăng hay mở rộng sản xuất của doanh nghiệp và dự án đầu tư. Theo thống kê, hiện có hơn 80% trong số 6.700 doanh nghiệp công bố lãi. Cơ hội của Quảng Nam còn nhiều khi nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đổ vốn vào nền kinh tế sẽ tạo nên làn sóng đầu tư mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, không trông chờ vào những đột biến, năm 2019 sẽ là năm tổng lực để tiếp tục thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện các quy hoạch phân khu, khớp nối hạ tầng kỹ thuật… Hai vùng đông tây trở thành những động lực đột phá để đánh thức sự phát triển công nghiệp, sắp xếp, ổn định dân cư miền núi, xây dựng nông thôn mới hiệu quả. Không chỉ quy hoạch, sẽ có một chương trình quản lý hiện trạng, quản lý quy hoạch, kiện toàn bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hút và triển khai các dự án đầu tư, kể cả nông nghiệp, nông thôn, cải thiện môi trường đầu tư… bằng những cơ chế ưu đãi cụ thể, hợp với năng lực và nguồn lực địa phương.

Theo kế hoạch này, các sở, ngành liên quan sẽ hoàn chỉnh quy định hướng dẫn, quản lý hoạt động đầu tư, tiếp tục làm việc với các bộ, ngành trung ương thống nhất phương án xử lý bảo đảm quyền lợi người dân và phù hợp quy định pháp luật về đất đai hiện hành để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, phục vụ các dự án trọng điểm. Quan điểm “nhân tài trong nội lực” sẽ được phát triển bằng chính sách khuyến khích đào tạo lao động có kỹ năng và thoát nghèo bền vững.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, Quảng Nam sẽ chủ động trong nguồn lực địa phương. Kế hoạch đầu tư sẽ được thực hiện đúng quy trình, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp mở rộng sản xuất, thúc đẩy kinh doanh, nhất là các dự án trọng điểm, thu hút đầu tư, xây dựng các dự án động lực, tăng nguồn lực cho ngân sách nhà nước. Tất cả địa phương không chờ đợi, phải lên kế hoạch hành động cụ thể, thực thi các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, chủ động cân đối khoản kinh phí trong dự toán ngân sách được giao để thực hiện nhiệm vụ. Quan trọng nhất là tăng cường trách nhiệm các chủ đầu tư, chính quyền địa phương, tăng cường kiểm soát trong việc đấu thầu, giải ngân, tiến độ thi công, giải phóng mặt bằng, phát triển hạ tầng đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, siết chặt quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thiết lập kỷ cương thu chi ngân sách… Tất cả phải được công khai, minh bạch. Những kế hoạch này cũng là cam kết của chính quyền trước người dân, cộng đồng doanh nghiệp về động lực phát triển của Quảng Nam.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếp tục tạo động lực phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO