Tiếp tục thúc đẩy phát triển vùng dược liệu

DIỄM LỆ 18/04/2022 06:34

Với nhiều cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, thời gian qua người dân miền núi đã có thêm hướng phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững từ việc trồng dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh. Để tiếp tục thúc đẩy phát triển vùng dược liệu trên địa bàn tỉnh, dự kiến tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh (khóa X) khai mạc vào cuối tuần này, sẽ xem xét cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu giai đoạn 2022 - 2025.

Cây quế là loại dược liệu có giá trị kinh tế cao được người dân các huyện miền núi bảo tồn và phát triển. Ảnh: D.L
Cây quế là loại dược liệu có giá trị kinh tế cao được người dân các huyện miền núi bảo tồn và phát triển. Ảnh: D.L

Chuyện từ Nam Trà My

Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu là hướng đi đúng đắn, hiệu quả tại huyện Nam Trà My thời gian qua. Từ năm 2016, HĐND huyện Nam Trà My đã ban hành Đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu giai đoạn 2017 - 2020. Kể từ đó, bắt đầu câu chuyện bảo tồn, phát triển, đưa dược liệu đến với thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.

Nam Trà My có khoảng 300 loài dược liệu, trong đó có nhiều dược liệu quý như quế, đảng sâm, đương quy, giảo cổ lam, lan kim tuyến, sơn tra, thất diệp nhất chi hoa, sa nhân… được người dân tìm thấy và phát triển. Sự tiếp sức kịp thời của đề án trên đã đem lại sự đổi thay cho vùng đất này.

Bắt đầu thực hiện, người dân được hỗ trợ cây giống, nhân giống, bảo tồn và nhân rộng. Giai đoạn 2017 - 2020, toàn huyện có 1.038 hộ được hỗ trợ tổng kinh phí 3,2 tỷ đồng phát triển dược liệu trên 70ha. Người dân còn tự nhân giống, trồng khoảng 40ha dược liệu.

Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My khẳng định: “Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu là hướng đi đúng đắn, đang góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng bảo vệ rừng.

Đơn cử như giá đảng sâm từ 50 - 70 nghìn đồng/kg vào năm 2015, đến nay tăng lên 150 - 250 nghìn đồng/kg tùy theo loại. Thu nhập bình quân của hộ dân trồng đảng sâm từ 20 - 30 triệu đồng/năm; những nơi người dân chăm sóc tốt và tự nhân rộng để trồng thì thu hoạch đến 50 - 70 triệu đồng/năm”.

Đặc biệt, tại phiên chợ Sâm Ngọc Linh và hàng nông sản đặc trưng miền núi hàng tháng được tổ chức, người dân đã khai thác và đem sản phẩm đến chợ để tiêu thụ, bình quân mỗi phiên chợ khoảng 500kg dược liệu được bán ra.

Các cơ sở kinh doanh đã tổ chức thu mua sản phẩm thô của người dân, sau đó sơ chế, chế biến, đóng gói sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm tham gia chương trình OCOP, cung cấp cho thị trường. Mỗi năm bình quân người dân bán ra thị trường từ 5 - 6 tấn dược liệu các loại.

Bảo tồn và phát triển

Theo ông Đinh Văn Hươm - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, ở miền núi đang tồn tại một nghịch lý, đó là người dân sống trên vùng dược liệu có giá trị kinh tế cao, nhưng cái nghèo cứ đeo bám dai dẳng.

Ông Hươm nói: “Thế thì vì lý do gì không phát huy giá trị tại chỗ, hỗ trợ người dân bằng chính sinh kế là phát triển dược liệu, kết nối với doanh nghiệp để đưa sản phẩm dược liệu đến thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.

Người dân không đủ khả năng làm được, chính sách của tỉnh, huyện, sự vào cuộc của chính quyền các cấp sẽ giúp họ làm việc đó. Ngoài việc hỗ trợ người dân, thì chính sách được ban hành sẽ góp phần quan trọng bảo tồn nguồn gen giống sâm Ngọc Linh, các loại dược liệu bản địa”.

Sâm Ngọc Linh và dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Nam Trà My. Ảnh: D.L
Sâm Ngọc Linh và dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Nam Trà My. Ảnh: D.L

Trong những năm qua, các huyện trung du và miền núi đều chú trọng phát triển dược liệu. Tỉnh cũng có nhiều cơ chế khuyến khích phát triển dược liệu như Nghị quyết số 194 năm 2015 của HĐND tỉnh về quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My; Nghị quyết số 202 năm 2016, Nghị quyết số 39 năm 2017 của HĐND tỉnh, Quyết định 301 năm 2018 của UBND tỉnh về quy hoạch, bảo tồn và phát triển cây dược liệu giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 41 của HĐND tỉnh năm 2017 về cơ chế khuyến khích, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh.

Việc thực thi các chủ trương trên đem lại những những kết quả đáng kể. Trung tâm Giống nông lâm nghiệp tỉnh được hỗ trợ cơ sở vật chất để nghiên cứu, sản xuất giống dược liệu, cung ứng cho huyện Tây Giang 30 nghìn cây ba kích nuôi cấy mô; xây dựng 4 khu vực trồng bảo tồn kết hợp sản xuất giống dược liệu đảng sâm, sa nhân tím, ba kích tím ở Nam Trà My, Đông Giang, Tây Giang và Phước Sơn; hỗ trợ giống cây dược liệu mới từ ngân sách tỉnh hơn 24 tỷ đồng trong giai đoạn 2016 - 2020.

Theo ông Đinh Văn Hươm, việc ban hành một nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu trong giai đoạn mới là hết sức cần thiết để thu hút, khuyến khích người dân, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế đầu tư vào vùng dược liệu, gắn với chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếp tục thúc đẩy phát triển vùng dược liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO