(QNO) - Liên quan đến vụ gần 100 công nhân (CN) của Công ty TNHH MTV Sơn Hà - Duy Xuyên (gọi tắt là Công ty Sơn Hà, hoạt động may mặc, tại xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên) đình công vì cho rằng công ty chèn ép, sáng nay 14.8, công ty đã tổ chức đối thoại trực tiếp với CN như lời hứa chiều ngày 13.8.
|
Một công nhân trình bày ý kiến tại buổi đối thoại. Ảnh: XUÂN KHÁNH |
Trước khi diễn ra đối thoại, ông Phan Xuân Cảnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên đã có cuộc làm việc nhanh với đại diện Công ty Sơn Hà cùng ông Lê Chính Đông - Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động và ông Văn Phú Đợi - Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Duy Xuyên.
Sau khi ghi nhận vụ việc, ông Cảnh đã giao cho 2 ông Đông và Đại trực tiếp tham gia buổi đối thoại và báo cáo lại toàn bộ vụ việc. Ông Đại cho biết, trong chiều ngày 13.8, ông cũng đã báo cáo vụ việc lên Sở LĐ-TB&XH tỉnh.
Dùng ghế đánh công nhân, ép viết đơn xin nghỉ việc
Tại buổi đối thoại, nhiều nữ công nhân rất bức xúc trình bày nỗi uất ức của mình. CN Lưu Thị Diễm Phương (31 tuổi) thay mặt các đồng nghiệp nêu bức xúc đã thử việc quá hai tháng vẫn không được ký hợp đồng và nhiều bất hợp lý khác (chúng tôi đã đề cập ở bài trước). Một CN khác yêu cầu phía công ty điều chỉnh lại giờ làm, linh hoạt trong việc CN xin nghỉ phép về các lí do đau ốm, cũng như giải quyết rốt ráo các hợp đồng. Bên cạnh đó, CN còn yêu cầu phía công ty cải thiện môi trường làm việc.
Đại diện Công ty Sơn Hà, ông Nguyễn Trường Ninh cho biết là sẽ tiến hành sửa chữa nhà vệ sinh, la-phông trong Chủ nhật tuần này. Còn các vướng mắc về giờ làm, hợp đồng… ông Ninh cũng nói là sẽ tiến hành ròa soát lại, giải quyết dứt điểm trong tuần này.
Nhiều CN phản ánh tình trạng khi họ có ý kiến, khiếu nại thì bị quản đốc là ông Đỗ Xuân Sang kêu lên làm việc riêng và đuổi việc, có trường hợp bị ông này đánh ghế vào đầu. Đó là trường hợp của các CN Nguyễn Thị Tuyết và Lưu Công Thân.
Tuy nhiên, ông Ninh cho rằng chị Tuyết viết đơn xin nghỉ việc với lí do “công việc không phù hợp” chứ không phải bị đuổi, đồng thời trưng ra lá đơn cho rằng “đây là đơn của chị Tuyết xin nghỉ việc”, ông Ninh cũng cho biết chị Tuyết là lao động thử việc. Nhiều CN không đồng ý với giải thích của ông Ninh, họ khẳng định chị Tuyết bị ép viết đơn xin nghỉ việc, và yêu cầu gọi chị Tuyết lên để đối chứng. Lúc này, phóng viên quan sát thấy ông Sang đã không còn tại bàn đối thoại với công nhân như đầu buổi.
Sau khi ông Ninh đồng ý, mọi người gọi điện chị Tuyết để lên đối chất. Lúc đầu chị đồng ý, nhưng sau đó, sợ phía công ty không trả tiền lương nên chị Tuyết không dám lên. Ông Ninh cho biết kỳ hạn trả lương của chị Tuyết là thứ 3 tuần tới, và nói với mọi người là biểu chị Tuyết cứ lên, lương vẫn trả đầy đủ. Mặc dù vậy, chị Tuyết cũng không dám lên. Chúng tôi đề nghị ông Ninh trực tiếp gọi, đảm bảo sẽ trả lương cho chị Tuyết để lên đối chất nhưng ông Ninh bảo rằng “chúng tôi sẽ giải quyết vụ việc này sau. Giờ để cho anh chị em CN về chứ ai cũng mệt và đói cả”. Trong khi đó, CN khẳng định là chấp nhận đói khát để đợi chị Tuyết lên đối chứng.
Viết kiểm điểm nếu muốn tiếp tục làm việc
Đó là khẳng định của ông Ninh tại buổi đối thoại. Ông cho rằng CN tự ý đình công đã ảnh hưởng đến doanh thu của công ty. “Tôi đã báo cáo vụ việc lên chị Hà (Đỗ Thị Thanh Hà, chủ Công ty Sơn Hà), đối với các lao động thử việc, sẽ tiến hành ròa sát lại để xem ai có thể tiếp tục. Còn CN hợp đồng, nếu ai muốn tiếp tục làm việc thì phải viết bản kiểm điểm, chấp nhận chịu xử lí của công ty. Còn công ty xử lý như thế nào, ban lãnh đạo sẽ có quyết định sau. Trong tuần này, chúng tôi sẽ giải quyết hết các vấn đề đó để ổn định sản xuất’ - ông Ninh nói.
Ông Ninh (đứng) trả lời các thắc mắc của công nhân. Ảnh: XUÂN KHÁNH |
Tại buổi đối thoại, ông Đại và ông Đông cho rằng xảy ra tình trạng này là do công nhân thiếu kiến thức về pháp luật lao động, ngay cả huyện cũng có lỗi trong việc chậm tuyên truyền phổ biến. Đồng thời hứa trong thời gian tới, sẽ kết hợp với Công ty Sơn Hà tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động. Hai ông cũng yêu cầu phía Công ty Sơn Hà nên thành lập công đoàn để có sự đồng thuận tốt hơn giữa CN và công ty. Xảy ra vụ việc này, hai bên cần thông cảm và chia sẻ cho nhau. Đồng thời yêu cầu phía công ty nên cư xử phù hợp đối với CN.
Tuy nhiên, ông Ninh vẫn một mực khẳng định CN nào muốn tiếp tục làm ở Công ty Sơn Hà thì phải viết kiểm điểm và chịu hình phạt từ ban giám đốc.
Phóng viên đã có câu hởi với ông Ninh: “Công nhân phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình, vậy phía công ty thì ai chịu trách nhiệm?”.
Ông Nguyễn Trường Ninh không trả lời mà đại khái cho rằng công ty đã đạo tạo CN, “giờ họ đã đủ lông, đủ cánh và muốn đi đâu thì đi”. Về yêu cầu của công nhân đòi đổi quản đốc, ông Ninh nói: “Quản đốc là do ban giám đốc chỉ định, không phải muốn đổi là đổi. Bây giờ mọi người đòi đổi ông Sang, rồi sau này đòi đổi ông Ninh, thậm chí đòi đổi cả bà Hà luôn thì sao?”. Trước đó, vào chiều ngày 13.8, các CN khẳng định những bức xúc của họ chỉ có từ lúc ông Đỗ Xuân Sang lên làm quản đốc từ tháng 5.2015.
Trước yêu cầu của ông Đợi và ông Đông về điều chỉnh giờ tăng ca, chế độ ăn uống. Ông Ninh ghi nhận và cho biết sẽ sửa đổi trong thời gian tới. Cũng như hứa sẽ công khai minh bạch các chế độ, khen thưởng, xử phạt…
XUÂN KHÁNH