(VHQN) - Tiết thanh minh gắn liền với lễ tảo mộ, là phong tục cần được lưu giữ để sợi dây gắn kết nguồn cội thêm bền chặt.
Tháng 3 âm lịch, trời trong và sáng sau kỳ mưa dầm và rét mướt suốt từ mùa đông năm trước đến hết mùa xuân năm sau. Sương mù và mây xám biến mất ở một buổi mai nào đó làm cho bầu trời cao xanh lồng lộng và thanh mát yên bình đến kỳ lạ.
Gió nếp, quê tôi gọi là gió nếp, thổi hơi mát mơn man. Cái gió ấy tưởng như có mùi thơm, thường có vào buổi sớm mai, khi mặt trời chưa kịp lên. Ấy là tiết thanh minh đã sang.
Thanh minh, trời không nắng, không mưa, cũng không mây mù trĩu nặng. Nó làm con người như bỗng lạc vào một cõi sáng êm dịu nào đó. Đúng lúc ấy, dân làng tôi đi tảo mộ.
Với tiết (tết) thanh minh và lễ tảo mộ, người dân vẫn nhớ và thực hành như một nếp sống đã lặn vào tâm thức.
Gia đình ai cũng có những người đã khuất, và trong tiết thanh minh, già trẻ lớn bé cùng nhau đi tảo mộ. Chữ “Tảo” trong tảo mộ thường bị hiểu lầm thành “buổi sớm”. Thật ra, “tảo - buổi sớm” là một chữ đồng âm, không liên quan đến chữ “tảo” trong tảo mộ, mà nghĩa của nó là “quét, tiêu diệt, nhổ sạch…”.
Tảo mộ, nói tự nhiên theo tiếng Việt là dẫy cỏ, làm sạch cỏ trên mộ. Đó là một hình ảnh có tính biểu tượng. Đi tảo mộ không chỉ là “dẫy cỏ trên mộ”. Sau một năm nắng mưa bão bùng, mộ bị chai lở, bị lũ vật đào giẫm, nay con cháu lên nhổ cỏ và gánh đất đắp lại cho vẹn; rồi nhang khói và tỏ lòng kính quý, ghi khắc công ơn.
Theo lời các cụ lớn tuổi trong làng, sau đoạn giá rét suốt mùa đông kéo dài sang mùa xuân, thanh minh là lúc xuân chưa qua hết mà hè cũng sắp sang, khí trời ấm áp, cây cối đâm chồi. Lúc này cỏ dại túa lên, dân gian gọi là “hỗn cỏ”. Bởi thế mới có câu Kiều rằng: “Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh” - đạp thanh chính là giẫm lên cỏ dại, biểu trưng cho việc đi dã ngoại, chơi xuân.
Mộ, làm cỏ cho sạch và tôn tạo cho nghiêm ngắn giữa tiết trời trong xanh mát lành, đó là khi thiên địa giao hòa, người sống và người chết đều thanh bình giao cảm. Sự tiếp xúc ấy vừa linh thiêng, vừa gần gũi.
Nó không có cái âm u của mùa đông, cũng không có cái chói chang của mùa hè. Người đi tảo mộ sau khi đã nhổ sạch cỏ và đắp lại mộ đất thì rưới nước ngũ sắc lên, cho thanh lương mát mẻ. Rồi trở về nhà làm lễ nhỏ, con cháu quần tụ, cùng ăn uống chuyện trò.
Tiết thanh minh và lễ tảo mộ không giống với lễ chạp mả/mộ (viếng và đốt nhang trên mộ vào cuối tháng Chạp để rước người quá vãng về ăn tết). Bởi nó diễn ra trong không khí thanh bình, thảnh thơi; đi tảo mộ dù là việc tâm linh liên quan đến “cõi âm” nhưng lại không mang âm khí nặng nề, ngược lại, nó “dập dìu”, “nô nức” đúng như cách mà Nguyễn Du đã miêu tả trong Truyện Kiều: “Dập dìu tài tử giai nhân/ Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”.
Tất cả khung cảnh ấy chuyển đi thông điệp đẹp đẽ về sự sống và nhịp sống, chứ không gây nên u sầu buồn bã, nhưng lại vẫn phảng phất sự trang nghiêm bàng bạc một triết lý sinh - tử, sắc - không.
Ngày nay, tiết (tết) thanh minh và lễ tảo mộ dù đã thay đổi nhiều theo vùng miền, có những nơi không còn giữ được nét đẹp ấy nữa, nhưng trên nhiều địa phương của miền Bắc và miền Trung, người dân vẫn nhớ và thực hành như một nếp sống đã lặn vào tâm thức.
Dù cầu kỳ hay giản đơn, thì tảo mộ trong tiết thanh minh vẫn còn sống đây đó trong lòng người dân quê bằng sự nhắc nhở, bằng lòng biết ơn và cảm thức về sự thiêng liêng giao hòa sâu thẳm trong tiết trời yên ả dễ khiến lòng người trở nên từ ái, bao dung.
Không có gì bất biến với thời gian, lễ và hội trong tiết thanh minh cũng thế, sẽ theo ngày tháng mà phôi phai, và đang phôi phai qua mỗi mùa. Trao truyền văn hóa qua các thế hệ bằng nếp sống gia đình và giáo dục nhà trường phải luôn thường trực.
Có quá nhiều nội dung vô vị và vô ích trong các môn học, chúng cần được thay bằng những tiết học về văn hóa truyền thống để lưu giữ và phục hưng, đặng một ngày kia không phải tiếc nuối mà nói “giá như”.