Gần một tháng nay, nhiều hộ trồng tiêu ở xã Bình Quế (Thăng Bình) điêu đứng vì những cây tiêu bị vàng lá và chết dần. Còn hơn 2 tháng nữa mới đến mùa thu hoạch nên các hộ dân lo lắng trước nguy cơ trắng tay.
Nhiều cây tiêu bắt đầu vàng lá và chết dần, nông dân xã Bình Quế đang phá bỏ.Ảnh: Biên Thực |
Bệnh “chết nhanh” phát triển nhanh
Ba năm trước, anh Trương Công Hậu ở thôn Bình Phụng, xã Bình Quế trồng 2 sào với 200 choái tiêu. Nhờ đất tốt và chăm sóc cẩn thận nên 2 sào tiêu phát triển nhanh và cho vụ trái đầu tiên. Thế nhưng, chỉ còn hơn 2 tháng nữa, mới bắt đầu bước vào vụ thu hoạch tiêu thì xuất hiện tình trạng tiêu vàng lá, chết hàng loạt. Chưa kịp thu hoạch lứa tiêu đầu tiên, anh Hậu đã phải tự tay nhổ bỏ những cây tiêu do chính mình bỏ công sức để trồng. Theo anh Hậu, năm 2010 anh vào tận các tỉnh Tây Nguyên để học cách trồng tiêu. Năm sau, anh trồng thử nghiệm 1 sào tiêu. Kết quả, cây tiêu đã cho thu nhập cao hơn so với các loại cây khác. Cuối năm 2015, anh Hậu trồng thêm 2 sào tiêu. Qua 3 năm, cây tiêu gần đến thời điểm thu hoạch thì xảy ra hiện tượng vàng lá và chết cây. Đến nay, cả vườn tiêu chỉ còn lại vài choái. Anh Hậu cho biết, bước sang tháng 5, vườn tiêu của gia đình mới cho thu hoạch. Nhưng hiện nay cây tiêu có hiện tượng vàng lá và héo ngọn rất nhanh. “Qua theo dõi, do thời tiết năm nay mưa nhiều dẫn đến thối rễ. Nhìn thân vẫn xanh, tưởng còn sống nhưng nắng lên thì cây tiêu khô và chết dần. Bây giờ tôi chỉ biết tranh thủ nhổ bỏ những gốc tiêu chết” - anh Hậu nói.
Còn hơn 2 tháng nữa, 200 choái tiêu của gia đình chị Nguyễn Thị Phương cũng ở thôn Bình Phụng mới bắt đầu thu hoạch lứa tiêu đầu tiên. Chị không ngờ vườn tiêu của gia đình mình lại ra nông nỗi như vậy. Hơn 100 choái tiêu đã chết rũ, số còn cũng đang vàng lá. Chị Phương cho hay, bây giờ cây tiêu nào chết thì chặt bỏ, thu hái trái được chừng nào hay chừng ấy, coi như của đổ đi hốt lại. “Gia đình tôi đầu tư rất nhiều tiền bạc vào cây tiêu. Trung bình mỗi choái tiêu chi phí 1 triệu đồng. Ngoài vốn liếng dành dụm, gia đình tôi cũng vay 30 triệu đồng trồng tiêu. Bây giờ cả vườn tiêu đã... tiêu điều, khổ!” - chị Phương nói.
Không có thuốc đặc hiệu chữa bệnh cho tiêu
Được biết, năm 2017, xã Bình Quế đã đưa cây tiêu vào đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân trong xã giai đoạn 2017 - 2021 và trích 100 triệu đồng từ nguồn vốn nông thôn mới hỗ trợ cho 40 hộ trồng tiêu. Mặt khác, địa phương đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp trồng tiêu tại thôn Bình Phụng để hỗ trợ các hộ dân về kỹ thuật trồng. Sự vào cuộc của Bình Quế là điều thiết thực, hữu ích để tạo cú hích phát triển cây tiêu trong tương lai. Thế nhưng trong vòng một tháng qua, nhiều choái tiêu chết khiến nông dân lo lắng. Ông Nguyễn Thái Hậu - Chủ tịch UBND xã Bình Quế khẳng định, đến thời điểm này, toàn xã đã có gần 700 choái tiêu chết hoàn toàn. Hiện địa phương cũng đã báo cáo sự việc cho các ngành chức năng của huyện Thăng Bình để có phương án xử lý. “Xã Bình Quế có gần 4.000 choái tiêu với 40 hộ tham gia trồng. Thời gian qua, một số hộ đã trồng lâu năm cho thu nhập cao hơn các loại cây trồng khác. Do vậy, nhiều hộ đã chuyển đổi diện tích để chuyển sang trồng tiêu với mong muốn thu nhập cao. Vậy mà, bây giờ cây tiêu chết, nhiều hộ trồng đang rất bất an. Nhất là các hộ trong quá trình đầu tư đã vay mượn nhiều nơi khoảng 30 - 100 triệu đồng. Địa phương mong muốn các ngành chức năng cấp trên có phương án hỗ trợ, nhất là các khoản vay để các hộ tiếp tục tái sản xuất để trả dần chi phí” - ông Hậu nói.
Sau khi xuất hiện tình trạng tiêu chết hàng loạt tại xã Bình Quế, các ngành chức năng của huyện Thăng Bình đã có mặt tại hiện trường để khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân. Theo ông Hồ Ngọc Quảng - Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình, qua kiểm tra, cho thấy tỷ lệ tiêu chết rất cao, giới chuyên môn gọi đây là bệnh chết nhanh ở cây tiêu. Nguyên nhân là vì mưa lớn kéo dài trước đó, một số vườn trồng tiêu không thoát nước kịp, làm cho đất ẩm đã tạo điều kiện cho một loại nấm phát triển gây ra bệnh chết nhanh ở cây tiêu. “Biện pháp khắc phục, đối với những cây đã chết, bà con nên nhanh chóng dọn dẹp, đào rễ lên gom lại đốt. Hố đất trống phải rải vôi, diệt khuẩn. Đối với những cây tiêu còn xanh, tiếp tục tưới nước, chất dinh dưỡng bằng các chế phẩm chất sinh học để kích thích bộ rễ ra thêm. Sau đó, dùng các loại thuốc đặc hiệu, thuốc kháng khuẩn như Trichoderma, bổ sung phân chuồng để cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây tiêu trong điều kiện nắng nóng” - ông Quảng cho biết. Tuy nhiên, cái khó là ở Thăng Bình lại không có bán thuốc đặc trị cho cây tiêu. Hiện một số hộ trồng tiêu đã phải nhờ người thân ở các tỉnh Tây Nguyên mua thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ cho cây tiêu...
GIANG BIÊN - TRUNG THỰC