Tiểu đoàn Vận tải biển cảm tử

LÊ VĂN THƠM 20/12/2016 10:00

Trong khi khắp nơi nhộn nhịp hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, cựu chiến binh Trần Tường Vân (90 tuổi, ở phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, Đà Nẵng) càng bồi hồi nhớ lại những năm tháng làm nhiệm vụ tại Tiểu đoàn 248 Vận tải biển cảm tử Liên khu 5, trong kháng chiến chống Pháp.

Cựu chiến binh Tiểu đoàn 248 trong một lần gặp mặt. Ảnh: P.V.C
Cựu chiến binh Tiểu đoàn 248 trong một lần gặp mặt. Ảnh: P.V.C

... Sau ngày Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, nhu cầu cung cấp vũ khí cho các chiến trường hết sức cấp thiết. Trước yêu cầu đó, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 quyết định thành lập Tiểu đoàn Vận tải biển 248, do đồng chí Phạm Hồng Sơn làm Chính trị viên trưởng, đồng chí Thái Hựu làm Tiểu đoàn trưởng. Tiểu đoàn có 5 đại đội, đứng chân ở 4 xã Hòa Vinh, Hòa Tân, Hòa Đồng và Hòa Hiệp, thuộc huyện Tuy Hòa (Phú Yên), đảm nhiệm vận chuyển vũ khí, thuốc men, hàng quân dụng, chi viện cho các mặt trận ở Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ bằng đường biển.

Tiểu đoàn tổ chức 16 trạm vận chuyển dọc theo tuyến bờ biển từ Hòa Lạc (Phú Yên) đến Cồn Rơm (Bà Rịa - Vũng Tàu). Vào mùa gió nồm (từ tháng 2 đến tháng 8 hàng năm), đơn vị vận chuyển bằng ghe chèo, đi thành từng đoàn, mỗi ghe chở khoảng 2 tấn, chèo sát ven bờ, giao hàng xong thì chèo trở về nơi đóng quân. Còn vào mùa gió bắc (từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau), đơn vị vận chuyển bằng ghe bầu, trọng tải 10 - 30 tấn, đến nơi giao hàng xong thì hủy ghe, đi bộ về hậu cứ. Cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị luôn xác định tinh thần cảm tử, sẵn sàng hủy thuyền, sẵn sàng hy sinh, nếu bị địch phát hiện, quyết không để vũ khí, tài liệu rơi vào tay quân thù.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 248 với những chiếc thuyền và bằng sức người là chính đã vượt biển ra Bắc vào Nam hàng nghìn chuyến; biết bao phen sinh tử chống chọi với phong ba bão táp và đấu trí với kẻ thù. Đội này, chiếc này ra đi chưa về, đội khác, chiếc khác lại ra đi. Vì vậy mà có tháng toàn đơn vị vận chuyển được 100 tấn hàng, có năm vận chuyển được 1.000 tấn. Và suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, tiểu đoàn đã vận chuyển được 20.000 tấn vũ khí, trang bị, lương thực, thuốc men, tiền vàng và tài liệu cho Liên khu 5, các tỉnh cực Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; đưa đón hơn 100 đoàn cán bộ, trong đó nhiều đồng chí là lãnh đạo Trung ương, Liên khu ủy và các tỉnh ra Bắc vào Nam lãnh đạo kháng chiến. (P.V.C)

Ông Vân kể, vào dịp cận Tết Canh Dần 1950, Trung đội trưởng Nguyễn Văn Xế (người Hội An) cùng 7 đồng chí được giao nhiệm vụ chở một thùng hàng đặc biệt, gồm vàng và tiền, cùng nhiều loại hàng khác để chi viện cho tỉnh Bình Thuận. Anh em đi trên một chiếc ghe bầu, khi đến ngang vùng biển Bình Thuận thì gặp sóng to gió lớn, thuyền gãy lái và bị đắm, nhiều đồng chí hy sinh. Nhớ lời cấp trên căn dặn “nếu còn một người sống thì thùng hàng này phải được đưa đến nơi”, Trung đội trưởng Nguyễn Văn Xế lấy dây buộc chặt thùng hàng vào người và cố sức bơi vào bờ với ý nghĩ nếu mình chết, sóng sẽ đánh dạt vào bờ, khi đồng đội tìm thấy thi thể mình cũng sẽ tìm thấy thùng hàng đặc biệt này. Quả nhiên, mùng Một Tết Canh Dần, người dân cơ sở tại vùng biển Bình Thuận phát hiện đồng chí Xế nằm thoi thóp trên một gành đá ở mép biển. Trung đội trưởng Nguyễn Văn Xế được cứu sống và đã chuyển giao thùng hàng cho đồng chí Hồ Dung - đại diện Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Bình Thuận.

Trong một chuyến khác vào đầu năm 1951, đoàn vận tải có 4 ghe, do đồng chí Trần Á phụ trách và chính ông Vân là Chính trị viên. Khi đến Cam Ranh, đoàn thuyền gặp tàu địch án ngữ ở ven biển. Ông Á và ông Vân hội ý khẩn, quyết định tổ chức khiêng ghe, vác vũ khí, luồn rừng, vượt qua khe núi, vòng tránh khỏi tầm quan sát của địch, rồi lại tiếp tục trở xuống biển để đi tiếp. Thế là 16 cán bộ, chiến sĩ phải khiêng, vác nhiều chuyến cho đến khi đưa được 4 chiếc ghe và toàn bộ vũ khí vòng lên bờ, luồn rừng, cắt núi, rồi xuống trở lại biển để tiếp tục hành trình và đã đưa được hàng đến nơi an toàn.

Hầu hết thuyền viên là ngư dân, khỏe mạnh và thông thạo nghề biển. Tất cả ăn mặc, ngụy trang như ghe thuyền đánh cá ở ven bờ và trà trộn vào các ghe thuyền của ngư dân để vận chuyển vũ khí đến các vị trí quy định. Cứ xẩm tối, anh em chèo ghe đến vị trí trung chuyển ở Phú Yên, nhận hàng, trực tiếp vác lên ghe, ngụy trang cẩn thận và chuyển vào các trạm ở Khánh Hòa, Bình Thuận. Cũng có những chuyến chở vào tận Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến khi trời gần sáng là anh em tấp ghe vào bờ, neo lại, chen lẫn trong đám ghe của ngư dân và đến chạng vạng tối lại tiếp tục hành trình. Các thuyền viên được trang bị AK, lựu đạn, thủ pháo để chiến đấu khi bị lộ và có cài sẵn thuốc nổ để hủy thuyền khi cần thiết. Có lần ghe do đồng chí Lê Lựa chỉ huy gặp tàu địch. Cả tốp tàu chiến địch hò hét vây bắt “thuyền chở vũ khí của cộng sản”. Anh em đã chiến đấu, hy sinh giữa lòng biển mẹ cùng với con thuyền chở 3 tấn vũ khí. Đồng chí Lê Lựa trước khi hy sinh đã trèo lên cột buồm, hô to: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”…

“Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhiều đồng chí đã hy sinh và qua đời. Cả đơn vị làm nhiệm vụ vận tải biển ngày ấy, bây giờ chỉ còn khoảng 150 người, cư trú ở nhiều nơi trong nước. Điều hết sức vinh dự là tiểu đoàn chúng tôi đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” - cựu chiến binh Trần Tường Vân bùi ngùi chia sẻ. Rạng ngời niềm tự hào, vị nhân chứng lịch sử nhấn mạnh: “Thời kỳ chống Pháp, chúng tôi làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí bằng ghe thuyền nhỏ, đi sát ven bờ và thường được gọi là “vận tải cảm tử”. Sang thời kỳ chống Mỹ, ta vận chuyển bằng tàu lớn, đi ngoài khơi xa, với tên gọi “Đoàn tàu không số”. Hai thời kỳ vận chuyển tuy có quy mô khác nhau, nhưng cùng chung mục đích cao cả là chi viện vũ khí cho tiền tuyến diệt thù, cứu nước.

LÊ VĂN THƠM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiểu đoàn Vận tải biển cảm tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO