Dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh với số lượng heo tiêu hủy ngày càng lớn. Tại nhiều địa phương, các hố chôn lấp động vật đã được quy hoạch nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng chôn lấp chưa đúng quy định, vứt xác heo bị dịch bệnh bừa bãi ra môi trường. Sở TN&MT khuyến nghị các địa phương, chủ trang trại, hộ chăn nuôi cần chôn lấp động vật bị dịch bệnh đúng quy định.
Không chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà cả các trang trại với số lượng đàn heo lớn cũng lo lắng về dịch tả lợn châu Phi bùng phát nhanh, lại thiếu các điểm chôn lấp, tiêu hủy xác động vật. Hiện nhiều trang trại nuôi heo lớn ở Phú Ninh, Thăng Bình, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn… đang xây dựng kế hoạch ứng phó cụ thể với phương án dự phòng về vị trí, diện tích chôn lấp trong tình huống xấu. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT và Sở NN&PTNT đã quy hoạch, lựa chọn được nhiều vị trí chôn lấp đáp ứng các yêu cầu về phòng dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường; giám sát chặt chẽ việc thu gom, vận chuyển heo đến điểm tiêu hủy.
Trước tình trạng chôn lấp chưa đúng quy định, vứt xác heo bị dịch bệnh bừa bãi thời gian gần đây, Sở TN&MT khuyến nghị các địa phương, chủ trang trại, hộ chăn nuôi nên chọn hình thức chôn heo dịch trong khu vực có nhiều cây cối để có thể giảm thiểu ô nhiễm môi trường; cần đặc biệt chú ý khoảng cách từ hố chôn lấp đến chuồng nuôi và giếng nước sinh hoạt. Riêng chôn lấp trong khu vực quy hoạch, khoảng cách từ bãi chôn lấp đến các khu vực đô thị, các thành phố, thị xã, thị trấn, công trình văn hóa, khu du lịch, chùa, bệnh viện, trạm y tế tốt nhất từ 3km trở lên. Đặc biệt lưu ý, khoảng cách từ bãi chôn lấp đến nguồn nước nuôi trồng thủy sản, phục vụ tưới tiêu nông nghiệp từ 30m trở lên. Phương tiện vận chuyển xác động vật phải được khử trùng tiêu độc, không được làm rơi vãi các chất thải trên đường đi.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, đơn vị đã hướng dẫn cho các địa phương cách khắc phục hình thức chôn lấp xác động vật không đúng quy cách đã gây ô nhiễm môi trường, bằng cách thực hiện khử trùng môi trường chung quanh; tạo rãnh phong tỏa; xử lý trên mặt hố chôn. Thời điểm này, 14 địa phương trong vùng dịch của tỉnh đã chọn lựa được vị trí chôn lấp đáp ứng các yêu cầu về phòng dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường. Phó Giám đốc Sở TN&MT Lê Thị Tuyết Hạnh nói, các địa phương cần thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, nhất là quy trình chôn lấp heo bị bệnh, hố chôn được lót đáy để hạn chế ô nhiễm môi trường; đồng thời xây dựng kế hoạch ứng phó cụ thể khi xảy ra đại dịch.
Ông Võ Như Toàn - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, Sở TN&MT đã ban hành hàng loạt văn bản hướng dẫn vệ sinh môi trường trong phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, đồng thời phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường. Việc xây dựng, quy hoạch các điểm chôn lấp, tiêu hủy cần tránh xảy ra tình trạng sụt lún, xói mòn, rò rỉ, bốc mùi hôi thối...