Kén rể, ở rể là một trong những mô típ truyện cười dân gian rất phổ biến ở khắp làng quê xưa. Điểm nhấn gây cười của loại truyện này thường là những tình tiết ứng xử thật thà đến ngớ ngẩn của các chàng rể tương lai. Dưới đây là một vài chuyện trong bộ sưu tập truyện cười theo mô típ này.
Tranh minh họa. |
Kén rể văn tài
Xã Hớc nhà giàu, ruộng trâu bề bề lại có con ngựa quý. Vốn tính thích giao du, xã Hớc thường cưỡi ngựa qua lại làng này làng kia kết thân với mấy cụ Tú, cụ Nghè trong tổng nên lây cái nết mê văn chương thơ phú. Xã còn một đứa con gái út khá xinh vừa đến tuổi cập kê. Xã muốn thằng rể tương lai dẫu chưa được hàng Tú, Cử thì ít ra cũng thuộc hạng sinh đồ, ba bồ chữ nghĩa. Xã đánh tiếng kén rể khắp xứ cả năm ròng nhưng những kẻ đến ứng thí đều phải ngậm ngùi ra về vì bị chê là không đủ văn tài.
Một ngày nọ có ba chàng trai trẻ ăn mặc ra dáng học trò nói rặt giọng miền ngoài xin vào yết kiến. Sau khi nghe ba chàng tỏ ý muốn ứng thí, xã Hớc trỏ con ngựa đang cột dưới gốc bàng nơi bìa sân mà bảo:
- Các cậu coi con ngựa của lão kia. Đó là giống Hãn Huyết mã vô địch mà mua được từ bên... Mông Cổ. Đề kén rể của lão chỉ đơn giản là làm một bài tứ tuyệt vịnh con ngựa kia răng cho thiệt hay, thiệt lạ. Lâu ni anh mô tới cũng nhái đi nhái lại là “ngựa chạy tên bay”, “vó câu qua mành” nghe chẳng có chi mới, chán òm.
Ba chàng học trò ngồi bóp trán nhíu mày toát mồ hôi hột cũng không nghĩ ra được cái ý tứ chi cho vừa hay vừa lạ. Chợt nhìn ra chỗ con ngựa thấy một chiếc lá bàng đỏ ối vừa rơi xuống, anh thứ nhất vừa chỉ tay vừa đọc như reo:
Ngoài sân lá bàng rơi/ Ngựa ông phi như chơi/
Phi đi rồi phi lại/ Lá bàng vẫn còn rơi.
Xã Hớc vừa nghe dứt liền vỗ đùi đánh đét một cái, kêu lên:
- Hay, hay! Phi đi rồi phi lại/ Lá bàng vẫn còn rơi. Chưa ai nói được như rứa. Giỏi lắm!
Xã gọi với vào nhà trong:
- Con Út đâu? Mau ra mời trà các anh đây!
Cô Út yểu điệu từ buồng trong ra chào khách rồi nhắc ấm rót trà cho từng người. Cậu học trò vừa hoàn thành “bài quyển” ung dung ngồi rung đùi ngắm hồng nhan, chắc mẩm mình đã được chọn. Hai chàng còn lại buồn thiu, ngồi nhìn dòng trà nóng từ chiếc ấm quý trên tay cô Út bốc hơi trên chén sứ. Đột nhiên, một cây kim thêu từ trên tóc cô Út rơi xuống ngay giữa tách trà. Anh thứ hai nhanh trí liền chỉ ngay vào đó, đọc luôn:
Nàng vừa rơi cây kim/ Ngựa ông phi như chim
Phi đi rồi phi lại/ Cây kim vẫn chưa chìm.
Xã Hớc trợn mắt, há mồm nhìn anh học trò kinh ngạc thốt lên:
- Không thể tin được! Cây kim vẫn chưa chìm ! Đúng là thiên tài! Thiên tài!
Trong khi đó, cô Út vừa che miệng cười khúc khích, vừa quay lưng định đi vô thì... hình như tối qua cô ăn gì bị “thương thực” nên dù cô đã ép đùi lại cố nín nhưng không kịp. Cô đánh một tiếng “chít” thật dài và rõ. Anh học trò thứ ba nãy giờ lép vế bỗng dưng mắt sáng rực lên. Anh ta chỉ tay về phía cô gái mà đọc với cái giọng như... hát bội:
Nàng vừa đánh cái “chít”/ Ngựa ông phi xa tít
Phi đi rồi phi lại/ Cái đít vẫn chưa... khít.
Học làm rể
Có cậu trai mới hỏi vợ, đang trong thời kỳ “làm rể”. Cứ vài ba hôm cậu ta lại phải sang nhà nhạc gia để xem có việc gì thì làm giúp. Cha cậu biết tính con trai mình vốn thuộc loại bộp chộp lại háu ăn nên thường dặn dò:
- Mi qua bên nớ việc chi cũng phải ngó ông gia mà làm theo, nhứt là chuyện ăn uống. Đừng có láu táu mà mất mặt tau nghe không!
Qua bên nhà vợ, cậu trai nhớ lời cha dặn, mọi công việc đều bắt chước theo ông nhạc mà làm. Đến bữa ăn, cả nhà quây quần dưới nền nhà, cậu chọn ngồi phía đối diện. Hễ ông gia gắp món gì thì cậu mới dám gắp. Ông gia ăn cá che miệng nhả xương rồi bỏ ra sau lưng, cậu rể tưởng ông nhai nuốt cả nên cũng cố nhai cố nuốt. Ông gia gắp một miếng sườn heo, che miệng nhả xương rồi bỏ ra sau lưng. Anh rể trợn mắt nhìn và nghĩ thầm: “Ông già ni có bộ răng khỏe thiệt!”. Anh ta cũng liều che miệng ngồi nhai rau ráu cả buổi mới dám nuốt. Đến món bún bò, ông gia húp một cái bị sặc, hai lỗ mũi trào ra mấy sợi bún lòng thòng. Chàng rể thất kinh, bỏ đũa xuống chắp tay khấu đầu vừa lạy vừa lu loa:
- Dạ, con lạy cha! Bắt chước cha xương cá con cũng nhai rồi, xương heo con cũng cố nuốt rồi. Riêng cái kiểu ăn bún ra đằng mũi thì thôi con thà chịu mất vợ chớ thiệt tình con bắt chước không nổi.
Chàng rể thật thà
Ông bà nọ chỉ có một cô con gái cưng. Nghe nói chàng rể tương lai tính nết thật thà, có sao nói vậy, hai ông bà rất mừng, đánh tiếng mời tới nhà xem mặt. Mới gặp nhau lần đầu nhưng càng chuyện trò, lão nhạc càng tỏ ra rất ưng bụng. Chàng rể nhìn thẳng vào mặt nhạc gia mà hỏi:
- Năm ni bác được mấy tuổi rồi?
- Lão... bảy mươi rồi đây. Ông già vừa châm trà vừa giật mình đáp.
- Ui! Rứa bác cùng lứa với cha con mà ngó vẫn còn khỏe hỉ! Cha con thì ngoẻo từ lâu rồi.
Ông già trợn mắt nhìn chàng rể tương lai, giận rung cả bộ râu bạc nhưng rồi làm thinh bỏ ra ngoài. Chàng rể đuổi theo. Ở ngoài sân, thấy bà nhạc đang cho gà ăn, anh ta lên tiếng:
- Chà! Bầy gà của bác gái đông quá hè! Gà ni mà gặp một trận dịch thì chôn răng cho kịp?
Bà nhạc sững người, bấm bụng bỏ vô nhà. Chàng rể nhìn lên mái nhà, lại quay sang ông nhạc:
- Cái mái tranh ni bác lợp được mấy năm rồi mà coi bộ cùn hung ri?
- Ba năm. Ông già bực mình gằn giọng.
- Nè! Bác bảo bác gái coi chừng củi lửa nghe! Nhà ni mà gặp mồi lửa thì thôi, cháy trụi.
Vừa nghe tới đó, bà nhạc liền vác cái chổi chà từ trong nhà chạy ra:
- Thôi thôi! Cút về! Cút về! Rể con chi mi!
PHAN VĂN MINH