Đến nay, việc khuyến khích sản xuất, kinh doanh lẫn tiêu thụ xăng sinh học E5 đã được chính quyền, các bộ ngành trung ương lẫn địa phương phổ biến, triển khai tích cực. Song, trên thực tế, xăng sinh học vẫn chưa được doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng mặn mà chào đón.
|
Nhiều người tiêu dùng vẫn còn xa lạ với xăng sinh học. Ảnh: Hoàng Liên |
Nhiều rào cản
Theo đúng Chỉ thị 19 của Chính phủ, 8 tỉnh/thành: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Quảng Nam phấn đấu đến ngày 1.6.2016 phải đạt 100% số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại địa phương bán xăng E5 và 100% lượng xăng RON A92 được thay thế bằng xăng E5. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác, đến ngày 1.6.2016, đạt tối thiểu 50% số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại địa phương bán xăng E5 và 50% lượng xăng RON A92 được thay thế bằng xăng E5. Tuy nhiên, tới thời điểm này, việc thay thế hoàn toàn xăng RON A92 bằng xăng E5 vẫn chưa khả thi vì nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Trao đổi với giới truyền thông mới đây, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ (Bộ Công Thương) - đơn vị trực tiếp thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc thay thế xăng RON A92 bằng xăng E5, cho biết: “Cần có thời gian để doanh nghiệp và người dân dần thay thế xăng RON A92 thành E5. Hiện, Bộ Công Thương chỉ đạo các điểm kinh doanh xăng dầu tại 8 tỉnh/thành phố bắt buộc phải bán xăng E5 và hạn chế dần xăng A92…”.
Thời gian qua, Quảng Nam đã có động thái mạnh mẽ trong việc yêu cầu chấm dứt bán xăng RON A92, thay vào đó là xăng A95 song song với xăng E5. Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết: “Việc yêu cầu chấm dứt bán xăng RON A92 được ngành công thương thực hiện rất quyết liệt. Tất cả cửa hàng, cây xăng, đại lý xăng dầu buộc phải bán xăng A95 và E5 và nhiều đại lý chỉ bán mỗi xăng A95 vẫn không sai. Dù có một số doanh nghiệp kiến nghị lên Sở Công Thương xin được bán song song xăng A92 và E5, bởi lẽ chiết khấu hoa hồng của xăng A92 cao hơn A95, song không được ngành chấp thuận. Chỉ cần phát hiện nơi nào còn cây xăng A92, hãy điện thoại, chúng tôi sẽ xử lý” - ông Lâm nói.
Cũng theo ông Lâm, Quảng Nam hiện có 161 cửa hàng xăng dầu và tàu dầu (152 cửa hàng xăng dầu, 9 tàu dầu). Trong đó, có 45 cửa hàng thuộc Chi nhánh Công ty Xăng dầu khu vực 5, 11 cửa hàng thuộc Chi nhánh Công ty Xăng dầu PV Oil tại Quảng Nam, 6 cửa hàng thuộc Công ty TNHH TM-DV Tuyết Mai, 3 cửa hàng thuộc Công ty TNHH TM-DV Vận tải Ngọc Khánh và 2 cửa hàng thuộc Công ty Xăng dầu quân đội khu vực II. Hiện, xăng E5 đã được nhiều doanh nghiệp, đại lý đưa vào tiêu thụ rộng rãi ở khu vực đồng bằng, còn việc triển khai bán xăng E5 tại các huyện miền núi rất khó khăn và khó khả thi. “Lộ trình triển khai sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ xăng E5 tại Quảng Nam vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng và sự mong đợi của nhà quản lý. Có nhiều rào cản lớn khiến lộ trình đưa xăng E5 đến với người tiêu dùng chưa đạt mục tiêu đặt ra” - ông Lâm chia sẻ.
Chưa mặn mà với E5
Ông Lâm cho biết, nhiều rào cản khiến lộ trình xăng E5 đến với người tiêu dùng hết sức gian nan như: doanh nghiệp chưa mặn mà do lợi nhuận và tỷ lệ chiết khấu hoa hồng từ E5 thấp; việc nhập xăng về và cả nhập cồn để pha chế sẽ khiến doanh nghiệp đã lỗ lại càng thua lỗ; chính sách về giá của xăng E5 chưa hấp dẫn, lôi cuốn người tiêu dùng; nguyên liệu phối trộn tạo xăng E5 còn bấp bênh… Tỷ lệ hao hụt của xăng E5 được cho rằng lớn hơn các loại xăng thường là A92, A95 khiến doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng tỏ ra lo ngại. Xăng E5 chỉ trở thành xu hướng khi giá dầu thế giới liên tục tăng, còn thực tế thì giá dầu thế giới giảm. Để tạo xăng E5, doanh nghiệp phải nhập xăng về, rồi phải mua thêm cồn để pha trộn (giá cồn khá cao, 13 nghìn đồng/kg), như vậy doanh nghiệp sẽ càng lỗ nặng. Nhiều nhà máy cồn nhiên liệu sinh học của miền Trung như Dung Quất, Đồng Xanh đang đóng cửa, nguồn nguyên liệu cồn phục vụ phối trộn xăng sinh học không đảm bảo. Với người tiêu dùng, dù Nhà nước tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng xăng sinh học thân thiện với môi trường, nhưng việc áp dụng định giá xăng E5 vẫn chưa thu hút người tiêu dùng, xăng E5 chỉ rẻ hơn xăng A92 và A95 khoảng 500 đồng, nên khó thuyết phục họ thay đổi sự lựa chọn. Khâu truyền thông của doanh nghiệp tuyên truyền xăng sinh học tới người tiêu dùng tại nhiều địa phương còn hạn chế... “Có thể nói, việc vận động 100% cửa hàng, cây xăng bán xăng E5 là một hành trình hết sức gian truân, cần phải có thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị. Cần có sự sẻ chia, đồng hành với doanh nghiệp, tiếp nhận khó khăn của doanh nghiệp để có hướng tháo gỡ” - ông Lâm nói.
Qua khảo sát tại Đại Lộc, chỉ riêng khu vực thị trấn Ái Nghĩa có 4 đại lý xăng dầu, nhưng chỉ duy nhất đại lý có bán xăng E5 bên cạnh xăng A95, đó là Cửa hàng Xăng dầu Đại Lộc thuộc khu 7. Hai cửa hàng, đại lý xăng dầu khác gồm đại lý bán lẻ xăng dầu Đại Lộc - Doanh nghiệp tư nhân Phúc Hậu (khu 2), đại lý xăng dầu Petrolimex chỉ bán lẻ xăng A95. Riêng đại lý xăng dầu Nghĩa Trung vẫn còn cung ứng xăng A92. Chia sẻ về tình hình phân phối xăng E5, ông Trần Văn Hiệp (Cửa hàng trưởng Cửa hàng xăng dầu Đại Lộc) cho hay: “Ban đầu, người tiêu dùng rất ngại đổ xăng này nhưng qua một thời gian, thấy không có vấn đề gì, bà con yên tâm dùng. Nếu trước nguồn cung xăng E5 có thời điểm khan hiếm thì thời gian này, nguồn cung đã ổn định trở lại. Xăng E5 ở thời điểm ngày 3.6 là 15.610 đồng/lít, còn xăng A95 là 16.820 đồng, xăng E5 rẻ hơn xăng A95 hơn 1.000 đồng/lít. Mỗi tháng, đơn vị chúng tôi tiêu thụ chừng 60 - 70 nghìn lít xăng E5 song song cùng xăng A95”. Theo ông Hiệp, lý do khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà với xăng E5 còn xuất phát từ yếu tố đặc thù của E5 là rất kỵ nước nên việc xây dựng, lắp đặt và nâng cấp trạm xăng phải đảm bảo yếu tố này, trong khi Đại Lộc là vùng ngập lụt, là “rốn lũ”. Do đặc tính lý hóa, kinh doanh xăng này cần phải súc bể, nâng cấp bể chứa, sơn bể chứa bằng loại hóa chất đặc biệt chống ăn mòn, mài mòn…
HOÀNG LIÊN