Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến - Phó Tư lệnh Quân khu 5 đã khẳng định như vậy tại buổi tiếp công dân định kỳ tháng 12.2019 của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh vào sáng 2.12, xoay quanh nội dung kiến nghị của đại diện các tiểu thương đang buôn bán tại chợ Phong Thử cũ (xã Điện Thọ, Điện Bàn) .
Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến nói, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn tiến hành đối thoại với tiểu thương về các vấn đề liên quan ngay trong tuần này.
Xây chợ mới gần chợ cũ
Hơn 25 hộ tiểu thương đang buôn bán tại chợ Phong Thử cũ phản ánh sự không đồng tình với chính quyền xã vì cho rằng, chủ trương di dời sang chợ mới buôn bán sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.
Cho biết mình cũng như nhiều tiểu thương đã đầu tư mua ki-ốt buôn bán tại chợ ổn định từ 20 năm nay, mua đất xây nhà ở ổn định phía sau ki-ốt, ông Lê Văn Sanh cho biết rất lo lắng khi UBND xã vận động tiểu thương di dời đến buôn bán ở chợ mới. Bởi lẽ lâu nay xã đều nói không có chủ trương di dời chợ bà con tiểu thương cứ an tâm buôn bán. Nếu di dời đến buôn bán ở chợ mới thì phải có cơ chế hỗ trợ cho các hộ có ki-ốt để sớm ổn định buôn bán, không bị ảnh hưởng đến quyền lợi.
“Nhà nước có chủ trương cho di dời chợ thì chúng tôi ủng hộ, chấp hành. Đằng này không có chủ trương gì hết, xã họp nói với chúng tôi không di dời chợ, nhưng họp tiểu thương khác lại nói khác đi. Nhiều tiểu thương đã di chuyển đến buôn bán ở chợ mới, người dân đến chợ cũ ít hơn, chúng tôi đang gặp khó khăn khi một xã tồn tại hai chợ chỉ cách nhau 400m” - ông Sanh nói.
Về lý do xây chợ mới, UBND thị xã Điện Bàn cho biết, chợ Phong Thử cũ hình thành cách đây 20 năm, phần lớn các thành phần kinh doanh trong chợ đều mang tính chất buôn bán nhỏ lẻ. Chợ đã trải qua nhiều lần nâng cấp, sửa chữa, tuy nhiên đến nay hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã xuống cấp trầm trọng; hệ thống xử lý nước thải, hệ thống phòng cháy chữa cháy hầu như không đảm bảo; chi phí sửa chữa, bảo trì rất lớn.
Do đó, năm 2017, được sự hỗ trợ nguồn vốn đầu tư từ dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cùng với nguồn vốn thu tiền sử dụng đất khai thác tại chỗ, UBND thị xã Điện Bàn đã đầu tư xây dựng công trình chợ nông thôn mới Phong Thử tại khu tái định cư Phong Thử I, với quy mô loại III (do cấp xã quản lý) có diện tích 8.000m2 và diện tích nhà chợ chính 5.000m2. Đến nay, chợ mới đã được đầu tư xây dựng hoàn thành với kinh phí 15 tỷ đồng và bàn giao cho địa phương quản lý.
Ông Nguyễn Đạt - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, để sớm đưa chợ mới vào hoạt động trước Tết Canh Tý 2020, từ năm 2018 đến nay, cùng với việc đầu tư xây dựng chợ, UBND xã Điện Thọ đã tuyên truyền phổ biến về kế hoạch hoạt động của chợ; tổ chức đăng ký, sắp xếp quy hoạch ngành hàng tại chợ; tổ chức các buổi bốc thăm chọn vị trí kinh doanh cho các tiểu thương.
Trước đó, trao đổi xung quanh việc một số tiểu thương không có nhu cầu di dời vào chợ mới Phong Thử, ông Nguyễn Đạt khẳng định: “Khi chợ mới Phong Thử đi vào hoạt động địa phương vẫn sẽ giữ lại chợ cũ, quyền lựa chọn kinh doanh ở địa điểm nào là của tiểu thương và khi nào chợ cũ hết vai trò của nó thì chợ sẽ tự động đóng cửa”.
Khiếu nại lên tỉnh
Báo cáo của UBND thị xã Điện Bàn cho biết, UBND xã Điện Thọ đã tổ chức các buổi bốc thăm vị trí vào các ngày 23.11.2019 (dành cho các hộ tiểu thương kinh doanh, buôn bán bên ngoài nhà lồng chợ mới) và 24.11.2019 (dành cho các hộ tiểu thương kinh doanh, buôn bán bên trong nhà lồng chợ mới). Quá trình buổi bốc thăm vị trí đều diễn ra dưới sự chứng kiến của chính quyền xã Điện Thọ và Ban chỉ đạo, Ban vận động và Ban nhân dân, Ban công tác Mặt trận thôn Phong Thử I.
Qua đó, đối với các vị trí ngoài nhà lồng chợ mới có 110/135 hộ tiểu thương đã đồng ý. Riêng đối với 54 hộ tiểu thương dự kiến bốc thăm vị trí kinh doanh, buôn bán bên trong nhà chợ mới, chỉ có 28 hộ đồng ý và ký xác nhận biên biên bản ngày 24.11.2019. Sau đó, có 21/26 hộ còn lại đã trực tiếp đến UBND xã Điện Thọ yêu cầu tổ chức thêm một cuộc bốc thăm vào ngày 25.11.2019. Tính đến nay, đã có 49/54 hộ đồng ý.
Trong báo cáo số 294/BC-UBND ngày 27.11.2019, UBND thị xã Điện Bàn cho rằng, hầu hết hộ tiểu thương đều đồng tình và thống nhất tham gia hoạt động tại chợ mới. Tuy nhiên, có 49 hộ (gồm 37 hộ có đất và nhà ở đang buôn bán quanh chợ; 12 hộ mua ki-ốt phía nam nhà lồng chợ cũ nhưng vì diện tích chỉ 8m2 nên không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) đã không thống nhất đăng ký vào hoạt động tại chợ mới. Vì các hộ này cho rằng chủ trương họp chợ như trên sẽ ảnh hưởng đời sống và gây thiệt hại về kinh tế đối với gia đình họ.
Được biết, trước đó tại cuộc làm việc với UBND xã Điện Thọ vào các ngày 14 và 15.11.2019, các hộ này có ý kiến xoay quanh nội dung: “Nếu các hộ tiểu thương trong chợ cũ vào kinh doanh tại chợ mới, thì các hộ xung quanh chợ có được quyền vận động và mời các hộ khác vào chợ cũ để buôn bán, hoạt động bình thường hay không và trong trường hợp chợ cũ vẫn còn hoạt động thì chính quyền các cấp có tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng không”.
Lãnh đạo xã đã giải thích cụ thể về chủ trương họp chợ và tích cực vận động, tuyên truyền; tuy nhiên các hộ này không đồng tình, có phản ứng gây gắt và tác động tiêu cực đến các hộ khác (nhất là các hộ đang kinh doanh và có hàng hóa đang đặt trong chợ cũ), gây khó khăn cho 54 hộ tiểu thương dự kiến kinh doanh, buôn bán trong nhà lồng chợ mới trong việc bốc thăm vị trí. Vào ngày 26.11.2019, có khoảng 26 người đến trụ sở Ban Tiếp dân tỉnh để khiếu nại sự việc trên.