Tìm bản sắc cho Tam Kỳ

X.Phú - H.Phúc 25/12/2012 10:57

Đồ án quy hoạch (QH) chung TP.Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được mổ xẻ, phân tích (tại cuộc họp góp ý do UBND TP.Tam Kỳ tổ chức), với sự tham gia của nhiều chuyên gia và nhà quản lý. Một lần nữa, nhiều quan điểm ủng hộ phát triển Tam Kỳ thành đô thị xanh, với bản sắc riêng biệt.

Thành  phố “3 ven”

Với một đô thị trẻ, Tam Kỳ chỉ mới ra dáng của phố trong những năm gần đây; sức lan tỏa còn “lép vế” trước các đô thị lân cận như phố cổ Hội An và TP.Đà Nẵng. Kết cấu hạ tầng chậm phát triển, đồ án QH cũ (năm 2007) bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là chưa tạo động lực thu hút và tăng sức cạnh tranh để phát triển đô thị hiện đại. QH sử dụng đất, QH công trình hạ tầng đô thị và hạ tầng kỹ thuật  mở rộng không gian đô thị với hệ thống thoát nước chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ,  khoa học… Do đó, đồ án QH chung TP.Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đang cân nhắc lựa chọn phương án tối ưu, mở rộng không gian đô thị về vùng đông, nơi có đồi núi, có biển, sông, đầm… Đối với khu vực trung tâm thành phố hiện nay vẫn giữ lại, tái sinh sự phát triển sầm uất vốn có, đồng thời xây dựng hoàn thiện chức năng của khu hành chính, giáo dục, văn hóa và kinh tế, xứng tầm là đô thị thủ phủ của tỉnh.

Vùng đông Tam Kỳ, đoạn sông Trường Giang chảy qua xã Tam Thanh.
Vùng đông Tam Kỳ, đoạn sông Trường Giang chảy qua xã Tam Thanh.

Các phương án cho cấu trúc xây dựng đô thị mới đã được đưa ra, đó là mở về hướng biển, xây dựng đô thị mật độ thấp ở phía đông bắc sông Bàn Thạch, mở rộng khu vực đô thị dọc tuyến quốc lộ 1. Theo đề xuất của đơn vị tư vấn - Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering (đơn vị được chọn soạn thảo đồ án QH TP.Tam Kỳ), nên chọn phương án xây dựng đô thị ở phía đông bắc sông Bàn Thạch, lấy đường Điện Biên Phủ chạy theo hướng bắc - nam qua thành phố giữ vai trò là trục trung tâm đô thị. Bởi ngoài lý do không gian thuận tiện cho xây dựng đô thị thông minh, phát huy tối đa hiện trạng, đặc trưng vùng miền, còn có thuận lợi không di dời dân cư hiện hữu với quy mô lớn, giảm chi phí quản lý đô thị…

Cũng theo đơn vị tư vấn, khi xây dựng đô thị mới Tam Kỳ về ngoại ô vùng đông sẽ bảo tồn được các khu dân cư, làng quê hiện hữu, không phát triển ồ ạt đến mức phải tái định cư quy mô lớn. Cạnh đó, tận dụng và phát huy tối đa tài nguyên tự nhiên của sông Bàn Thạch, Tam Kỳ, Đầm Sậy, hồ Phú Ninh, đồi An Hà để hình thành đô thị xanh. Như vậy, khu vực đô thị mới Tam Kỳ sẽ phát triển theo hướng “phố trong làng, làng trong phố” với mật độ cao ở khu vực thành thị, xây dựng trọng điểm làng xã với mật độ cao ở ngoại thành. Không gian làng xã được xây dựng các công trình văn hóa, thể thao, thương mại, đào tạo nghề, bảo tồn vốn văn hóa và truyền thống làng xã nông thôn.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cũng có quan điểm tương đồng với đề xuất trên. KTS. Hoàng Sừ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Tam Kỳ là thành phố “3 ven” vì có cả biển, sông, hồ nên cần phát huy lợi thế khi xây dựng đô thị xanh. Do vậy, “khuôn mặt” của đô thị phải khai thác cho được bãi bồi bên sông Bàn Thạch và cảnh quan mặt nước bao quanh.

Bài toán “trị thủy”

KTS. Nguyễn Tấn Vạn - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây  dựng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam:
Xây dựng đô thị xanh là xu hướng tất yếu

Đặt mục tiêu xây dựng TP.Tam Kỳ trở thành đô thị xanh, mang đậm cá tính riêng là đúng và đây cũng là xu hướng của thế giới hiện nay. Có một số đô thị loại 2 nhưng dân số không đạt đến 300 nghìn như quy định bởi quan trọng là chất lượng phát triển về hạ tầng kỹ thuật, đời sống của người dân. Về phương án phát triển không gian đô thị về phía đông, đưa trung tâm hành chính sang phía đông sông Bàn Thạch, tôi cho rằng khá hợp lý để tạo động lực phát triển cho thành phố.
Chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ Nguyễn Văn Lúa:
Cần giải quyết được vấn đề  “trị thủy”

Tam Kỳ hiện là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa giáo dục, khoa học kỹ thuật của tỉnh và tôi thống nhất cơ bản mục tiêu phát triển không gian đô thị về phía đông, xây dựng thành phố trở thành đô thị xanh, là trung tâm thương mại, dịch vụ phía nam của tỉnh. Về một số ý kiến băn khoăn sẽ xảy ra tình trạng ngập nước, nếu giải quyết được vấn đề này thì khu vực xây dựng khu đô thị mới sẽ rất ấn tượng, kết nối được toàn vùng.

Với vai trò thủ phủ của tỉnh, TP.Tam Kỳ có nguồn động lực lớn cho sự phát triển trong tương lai. Thống nhất mục tiêu xây dựng Tam Kỳ trở thành đô thị xanh, tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn về định hướng phát triển TP.Tam Kỳ mà đồ án đặt ra. Theo PGS-TS-KTS. Trần Trọng Hanh - Phó Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc Việt Nam, nên xem lại mục tiêu xây dựng Tam Kỳ trở thành đô thị hạt nhân, động lực phát triển kinh tế của miền Trung. Với điều kiện của thành phố hiện nay, tốt nhất là xây dựng đô thị nhỏ về quy mô nhưng lớn về chất lượng, có bản sắc riêng. KTS. Hoàng Sừ cho rằng lâu nay chúng ta đều nhắc đến thế mạnh của Tam Kỳ như có các tuyến quốc lộ chạy ngang qua, có bờ biển nhưng thực tế không mạnh bằng nhiều địa phương khác. Dù có bề dày truyền thống lịch sử nhưng Tam Kỳ lại phát triển rất chậm và bị tác động tiêu cực từ các đô thị Đà Nẵng, Hội An, nhất là trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng. Trong khi đó, KTS. Ngô Trung Hải - Viện trưởng Viện Kiến trúc, QH đô thị và nông thôn lại cho rằng Tam Kỳ không bị ảnh hưởng quá tiêu cực từ các đô thị lân cận. “Tôi nghĩ trong tương lai TP.Tam Kỳ vừa bị cạnh tranh rất lớn nhưng cũng có nhiều cơ hội để phát triển bởi đến một lúc nào đó Đà Nẵng sẽ dừng phát triển một số ngành” - ông Hải lý giải.

Một trong những nội dung được nhiều nhà khoa học quan tâm tại cuộc họp là khi xây dựng khu đô thị mới và trung tâm hành chính ở phía đông bắc sông Bàn Thạch sẽ phải giải quyết bài toán trị thủy bởi đây là vùng rất thấp lụt. Theo PGS-TS-KTS. Phạm Hùng Cường - Hiệu phó trường Đại học Xây dựng Hà Nội, xây dựng đô thị mới bên kia sông Bàn Thạch là ý tưởng táo bạo nhưng cần thiết vì có như vậy mới kết nối giữa đô thị cũ hiện nay và đô thị mới theo trục đông - tây. Chỉ có điều cần nghiên cứu thêm công tác “trị thủy” ở đây. Đồng quan điểm, KTS. Hoàng Sừ đặt câu hỏi giải quyết vấn đề ngập nước vào mùa mưa lụt ra sao khi đường thoát nước hiện nay giống  như nút thắt cổ chai trong khi cầu Kỳ Phú 1 và Kỳ Phú 2 đã khởi công xây dựng. Cũng có ý kiến cho rằng, nếu tính giải pháp nâng nền sẽ tốn rất nhiều kinh phí còn xây dựng đê bao sẽ gây trình trạng ngập lụt nặng hơn cho thành phố.

Giải đáp những băn khoăn của các nhà khoa học, đơn vị tư vấn Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering cho biết hiện nay vấn đề “trị thủy” ở khu vực dự kiến xây dựng đang được tập trung nghiên cứu với mục tiêu phải đảm bảo an toàn. Hơn nữa, nếu không xây dựng khu đô thị mới tại đây sẽ khiến cho việc phát triển thành phố trở nên bị phân tán, không kết nối giữa các vùng qua trục trung tâm đông - tây (đường Điện Biên Phủ). Về quy hoạch chung và phân vùng đô thị, vùng chức năng, đơn vị tiếp thu các ý kiến đóng góp và tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh đồ án.

X.Phú - H.Phúc

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm bản sắc cho Tam Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO