Do bội chi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) quá lớn, Quảng Nam là một trong 4 tỉnh trên cả nước được đoàn công tác của Tổng hội Y học Việt Nam - Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam kiểm tra tình hình, định hướng giải pháp cân đối quỹ.
Tổng hội Y học Việt Nam làm việc với các cơ quan liên quan của tỉnh. Ảnh: D.L |
Nhiều vướng mắc
Trong chuyến làm việc tại Quảng Nam mới đây, đoàn công tác của Tổng hội Y học Việt Nam đã trực tiếp khảo sát tại 4 cơ sở y tế gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên. Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: “Quan điểm xuyên suốt của BHYT là đảm bảo nguồn kinh phí cho quỹ BHYT, kiên quyết trong xử lý lạm dụng, trục lợi. Cần khẳng định rằng, quỹ BHYT không bao giờ vỡ, vì đó là chính sách an sinh xã hội. Quỹ BHYT vì chính người dân, vì sự đóng góp của người dân vào chính sách an sinh này, nên các ngành cần phải tìm ra tiếng nói chung. Vấn đề làm sao để ngành BHXH và y tế cùng cố gắng giảm xuống ở mức hợp lý, hạn chế tối đa tình trạng bội chi đang trở nên nghiêm trọng như hiện nay”.
Theo báo cáo của ngành y tế tỉnh và BHXH với đoàn công tác của Tổng hội Y học Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã bội chi quỹ KCB BHYT hơn 382 tỷ đồng. Ông Phạm Văn Lại - Giám đốc BHXH tỉnh khẳng định, Sở Y tế và BHXH tỉnh đã có sự phối hợp trong công tác KCB BHYT. Ngoài nguyên nhân khách quan như thông tuyến, số người tham gia BHYT tăng, có nhiều dịch vụ y tế mới chi phí cao… thì nguyên nhân bội chi quỹ BHYT đến từ cơ sở y tế là rất lớn. Quá trình kiểm tra thực tế, bộ phận giám định BHYT của BHXH tỉnh đã bóc tách nhiều vấn đề. Đáng chú ý, có 14 cơ sở y tế gồm cả bệnh viện đa khoa tuyến trung ương, tỉnh, huyện, bệnh viện tư nhân chỉ định sử dụng chi phí KCB BHYT không hợp lý như kê thanh toán sai giá, thuốc ngoài danh mục, siêu âm rộng rãi, kê khai thanh toán trùng… Ông Lại cho biết: “Đi tìm nguyên nhân là để các bên có hướng giải quyết hiệu quả, cùng vì mục tiêu an sinh xã hội chung mà phấn đấu giảm bội chi, để nhiều người dân cùng được hưởng chính sách nhân văn này”.
Sở Y tế đã có bản kiến nghị gồm 9 nội dung gửi đến đoàn kiểm tra của Tổng hội Y học Việt Nam về việc điều chỉnh, sửa đổi cơ chế quản lý, sử dụng quỹ KCB BHYT. Sở Y tế cho rằng một số quy định về bằng cấp hoặc chứng chỉ chuyên môn đối với người làm dịch vụ kỹ thuật bất cập, gây khó khăn cho cơ sở y tế; một số bệnh viện khi liên thông làm số người KCB BHYT sụt giảm mạnh; quy định chỉ thanh toán BHYT 1 lần đối với một số dịch vụ kỹ thuật không phù hợp; định danh danh mục kỹ thuật và quy định danh mục kỹ thuật tương đương không thống nhất nên khó thanh toán BHYT; định mức trần ngoại trú, nội trú tại nhiều bệnh viện còn thấp… Những kiến nghị nêu trên đã được đoàn kiểm tra ghi nhận, báo cáo cụ thể với Thủ tướng Chính phủ. |
Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế tỉnh khẳng định, ngành y tế đã thực hiện đầy đủ các chính sách BHYT cho người dân, không ngừng nâng cao chất lượng KCB BHYT, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chất lượng. Vì nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan nên tình trạng vượt quỹ, vượt trần xảy ra, ngành y tế còn nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Ông Hai đề nghị đoàn khi kiểm tra cần chỉ ra những yếu tố cụ thể để khắc phục kịp thời tình trạng bội chi thời gian tới.
Không dễ trục lợi
Các cơ sở y tế cho rằng đổ lỗi do các cơ sở y tế làm bội chi quỹ KCB BHYT là áp đặt, mang tính chủ quan nên cần đánh giá cho đúng thực trạng. Ông Phạm Ngọc Ẩn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, hiện nay đối với tuyến tỉnh, có 95% bệnh nhân đến khám bằng thẻ BHYT. Bệnh viện khẳng định không thể vì việc giữ quỹ KCB BHYT mà bỏ qua chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Đối với vấn đề xuất toán, bệnh viện và bộ phận nghiệp vụ của BHXH không nhất quán; có trường hợp xuất toán có trường hợp thì không, làm cho cơ sở khó thực hiện. Thời gian qua, do buộc phải xuất toán nhiều, nên kinh phí quyết toán quý I.2016 vẫn chưa thực hiện xong. “Giá theo Thông tư 37 hiện nay đã lạc hậu rồi, trong khi giá cả thị trường đã tăng cao. Bây giờ bệnh viện đã chuyển về các khoa, vượt trần vượt quỹ của khoa nào khoa đó tự chịu. Tôi thiết nghĩ một bên xài tiền, một bên giữ tiền thì phải có bên thứ 3 giám định chứ như kiểu hiện nay thì không hiệu quả” - ông Ẩn nói.
Còn ông Tô Mười - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam cho rằng, hiện nay cứ âm quỹ thì lại đổ lỗi cho bệnh viện. Khi ở trên đưa ra chính sách ưu đãi cho đối tượng quá rộng rãi mà nguồn kinh phí hạn hẹp nhưng đến khi vượt trần vượt quỹ thì đổ cho bác sĩ, cho bệnh viện thì tội bác sĩ. Ông Mười khẳng định: “Âm quỹ BHYT ở đây rộng hơn đã thể hiện sự tụt tay trong vấn đề quản lý, cần xem lại chính sách vĩ mô. Tôi dám nói rằng BHXH Quảng Nam đã giám định rất kỹ, làm rất tốt việc giám định nên không dễ gì nói trục lợi từ quỹ KCB BHYT được”. Ông Mười kiến nghị Trung ương cần tăng cường đầu tư trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất và nguồn lực để giảm chuyển tuyến thì sẽ giảm nguồn chi từ quỹ; ngành BHXH tỉnh tăng cường công tác giám định ở tất cả cơ sở y tế; quỹ KCB BHYT nên tính hàng tháng, vượt trần vượt quỹ tháng nào tính ngay tháng đó, không nên tính hàng năm rồi xuất toán thì khốn khổ cho các bệnh viện.
LÊ DIỄM