Tìm cách để lắng nghe... - Bài cuối: Cách làm của người trẻ

NGUYÊN ĐOAN - LÊ QUÂN 07/11/2017 10:06

Chọn cách làm việc bằng sự cầu thị, chân thành và thực tế, nhiều cán bộ trẻ đã xây dựng được lòng tin từ nhân dân…

Tin liên quan

  • Tìm cách để lắng nghe… - Bài 1: "Gương soi" từ cơ sở
  • Tìm cách để lắng nghe… - Bài 2: Đi, để nghe dân nói
Chị Trần Thị Đề (phải) luôn nhiệt tình khi tiếp và làm việc với công dân. Ảnh: N.Q
Chị Trần Thị Đề (phải) luôn nhiệt tình khi tiếp và làm việc với công dân. Ảnh: N.Q

1. Sáng một ngày cuối tháng 10.2017, ông Ngô Chí Linh, trú thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã bày tỏ sự không hài lòng vì hồ sơ đất đai của gia đình nhiều năm nay chưa được giải quyết. Theo ông Linh, năm 2013, vợ chồng ông ly hôn, được tòa án quyết định chia mỗi người sở hữu 340m2 đất ở; còn 3 người con được chia 3 thửa đất sản xuất nông nghiệp. Hơn 3 năm qua, thủ tục hồ sơ xin tách bìa đỏ của ông Linh và vợ cũ vẫn chưa được ngành chức năng của huyện Duy Xuyên giải quyết. Vừa phải bổ sung nội dung hồ sơ sau mỗi lần bị trả về, vừa mất thời gian chờ đợi kết quả giải quyết khiến ông Linh rất bức xúc, và lần này ông đến bộ phận tiếp nhận, trả kết quả xã Duy Nghĩa chất vấn cán bộ phụ trách tiếp nhận hồ sơ. Với thái độ bình tĩnh, cán bộ trẻ Trần Thị Đề - được giao phụ trách tiếp công dân của xã tập  trung lắng nghe hết ý kiến bức xúc của ông Linh. Đợi ông Linh giải tỏa hết bức xúc, bình tâm lại, chị Đề mới giải thích các vướng mắc, khó khăn khiến hồ sơ đất đai của ông chưa được giải quyết dứt điểm.

Là người được giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, chị Đề chia sẻ rằng rất thông cảm, xen lẫn áy náy khi hồ sơ của ông Linh chưa được giải quyết, phải mất công sức làm lại nhiều lần, cũng như thời gian chờ đợi. Trong câu chuyện, Trần Thị Đề phân tích vướng mắc của thủ tục hồ sơ xin tách bìa đỏ của ông Linh là do trong bản án ly hôn, tòa án đã có quyết định chia đôi cho mỗi người 340m2 đất ở. Nhưng trong bìa đỏ thể hiện là đất thổ cư, như vậy theo quy định của Luật Đất đai thì ở thời điểm sau năm 1980 chỉ công nhận 300m2 đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Chị Đề cũng giải thích thêm là địa phương nằm trong vùng dự án trọng điểm của tỉnh nên từ năm 2011, huyện có chủ trương dừng tách thửa. Tuy nhiên, trường hợp của ông Linh được giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi theo quyết định của tòa án. Hồ sơ phải làm bổ sung, rồi phải làm lại theo mẫu tờ khai mới của 5 thành viên gia đình ông Linh với 40 trang (5 bộ) đã được chị Đề nhận đánh máy giúp. “Cứ mỗi lần hồ sơ của ông Linh bị trả về, tôi phải xem lại để biết còn vướng mắc ở đâu, điện thoại trao đổi với cán bộ chuyên môn ở huyện nhằm tìm hướng giải quyết. Mỗi lần hồ sơ bị trả về thì phải bổ sung nội dung nhưng vướng mắc xung quanh việc chuyển đổi đất thổ cư sang đất ở vẫn chưa “gỡ” được. Thật sự nếu đặt mình vào vị trí của ông Linh thì cũng không tránh khỏi bức xúc. Mình chỉ là người tiếp nhận, hướng dẫn thủ tục, chuyển hồ sơ đến cơ quan thẩm quyền cấp huyện giải quyết, tuy nhiên nhiều người dân không hiểu, khi hồ sơ bị trễ hẹn hay chưa được giải quyết theo nguyện vọng thì cứ “bắt đền” mình” - chị Đề tâm sự.

Cứ mỗi khi bị “bắt đền” như vậy, chị Đề dặn lòng “không được nóng nảy, luôn biết lắng nghe”, đợi đến khi người dân giải tỏa bức xúc, sau đó mới nhẹ nhàng giải thích, trao đổi cho nhân dân hiểu, không làm căng thẳng trong mối quan hệ và phức tạp thêm vấn đề. Và đây cũng là bí quyết giúp Trần Thị Đề hoàn thành tốt nhiệm vụ tiếp công dân liên quan đến việc giải quyết các thủ tục hành chính tại địa phương.

2. Trần Thị Đề không phải là cán bộ trẻ hiếm hoi ở xứ Quảng chọn cách gần dân bằng sự nhiệt thành, tâm huyết trong phục vụ nhân dân. Ở miền biển của TP.Tam Kỳ, chúng tôi đã gặp anh Lê Ngọc Ty - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh, là cán bộ được đào tạo từ Đề án 500 của tỉnh, một cán bộ được nhân dân nơi đây xem như “người nhà”. Bởi, gần như những dự án du lịch cộng đồng của Tam Thanh trong khoảng 2 năm trở lại đây đều do Lê Ngọc Ty đảm nhiệm phần việc khó khăn nhất: tiếp cận và thuyết phục người dân hưởng ứng. Ở dự án Làng bích họa Trung Thanh, ngay từ những ngày đầu tiên, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Ngọc Ty đi đến từng ngôi nhà ở dọc vùng ven biển này để thuyết phục bà con về những bức tranh tường, đồng thời nói câu chuyện về một sinh kế mới, nếu Tam Thanh đi con đường của du lịch. Bà Lê Diệu Ánh - Chủ nhiệm Dự án phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại xã Tam Thanh năm 2016 chia sẻ, lòng dân ở Tam Thanh là điều tiên quyết để bước đầu làm nên những câu chuyện phát triển du lịch cộng đồng. Và Lê Ngọc Ty được tin tưởng làm nhịp cầu nối giữa những người thực hiện dự án và cư dân địa phương.

Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh - Lê Ngọc Ty (giữa) tham gia hoạt động cùng người dân ở cơ sở. Ảnh: N.Q
Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh - Lê Ngọc Ty (giữa) tham gia hoạt động cùng người dân ở cơ sở. Ảnh: N.Q

Ở một địa phương khác, nằm trong vùng dự án trọng điểm đông nam của tỉnh, thời gian qua, đội ngũ cán bộ, đảng viên xã Tam Quang (Núi Thành) luôn xác định vai trò tiền phong, gương mẫu, gắn bó với cơ sở trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Bà Dương Thị Thu Nga - Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang khẳng định, nếu người cán bộ không gắn bó với cơ sở sẽ không thực hiện tốt được công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng các chủ trương, quyết sách lớn của cấp trên. Kết quả thể hiện rõ nhất là trong công tác quản lý hiện trạng đất đai và người dân chấp hành chủ trương di dời giải tỏa nhường đất xây dựng Dự án cảng cá Tam Quang - nằm trong 6 nhóm dự án trọng điểm vùng đông nam của tỉnh. Trò chuyện với chúng tôi trong căn biệt thự bề thế, khang trang bậc nhất trên địa bàn xã Tam Quang, ngư dân Huỳnh Văn Tạo - Tổ trưởng tổ đoàn kết khai thác trên biển (tổ số 7) chia sẻ, nhờ làm ăn hiệu quả, đội tàu của gia đình ông đã phát triển lên 4 chiếc với tổng công suất gần 3.000CV, trong đó có một tàu mới đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ với trị giá gần 16 tỷ đồng (công suất 829CV). Để có được cơ ngơi khang trang, cũng như mạnh dạn đầu tư phát triển đội tàu đánh bắt trên biển như hiện tại, bản thân ông nhận được sự hỗ trợ, tiếp sức rất nhiều từ phía lãnh đạo các cấp, mà gắn bó gần gũi nhất là người cán bộ phụ trách lĩnh vực thủy sản của xã. Chính sự quan tâm động viên, gặp mặt thăm hỏi, hướng dẫn kịp thời các chính sách dành cho bà con ngư dân của người cán bộ địa phương đã tiếp thêm tinh thần nghị lực cho ông và các thành viên trong Tổ đoàn kết số 7 thêm quyết tâm bám biển phát triển kinh tế, đồng thời góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. “Chúng tôi rất phấn khởi khi Dự án cảng cá Tam Quang chuẩn bị được đầu tư xây dựng. Khi cảng cá này đi vào hoạt động, nhất định giá cả hải sản mà bà con ngư dân đánh bắt được sẽ cao hơn, không còn lo bị thương lái ép giá, thu nhập của thuyền viên sẽ khấm khá hơn” - ông Tạo nói.

Và những câu chuyện về muôn cách lắng nghe dân từ cơ sở, sẽ vẫn còn dài rộng, đủ để làm nên những niềm tin nơi người dân…

NGUYÊN ĐOAN - LÊ QUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm cách để lắng nghe... - Bài cuối: Cách làm của người trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO