Tìm cách giữ nguồn dược liệu quý

TRẦN HỮU 24/10/2015 09:00

Miền núi Quảng Nam là vùng đất có nhiều loại dược liệu, cây thuốc quý không những có giá trị về y học mà còn đem lại giá trị kinh tế cao, định vị được thương hiệu. Thế nhưng, vì thiếu quy hoạch bảo tồn, đồng thời khai thác kiểu tận diệt mà không gian cây thuốc quý bị thu hẹp đáng kể, cá biệt một số loài đang trên đà tuyệt chủng. Trước thực trạng đó, một số địa phương đã, đang quy hoạch, bảo tồn và có cơ chế thu hút đầu tư phát triển nhiều loại cây trồng dược liệu. Đây được xem như tầm nhìn chiến lược trong khai thác lợi thế từ cây bản địa, vừa là cách “trả lời” trong bối cảnh miền núi đang loay hoay chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Nguy cơ tuyệt chủng

Nhiều loài cây dược liệu quý hiếm mọc tự nhiên bị khai thác quá mức đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, trong khi các ngành chức năng chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.

Khai thác tận diệt

Thời gian qua, nhiều địa phương ven biển xuất hiện tình trạng săn lùng các loài cây thuốc quý như cà dưa leo, chùm bành, lá vằng… bán cho thương lái Trung Quốc. Hồi năm ngoái, các xã ven biển từ Núi Thành đến Thăng Bình đua nhau triệt hạ cây chùm bành. Loài cây này mọc quanh vườn nhà, đình làng vùng nông thôn. Tại các xã Tam Thăng, Tam Phú (TP.Tam Kỳ) trước đây là “vương quốc chùm bành” nhưng bây giờ bỗng dưng bị biến mất. Theo người dân địa phương, chùm bành “sốt” nhất vào thời điểm giữa năm 2014 với giá mỗi ký gần 100 nghìn đồng. Sau khi chặt cây, thân và gốc đẽo thành những mảnh nhỏ, phơi khô rồi bán cho thương lái. Trong vòng vài tháng hút hàng, nhiều cây chùm bành lâu năm đã không còn. Thời gian này, người dân còn đổ xô khai thác cây vằng bán cho thương lái Trung Quốc với giá rẻ như … rau.

Nhiều cây thuốc quý bị khai thác tràn lan, không tái sinh dễ bị tuyệt chủng.
Nhiều cây thuốc quý bị khai thác tràn lan, không tái sinh dễ bị tuyệt chủng.

Mỗi lần có lời thổi phồng “thần thánh hóa” các loài cây dược liệu, thương lái truy lùng thu mua là nhiều khu rừng từ ven biển đến miền núi, trung du bị tận diệt. Điển hình như, gần đây dòng người khắp nơi dạt về dãy rừng Trường Sơn qua các huyện Phước Sơn, Nam Giang để đào bới gốc rễ cây mật nhân. Qua tìm hiểu, được biết mật nhân dạng cây, rễ còn tươi được bán với giá 50 - 100 nghìn đồng/kg, loại cắt lát phơi khô thì đắt hơn khoảng trên dưới 200 nghìn đồng/kg. Trong các khu rừng phòng hộ, đặc biệt vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, ngoài việc khai thác gỗ trái phép, có một lực lượng hùng hậu trong và ngoài tỉnh vào triệt hạ các loại cây thuốc quý. Nóng bỏng nhất là “làn sóng” tận diệt cây ươi ở các huyện miền núi. Trái ươi có giá trị dược liệu rất cao, chữa nhiều loại bệnh như thoái hóa xương cột sống, đau lưng…, nhưng dự báo vài năm nữa sẽ không còn nguồn nguyên liệu bào chế thuốc. Theo ngành kiểm lâm, cây ươi có đường kính phổ biến nhiều nhất từ 20 - 40cm, trước đây không bị lâm tặc chặt phá vì gỗ ít có giá trị và người dân chỉ tham gia nhặt trái đã chín rụng xuống đất. Tuy nhiên, thời gian qua, giá ươi liên tục leo thang trên thị trường, người dân ồ ạt kéo vào rừng hạ sát cây để lấy luôn cả trái non. Với đà tận thu bất chấp quy trình khai thác lâm sinh, phải mất hàng chục năm nữa, mới tái tạo được rừng ươi.

Trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng ở xã Trà Linh (Nam Trà My).
Trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng ở xã Trà Linh (Nam Trà My).

Mất cân đối

Ít nhất 36 loài thảo dược quý trên địa bàn tỉnh nằm trong Sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ nghiêm ngặt đang bị ráo riết tận thu. Các loài sâm Ngọc Linh, ngũ vị tử, quế, ba kích, đẳng sâm, giảo cổ lam, hoàng đắng, lan kim tuyến, ngũ gia bì gai, vàng đắng… phân bổ tập trung ở khu vực  miền núi. Theo Sở NN&PTNT, nguồn thuốc quý kể trên đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, nguyên nhân là sử dụng rừng và đất canh tác không hợp lý; khai thác bừa bãi đã làm suy giảm nhanh số lượng. Thêm vào đó, tồn tại nghịch lý giữa cung - cầu, mất cân đối giữa bảo tồn và khai thác, sử dụng các loại dược liệu; cây dược liệu gây trồng hạn chế về số lượng, chủng loại. Phong trào săn lùng cây thuốc quý diễn ra rầm rộ, nhưng các ngành chức năng, chính quyền địa phương các cấp vẫn không có biện pháp quản lý hiệu quả.

Theo PGS-TS.Trần Thị Thu Hà (Viện Nghiên cứu và phát triển lâm nghiệp Việt Nam), những năm qua, nguồn cung cấp cây thuốc quý trên địa bàn tỉnh chủ yếu dựa vào việc khai thác từ tự nhiên mà chưa chú trọng đến gieo trồng, tái sinh. Và nữa, tình trạng thu hái mang tính tự phát và thiếu quản lý chặt chẽ dẫn đến nguy cơ khai thác quá mức. “Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào gieo trồng, sản xuất giống cây thuốc và chế biến sau thu hoạch, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây thuốc chưa quan tâm đúng mức” - PGS-TS. Hà đánh giá. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng các loại dược liệu làm thuốc ngày càng tăng, do khai thác liên tục thời gian dài không chú ý đến việc tái sinh sau khai thác đã làm cho nhiều loài cây thuốc quý đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Theo điều tra dược liệu của Sở Y tế năm 2015, đã phát hiện nhiều vùng có cây thuốc phong phú đã hoàn toàn bị biến mất. Vùng phân bổ cây thuốc quý như bạc hà, ngũ vị tử, đương quy, hoàng đằng, vàng đắng… bị thu hẹp do người dân phát nương làm rẫy dẫn đến hệ lụy rừng bị phá và nghèo nàn thảm thực vật dưới tán rừng. Là địa phương đa dạng cây dược liệu nhưng nguồn nguyên liệu cho công nghiệp dược và ngành y học cổ truyền đang mất cân đối và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Thực tế, nhiều loài cây trồng dược liệu không được sản xuất theo quy trình, quy hoạch. Bằng chứng là dược liệu được trồng lẫn với vùng trồng hoa màu khác; kỹ thuật trồng và chăm sóc các cây dược liệu chủ yếu theo kinh nghiệm dân gian. Sở Y tế thông tin, hàng năm các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh sử dụng hơn 200 loại dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền song hầu hết đều mua từ các doanh nghiệp ngoài tỉnh.

Khoảng trống vùng dược liệu

Nhiều “cánh đồng vàng” dược liệu đã làm đổi đời bao vùng đất rẻo cao. Thương hiệu từ cây trồng bản địa được định hình, nhưng còn đó “khoảng trống” về chỉ dẫn địa lý sản phẩm, thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu ra, cây giống bảo tồn…

Khủng hoảng giống

Con đường phát triển vùng sâm Ngọc Linh (Nam Trà My) quy mô lớn nhiều năm qua “gập ghềnh” do khâu tìm nguồn cây giống đảm bảo chất lượng. Trên rẻo cao Trà Linh, Trà Nam và vùng lân cận của huyện Nam Trà My, nguồn lực đất đai dồi dào, nhưng bà con dù có muốn cũng không thể mở rộng thêm diện tích sâm do khan hiếm nguồn giống. Không một cơ quan chức năng nào thống kê chính xác được nguồn sâm hiện có trong nhân dân, tất cả chỉ là ước đoán. Thực tế, đồng bào Xê Đăng trồng cây “thuốc giấu” cũng không muốn công khai thông tin nhằm đề phòng trộm. Những năm gần đây, ngành y tế, nông nghiệp chủ trương bảo tồn, nhân rộng một số loài cây thuốc quý như sâm Ngọc Linh, quế, ba kích, hoắc hương, mạch môn… Các nhà khoa học cũng lặn lội lên rừng núi nghiên cứu, nhằm di thực nguồn dược liệu sang địa bàn có thổ nhưỡng, khí hậu tương tự. Tuy vậy, rào cản lớn nhất nằm ở cây giống. Lâu nay, các huyện miền núi chủ yếu lấy nguồn giống tự nhiên nên rất hạn chế về số lượng, phương pháp gieo trồng thường dựa vào kinh nghiệm cá nhân mà chưa có quy trình chuẩn, khoa học. Cách thức chế biến dược liệu sau thu hoạch cũng tùy tiện dẫn đến hàm lượng hoạt chất trong sản phẩm bị hao hụt, ảnh hưởng giá thành sản phẩm. Với các loại thuốc quý, các viện dược liệu hầu như chỉ chú trọng hoạt tính dược phẩm, chưa đi sâu nghiên cứu nhân giống cây trồng.

Khó khăn phát triển vùng dược liệu nằm ở khâu sản xuất giống đảm bảo chất lượng.
Khó khăn phát triển vùng dược liệu nằm ở khâu sản xuất giống đảm bảo chất lượng.

Chỉ riêng về cây sâm Ngọc Linh, vài doanh nghiệp đã chiết xuất từ củ, lá cây để sản xuất nước bổ dưỡng, trà túi lọc, thực phẩm chức năng… Từ năm 2014, Công ty CP Thương mại dược sâm Ngọc Linh đã chuyển nhanh mô hình thâm canh nuôi trồng 21 nghìn cây sâm giống tại huyện Tây Giang và năm nay trồng mới 7.000 cây giống; xây dựng vườn ươm giống ba kích, đẳng sâm. Theo công ty, khó khăn lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh là thiếu hụt nguồn nguyên liệu sâm, doanh nghiệp vẫn chưa được tạo điều kiện giao đất giao rừng để thực hiện quy hoạch trồng các cây dược liệu. Ngành nông nghiệp cho rằng,  hạn chế là đến nay tỉnh vẫn chưa điều tra, quy hoạch chi tiết các vùng phân bố dược liệu, cũng như xây dựng danh mục các loài cây thuốc quý. Cơ chế quản lý thị trường dược liệu còn bất cập, nhất là khâu kiểm tra chất lượng giống cây thuốc cũng như kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch. Mặt khác, lực lượng cán bộ làm công tác dược liệu vừa mỏng vừa yếu chuyên môn… Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng nêu bất cập, trồng cây dược liệu ở miền núi thì tự phát, manh mún do chưa có quy hoạch vùng để gây trồng, thiếu nguồn nguyên liệu tập trung để phát triển ngành công nghiệp chế biến dược liệu, mỹ phẩm.

Một cơ sở kinh doanh rễ cây đẳng sâm ở Tây Giang.
Một cơ sở kinh doanh rễ cây đẳng sâm ở Tây Giang.

Mỏng nghiên cứu khoa học

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có tới 832 loài, 593 chi và 190 họ thực vật dùng làm thuốc. Trong đó nhiều cây quý hiếm như sâm Ngọc Linh, ngũ vị tử, quế, ba kích, đẳng sâm, giảo cổ lam, sa nhân, hoàng đắng... Các huyện Tây Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My có thế mạnh phát triển vùng dược liệu theo thị trường hàng hóa. Đề án để khuyến khích bảo tồn và phát triển các loại cây dược liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020 nhằm bảo tồn nguồn gen dược liệu quý, đáp ứng nhu cầu sản xuất sản phẩm hàng hóa, góp phần cải thiện thu nhập người dân ở các huyện miền núi cao.

Vùng dược liệu suốt thời gian dài bị bỏ quên do thiếu các công trình nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Theo Sở Khoa học - công nghệ, giai đoạn 2006-2015, trong số 117 nhiệm vụ cấp tỉnh thì chỉ có 3 nhiệm vụ nghiên cứu về giống cây dược liệu. Trong số 832 loài cây thuốc đã phát hiện, chiếm hơn 60% số loài mọc tự nhiên trong các quần xã rừng, đồi, nương rẫy. Nghiên cứu khoa học thời gian qua chủ yếu tập trung bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh theo phương pháp truyền thống. Một số đề tài nghiên cứu như bảo vệ và phát triển nguồn sâm K5; dự án khôi phục và di thực cây sâm Ngọc Linh tại các huyện Tây Giang, Phước Sơn. Cho đến nay, tỉnh vẫn chưa tạo được cây sâm giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Còn nhớ, năm 2012, Sở Khoa học - công nghệ nghiên cứu đề tài “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống cây sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My”. Tuy nhiên, đề tài này chỉ mới tiếp cận thành công trong ống nghiệm, chưa thể áp dụng vào nuôi trồng ngoài tự nhiên. Thực tế, các đề tài, dự án nghiên cứu về dược liệu quá ít ỏi, chưa tạo ra sự liên kết giữa cơ quan nghiên cứu về khoa học dược liệu với các nhà máy, cơ sở sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Thêm nữa, tiềm lực khoa học và công nghệ còn yếu và thiếu đội ngũ cán bộ nghiên cứu dược liệu.

Vì chưa quan tâm đúng mức công tác bảo tồn nên nguồn dược liệu cung cấp cho y học cổ truyền và nguyên liệu cho ngành công nghiệp dược phụ thuộc nhiều từ xuất khẩu. Nghịch lý lộ rõ: miền núi trước đây được mệnh danh là “vương quốc” của các loài hà thủ ô đỏ, sa nhân, vàng đắng… nhưng bây giờ các cơ sở y tế, chữa bệnh theo phương pháp y học cổ truyền buộc phải nhập khẩu từ nước ngoài các loài dược liệu trên.

Liên kết “6 nhà”

Để tránh nguồn tài nguyên dược liệu “trôi chảy”, miền núi cần nhanh chóng quy hoạch vùng trồng, có chiến lược đầu tư nguồn lực hiệu quả, trong đó phải liên kết được “6 nhà”.

Thời gian qua, một số địa phương mở rộng diện tích vùng trồng cây dược liệu bằng cơ chế khuyến khích hỗ trợ giống, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Nhiều loài cây đã góp phần cải thiện đời sống, bảo vệ môi trường sinh thái. Hiện tại, các loài cây dược liệu quý như giảo cổ lam, sa nhân, đẳng sâm, ba kích, đương quy…  có mặt ở các huyện miền núi Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My. Ngoài dự án hơn 9.000 tỷ đồng về cây sâm Ngọc Linh (Nam Trà My), ở Tây Giang từ năm 2011 đã phê duyệt đề án phát triển cây bản địa ba kích, đẳng sâm, Tr’ đin và đến nay nhân rộng gần 150ha cây ba kích và đẳng sâm. Chính quyền địa phương đưa cơ chế khuyến khích hỗ trợ 5 triệu đồng mỗi hộ tự trồng 1ha cây ba kích, hoặc đẳng sâm. Đến nay, Tây Giang thu hút 3 doanh nghiệp vào đầu tư cây dược liệu; đầu tư cơ sở sản xuất giống ba kích tại xã Lăng và đẳng sâm tại xã A Xan. Cạnh đó, di thực thành công 10ha thảo quả, 20ha táo mèo và 28 nghìn cây sâm Ngọc Linh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đặt mục tiêu mở rộng 300ha cây ba kích, 500ha cây đẳng sâm, quy hoạch vùng trồng sâm Ngọc Linh rộng 200ha. Các ngành nông nghiệp, y tế cũng khoanh khu vực bảo tồn và phát triển, xác định cây trồng chủ lực cho từng địa phương. Cụ thể cây giảo cổ lam sẽ trồng ở huyện Nam Trà My; ba kích quy hoạch vùng Tây Giang và Đông Giang; đẳng sâm ở Tây Giang, Nam Trà My; hoài sơn nhân rộng ở Thăng Bình và Hiệp Đức; quy hoạch trồng sa nhân tại Phước Sơn, Phú Ninh, Nam Trà My; sâm nam tập trung Nam Trà My và lan kim tuyến phát triển ở Phước Sơn.

Muốn bảo tồn và phát triển dược liệu cần quy hoạch vùng trồng và cơ chế hỗ trợ phù hợp.
Muốn bảo tồn và phát triển dược liệu cần quy hoạch vùng trồng và cơ chế hỗ trợ phù hợp.
Theo ngành nông nghiệp, giai đoạn 2015-2020, 9 huyện miền núi trước mắt quy hoạch 6.830ha bảo tồn và phát triển 5 loại dược liệu quý hiếm (giảo cổ lam, sa nhân, ba kích, đẳng sâm và đương quy). Trong đó, tập trung quy hoạch bảo tồn các vùng dược liệu mọc tự nhiên tại các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang và Phước Sơn với diện tích 3.330ha. Hỗ trợ xây dựng các cơ sở sản xuất giống dược liệu chất lượng cao.

Sở NN&PTNT đưa ra hàng loạt giải pháp phát triển cây dược liệu quý hiếm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020 theo hướng liên kết “6 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà truyền thông và người sử dụng). Trong đó đáng lưu ý, Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp với chính sách ưu đãi về đất đai, kêu gọi nhân dân tham gia bảo tồn, phát triển dược liệu. Bù lại, doanh nghiệp đầu tư vốn, nhân lực, tiêu thụ sản phẩm. Miền núi có điều kiền phát triển vùng dược liệu bởi ngoài nguồn lực đất đai dồi dào, còn được lồng ghép các nguồn vốn của chương trình 135, nông thôn mới, các dự án của tổ chức nước ngoài cho bảo tồn dược liệu quý. Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam sẽ chủ động sản xuất giống. Các huyện Nam Trà My, Tây Giang, Đông Giang đang rà soát thu hồi một số diện tích đã cấp cho các tổ chức, đơn vị sử dụng không đúng mục đích để cấp cho các hộ đảm bảo quỹ đất phát triển vùng dược liệu tập trung. Triển khai mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng đối với diện tích rừng tự nhiên được quy hoạch cho rừng phòng hộ. Theo ông Lê Minh Hưng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, sắp tới sẽ phát triển mạnh dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa, có sức cạnh tranh trên thị trường. Quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế và y tế; chú trọng bảo hộ, bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu quý hiếm có giá trị kinh tế cao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, các địa phương miền núi hội đủ các yếu tố để hình thành vùng dược liệu quy mô lớn. Ngoài công tác quy hoạch, ưu đãi về đất đai, phải thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển mạnh vùng chuyên canh cây dược liệu. Mỗi nơi có thế mạnh cây bản địa khác nhau cần phải khai thác lợi thế. Vì vậy, phải liên kết “6 nhà” trong phát triển vùng dược liệu ở các huyện miền núi. Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Bhling Mia đề xuất, tỉnh cần sớm ban hành cơ chế, định mức thuê đất dưới tán rừng để cho các doanh nghiệp phát triển cây dược liệu; phê duyệt đề án quy hoạch và phát triển cây dược liệu. Theo Hội Đông y Quảng Nam, trong các dự án được ưu đãi đầu tư, phải khẩn trương điều tra tổng thể nguồn tài nguyên dược liệu trên địa bàn tỉnh; mạng lưới kinh doanh thuốc và quản lý hành nghề thuốc y học cổ truyền. Cạnh đó, quy hoạch và giao đất cho các tổ chức, hộ gia đình trồng cây dược liệu dưới tán rừng; có cơ chế thông thoáng cho nhà đầu tư lên miền núi sản xuất cây trồng dược liệu…

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm cách giữ nguồn dược liệu quý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO