Tìm cách hồi sinh cho lụa

Thực hiện chuyên đề: LÊ QUÂN - GIA KHANG 04/03/2018 09:18

Tiếp tục tìm kiếm đường hướng để ngành hàng tơ lụa xứ Quảng phát triển và phát triển bền vững đang là nỗ lực của rất nhiều doanh nghiệp, người dân cùng chính quyền Quảng Nam.

Lụa Mã Châu có mặt trên thị trường. Ảnh: NHƯ TRANG
Lụa Mã Châu có mặt trên thị trường. Ảnh: NHƯ TRANG

CHĂN TẰM, ƯƠM TƠ, DỆT LỤA

Phục hưng tên tuổi của một xứ sở từng là “thủ phủ” lụa là, bằng cả con đường sản xuất, kinh doanh lẫn du lịch, liệu Quảng Nam có làm nên một cuộc “trở mình” cho ngành tơ lụa?

Phục hồi nghề trồng dâu

“Ngành tơ lụa là ngành kết hợp nông - công nghiệp một cách nhuần nhuyễn, tạo ra nhiều lao động và lợi nhuận nên nhiều quốc gia đang quay trở lại đầu tư cho ngành này” - ông Fei Jianming, Tổng thư ký Hiệp hội Tơ lụa thế giới chia sẻ về sự phát triển của ngành tơ lụa hiện nay. Ở Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết chính quyền địa phương đang nỗ lực để phục hưng nghề này. “Hiện thị trường có những tín hiệu tốt, nhất là đã có một số doanh nghiệp tâm huyết, có khả năng kết nối với các tập đoàn lớn trên thế giới để tổ chức lại nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Quảng Nam thấy rằng đây là cơ hội rất lớn để chính quyền cùng với nhân dân, doanh nghiệp liên kết, hình thành chuỗi giá trị, từ đó phục hồi nghề trồng dâu nuôi tằm. Chúng tôi cũng được biết thu nhập từ nghề trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa rất khá so với mức thu nhập hiện nay, đặc biệt là ở những bãi bờ sông Thu Bồn, Vu Gia nơi có điều kiện canh tác phù hợp. Cây dâu cũng có tác dụng giữ đất, hạn chế xói lở, phục hồi môi trường sinh thái khu vực hai bên sông. Do đó, đây là những điều kiện, thời cơ thuận lợi để phục hồi làng nghề này” - ông Lê Trí Thanh chia sẻ.

Việc phục hồi nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa sẽ mang đến thu nhập cao hơn cho người dân so với các ngành nghề nông nghiệp khác. Ảnh: LÊ QUÂN
Việc phục hồi nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa sẽ mang đến thu nhập cao hơn cho người dân so với các ngành nghề nông nghiệp khác. Ảnh: LÊ QUÂN

Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang, nguyên giám đốc Xí nghiệp ươm tơ xuất khẩu Quảng Nam - Đà Nẵng, kể lại câu chuyện thời hoàng kim của ngành tơ lụa, khi từ những năm 1987 - 1992, Công ty tơ lụa dâu tằm Quảng Nam - Đà Nẵng đã liên kết với ông làm Xí nghiệp ươm tơ xuất khẩu, mỗi năm xuất đi 20 tấn tơ. “Lúc đó ở Điện Quang người người trồng dâu, nhà nhà nuôi tằm, kinh tế phát triển, quán sá mọc lên sôi động. Nhưng từ năm 1993 đến 1996 thị trường tiêu thụ bắt đầu tụt dần. Ông bà mình vô Quảng Nam này đã gắn với trồng dâu nuôi tằm, kéo dài dọc sông từ Hòn Kẽm Đá Dừng xuống đến Cửa Đại, trên bến dưới thuyền, nên giờ phải tìm cách phục hồi và phát triển nghề này” - ông Thanh nói. Theo ông, trồng dâu vừa kinh tế nhưng gắn với môi trường, gắn với vấn đề bảo vệ đất, mỗi mùa lũ lụt cây dâu nằm xuống ôm đất và tích lũy phù sa nên khi mất nghề dâu tằm thì đất đai bị bồi lấp, sạt lở. “Do vậy, bắt đầu năm 2015, khi tỉnh có chủ trương phục hồi nghề dâu tằm, tôi mừng lắm, vì từ ông bà, cha mẹ tôi đều làm nghề này. Không chỉ tôi mà nông dân Điện Quang rất phấn khởi bởi vì làm một công được hai việc. Tuy nhiên, tỉnh cần có cơ chế chính sách hỗ trợ. Ví dụ, chính sách về đất đai thế nào, đầu tư làm cơ sở hạ tầng thế nào, hỗ trợ tìm doanh nghiệp để giải quyết đầu ra sản phẩm thế nào… Tôi nghĩ, nếu có cơ chế rõ ràng, chắc chắn nhân dân sẽ hưởng ứng, riêng tôi sẽ xung phong cùng HTX Điện Quang tổ chức phục hồi nghề truyền thống này” - ông Thanh quả quyết.

Gỡ nút thắt

Ở một câu chuyện khác, ông Đặng Vĩnh Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam cho biết: “Thách thức lớn đối với ngành dâu tằm Việt Nam hiện tại là trứng giống tằm. Hiện nay, có thể nói toàn bộ giống tằm lai lưỡng hệ đều nhập khẩu gần 100% từ Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch. Thêm nữa, là có doanh nghiệp Việt xuất khẩu tơ Trung Quốc nhưng lại ghi xuất xứ Việt Nam để hưởng mức thuế suất thấp (tơ Việt Nam nhập vào Ấn Độ nếu có chứng nhận xuất xứ thì sẽ chịu mức thuế nhập khẩu 5%, tơ Trung Quốc phải chịu mức thuế 20%). Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín tơ lụa Việt. Ấn Độ đang có đề xuất đánh thuế tơ Việt Nam bằng mức thuế với tơ lụa Trung Quốc, nên để Trung Quốc núp bóng xuất tơ như vậy là chúng ta đang hại chính mình. Trong khi đó, sản lượng tơ thế giới đạt 140 ngàn tấn/năm thì Trung Quốc đã chiếm 70% tổng số này”. Có thể dựa vào một nước khác về nhiều thứ để phát triển sản phẩm trong nước nhưng không được lệ thuộc nguồn giống, đặc biệt đó lại là đối thủ cạnh tranh. Nguồn giống tằm kém chất lượng đổ vào Việt Nam chỉ trong vòng một tháng hoặc lâu hơn chút ít, hậu quả xấu sẽ xảy ra ngay. “Kén tằm sẽ khan hiếm, giá kén đội cao, giá sản phẩm tơ lụa đội cao hơn mức đối tác mong muốn, quốc gia lệ thuộc sẽ thua cuộc, mất hợp đồng, mất thị trường và mất cả một ngành nghề. Nếu nơi xuất giống ngưng cấp giống kén tằm trong thời gian ngắn, sự hỗn loạn trong sản xuất tơ tằm sẽ xảy ra ngay tức khắc” - ông Fei Jiangming, Tổng thư ký Hiệp hội Tơ lụa thế giới nói.

Để gỡ nút thắt sinh tử này cho ngành dâu tằm, theo ông Đặng Vĩnh Thọ, chỉ có thể thay đổi các giống lai dâu mới, nuôi tằm con tập trung, thay đổi công nghệ ươm tơ từ ươm cơ khí qua ươm tự động và tìm kiếm thị trường với giá cả ổn định. Tại Lâm Đồng, chính quyền địa phương này đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành nghề đến năm 2020, phát triển thêm khoảng 1.000ha dâu (hiện tại có khoảng 400ha dâu) và định hướng các vùng sản xuất nguyên liệu cung cấp cho nhà máy chế biến hoạt động. Ngoài khâu nuôi trồng, sản xuất, việc định hình thương hiệu và kích thích người tiêu dùng ở nhiều cấp độ khác nhau tìm tới với sản phẩm lụa vẫn là điều khiến nhiều người trăn trở. Ông Hồ Viết Lý, Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Toàn Thịnh cho rằng, không chỉ chất lượng tơ lụa phải là điều cần đảm bảo mà mẫu mã sản phẩm với tính năng cũng như thẩm mỹ cũng phải được coi trọng. “Chính lúc này ngành thời trang và tơ lụa phải cùng nhau làm nên điều kỳ diệu cho tơ lụa Việt” - ông Lý nói.

TỪ “THỦ PHỦ” LỤA BẢO LỘC

Những bài học đắt giá để Lâm Đồng trở thành một “thủ phủ” lụa hiện nay của cả nước, có lẽ là điều mà ngành lụa Quảng Nam cần để tâm.

Kết hợp với thời trang là điều phải hướng tới của ngành tơ lụa Việt. Một buổi diễn thời trang với chất liệu lụa Việt luôn cuốn hút người xem.Ảnh: LÊ QUÂN
Kết hợp với thời trang là điều phải hướng tới của ngành tơ lụa Việt. Một buổi diễn thời trang với chất liệu lụa Việt luôn cuốn hút người xem.Ảnh: LÊ QUÂN

Đổi mới công nghệ

Ông Huỳnh Tấn Phước - Giám đốc Công ty TNHH Tơ tằm Nhật Minh (Bảo Lộc, Lâm Đồng) cho rằng, đã làm là phải biết liên kết, liên kết giữa người dân, người ươm tơ, người dệt và cuối cùng đến nhà thiết kế để cho ra những sản phẩm đảm bảo thị trường chấp nhận. “Đặc biệt, phải chú trọng về chất lượng thì mới hòa nhập được với thị trường thế giới. Hiện tại, chúng tôi đã cải tiến công nghệ nên đầu ra sản phẩm đã được thị trường thế giới chấp nhận, và chúng tôi bán được giá cao, do đó nông dân cũng được hưởng lợi nhuận cao. Chúng ta vẫn phải bảo tồn nghề thủ công truyền thống trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa vì đây là nét văn hóa truyền thống, nhưng bên cạnh đó chúng ta kinh doanh nên phải nghe, phải hiểu được thị trường, phải cải tiến kỹ thuật, mẫu mã để tạo nên những sản phẩm tốt mới có thể “sống” được” - ông Huỳnh Tấn Phước nói.

Trong quá khứ, các chuyên gia của Nhật Bản từng xác định Bảo Lộc là xứ tốt nhất Việt Nam để làm tơ lụa. Sau một thời gian thăng trầm, đến giữa năm 2017, tơ lụa Bảo Lộc đã có mặt ở thị trường Nhật Bản, Ấn Độ, Ý, Anh, Pháp và các nước khu vực Trung Đông. Từ tơ tằm, các nhà dệt ở Bảo Lộc đã sản xuất lụa satin dùng may kimono cho người Nhật; lụa yozu dùng may khăn đội đầu ở các nước khối Ả Rập, Ấn Độ; vải lụa habuta, CDC dùng may âu phục cao cấp... Bà Hà Thị Hoa - Giám đốc Công ty TNHH Xe tơ - dệt lụa Hà Bảo tại Bảo Lộc chia sẻ, để định hình phát triển ngành ươm tơ dệt lụa, nhiều doanh nghiệp tại Lâm Đồng đã đầu tư máy móc thiết bị sản xuất các sản phẩm mới, các sản phẩm làm nguyên liệu chính thay thế nguyên liệu nhập khẩu, xây dựng quy trình quản lý chất lượng ISO, HACCP. Hiện tại, riêng ở Bảo Lộc, sản lượng tơ hàng năm khoảng 1.600 tấn, lụa các loại khoảng 5,6 triệu mét vuông. Một số dòng lụa thương hiệu hàng đầu trên thế giới của Ý, Nhật Bản, Thái Lan được dệt tại Bảo Lộc. Những người kinh doanh lụa thế giới đặt hàng các nhà máy Bảo Lộc và xuất đi bằng thương hiệu của họ với chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Liên kết

Chất liệu tơ và tay nghề người dệt lụa ở Bảo Lộc thực sự tốt, đủ sức cạnh tranh quốc tế. Và các doanh nghiệp tơ lụa tại Bảo Lộc đã cùng nhau nhìn về một hướng khi cho rằng ngành lụa muốn đi đường dài cần phải có ngành thời trang giúp sức. “Các doanh nghiệp lụa tại Bảo Lộc cùng với nhà thiết kế Minh Hạnh đã thành lập Vietnam Silk House (Nhà tơ lụa Việt Nam). Vietnam Silk House có hai cơ sở tại TP.Đà Lạt, trước tiên trưng bày sản phẩm của 6 doanh nghiệp ở Bảo Lộc và nhiều địa phương khác: Hà Bảo, Bảo Lộc Silk, Lụa Việt, Thái Nam Silk (Hà Nam), Đũi Nam Cao (Thái Bình), Minh Trang (Ninh Bình). Đây là nơi vừa trưng bày tơ lụa, vừa có những tư liệu để khách hàng hiểu hơn về lụa Bảo Lộc và lụa Việt Nam. Đây cũng là sân chơi để các đơn vị sản xuất tơ lụa học hỏi nhau, tạo sự đa dạng cho sản phẩm, và là nơi khởi động để những doanh nghiệp lụa đưa ra những sản phẩm hoàn chỉnh, có tính ứng dụng để định danh với người tiêu dùng” - bà Hà Thị Hoa cho biết.

Ông Huỳnh Tấn Phước cho biết thêm, Bảo Lộc có khoảng 20 công ty ươm tơ nhưng đa số đã chuyển đổi qua công nghệ hiện đại, thị trường gồm các nhà dệt địa phương trong nước còn lại xuất khẩu Nhật Bản, Ấn Độ. Hiện giá tơ thế giới đang nằm 70USD/kg, thị trường trong nước khoảng 1,6 triệu đồng/kg (tơ cấp cao), tuy vậy thị trường rất hút hàng, không còn tình trạng tồn kho như mấy năm trước. “Với Quảng Nam tôi nghĩ muốn phát triển ngành dâu tằm trước mắt phải nghiên cứu giống; phải tìm ra giống tằm phù hợp với vùng đất Quảng Nam, phải xác định cây dâu nào là chủ lực, giống tằm nào là chủ lực, đồng thời cũng nên chuyển đổi, thay thế những công nghệ lạc hậu để có sản phẩm tốt cung cấp ra thị trường. Trước kia đầu ra có thể bấp bênh nhưng bây giờ thì không lo do giao thông đã thuận tiện, thị trường cũng đã hiểu biết và ưa chuộng về tơ lụa. Hiện nay, tại Bảo Lộc nguyên liệu mới chỉ đáp ứng được 60% công suất của các nhà máy nên việc vận chuyển từ Quảng Nam lên Bảo Lộc cũng không quá khó khăn nên tôi nghĩ đầu ra của tơ lụa Quảng Nam sẽ ổn định, từ đó Quảng Nam sẽ phát triển tiếp” - ông Phước chia sẻ.

NỐI SỢI TƠ VỚI DOANH NGHIỆP

Tìm cách liên kết giữa người dân, chính quyền và doanh nghiệp hẳn là một cách thức phát triển ưu việt hiện nay, khi muốn đưa sợi tơ ngoạn mục trở lại thị trường.

Tìm hướng để ngành tơ lụa xứ Quảng phát triển đang là nỗ lực của rất nhiều doanh nghiệp, người dân và chính quyền Quảng Nam.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Tìm hướng để ngành tơ lụa xứ Quảng phát triển đang là nỗ lực của rất nhiều doanh nghiệp, người dân và chính quyền Quảng Nam.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Liên kết hình thành chuỗi giá trị của tơ lụa

Tôi nghĩ phải đặt doanh nghiệp làm trung tâm của chuỗi giá trị này, doanh nghiệp sẽ tìm được tiếng nói của thị trường, có được cơ chế hợp tác liên kết với người dân, đồng thời người dân phải thu được lợi ích cao, bền vững so với giá trị cây trồng mà hiện nay đang canh tác. Doanh nghiệp phải kết nối với thị trường không chỉ trong nước mà cả quốc tế, còn chính quyền phải nghiên cứu các cơ chế chính sách để tác động vào, để thắt chặt hơn mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người dân địa phương vừa tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, vừa tạo sản phẩm đa dạng mẫu mã, chủng loại, đáp ứng được nhu cầu trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên một rào cản lâu nay chúng ta cần phải bỏ đó là tính duy ý chí. Chúng ta mang một hồi ức về quá khứ huy hoàng của nghề này, chúng ta muốn phục hưng mà không gắn kết được với doanh nghiệp để tạo một thị trường đầu ra ổn định, tạo thu nhập cao hơn để người dân chuyển đổi các loại cây trồng hiện nay sang cây dâu truyền thống, thì không giải quyết được vấn đề một cách căn bản và lâu dài. Chúng tôi đã làm việc với nhiều doanh nghiệp để vừa gắn kết trồng dâu tạo ra các sản phẩm tơ tằm xuất khẩu nhưng đồng thời cũng gắn kết phục vụ phát triển du lịch để tăng thêm giá trị cho người dân và cho doanh nghiệp.

Chúng tôi cũng làm việc với một đối tác của Mỹ và đã được Bộ Khoa học - Công nghệ cho phép nghiên cứu thành lập một phòng thí nghiệm giống tằm biến đổi gen phù hợp để có thể nghiên cứu nâng cao năng suất, hiệu quả của việc trồng dâu nuôi tằm. Tôi nghĩ bây giờ có thể đặt ra mục tiêu phục hồi và phát triển nghề dâu tằm tơ, xuất phát từ tín hiệu của thị trường, bằng con đường liên kết một cách rất chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người dân. Cần có cơ chế chính sách của Nhà nước tác động vào từng khâu, để các bên đều có lợi và thời điểm này là phù hợp. Chúng tôi cũng đã giao nhiệm vụ cho các HTX nông nghiệp, chính quyền các địa phương cấp huyện, cấp xã khảo sát lại các vùng có thể phát triển trồng dâu, kể cả làm việc với các doanh nghiệp để có những thảo luận về cơ chế chính sách, tạo cho doanh nghiệp sự yên tâm trong liên kết phát triển sản xuất. Hiện các bên ngồi lại với nhau để tìm ra được tiếng nói chung.

Ông Lê Hồng Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương: Phải thực hiện từng bước

Đối với vùng truyền thống như Quảng Nam, sản xuất dâu tằm vẫn có triển vọng phát triển và phát triển bền vững. Chính quyền địa phương với tư cách “nhạc trưởng” là nhân tố quan trọng nhất đảm bảo cho sản xuất phát triển. Nếu không có sự quan tâm của chính quyền thì nông dân không thể tự phát triển được. Vai trò của chính quyền thể hiện ở việc quy hoạch, định hướng phát triển, hoàn thiện thể chế chính sách huy động sức dân và sự tham gia của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như năng lực của cán bộ, hiểu biết của người sản xuất, các giải pháp về đất đai như dồn điền đổi thửa, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông và sản xuất, đảm bảo về giống dâu con tằm… cũng quan trọng ngang bằng với việc xây dựng thị trường tiêu thụ tốt, thuận lợi, minh bạch.

Đồng thời cần phải tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp tham gia các lĩnh vực như cung cấp giống, nguyên vật liệu, thu mua và chế biến tơ - là điều kiện cần để sản xuất dâu tằm có thể phát triển. Vai trò của doanh nghiệp với sản xuất là rất lớn, họ vừa là tác nhân đảm bảo cung cấp đầu vào vừa đảm bảo thị trường đầu ra cho người sản xuất, là hạt nhân liên kết giữa các tác nhân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Mọi sự phát triển cần phải thực hiện từng bước. Trước hết, theo tôi, Quảng Nam cần tập trung vào việc mở rộng diện tích trồng dâu, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học lai tạo, tạo nên những giống dâu tằm có sức chống chịu phù hợp với điều kiện của tỉnh và năng suất cao đảm bảo nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với việc đầu tư về nghiên cứu khoa học, các chính sách về thuế, vốn… thì chính quyền cần khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành dâu tằm, tăng dần tỷ lệ trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Ông Lê Trung Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên: Người dân tăng thu nhập từ trồng dâu nuôi tằm

Chủ trương của huyện đã tính đến chuyện củng cố, khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm vừa phục vụ cho chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, đồng thời phục vụ cho phát triển du lịch. Hiện nay, toàn huyện còn khoảng 11ha trồng dâu nhưng thực tế cũng mới chỉ phục vụ cho việc nuôi tằm làm thực phẩm chứ chưa tính đến chuyện lấy kén. Thời gian đến, cùng với chủ trương chung của tỉnh trong việc trồng dâu nuôi tằm, huyện sẽ củng cố lại, trong đó, tập trung tích tụ ruộng đất, nhất là diện tích đất bồi ven sông ưu tiên cho việc trồng dâu, rồi cơ sở hạ tầng thủy lợi hóa đất bồi ven sông. Đặc biệt, sẽ mời các nhà đầu tư, trong đó có sự hỗ trợ của Công ty CP Dâu tằm Quảng Nam để hỗ trợ về kỹ thuật con - cây giống, kỹ thuật chăn nuôi dâu tằm theo hướng tiên tiến hơn, phải tạo ra được năng suất, phải tạo cho nhân dân có nhận thức rõ hơn là việc sản xuất dâu tằm hiện nay rất kinh tế. Đồng thời sẽ phối hợp cùng doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm, làm thế nào đó để người dân có thu nhập và khi thu nhập của người dân cao lên chắc chắn sẽ giúp phát triển được ngành nghề dâu tằm.

Thực hiện chuyên đề: LÊ QUÂN - GIA KHANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm cách hồi sinh cho lụa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO