Tìm cách kết nối thị trường hàng hóa

VĨNH LỘC 21/03/2023 09:05

Tăng cường xúc tiến thương mại điện tử gắn với các hoạt động quảng bá truyền thống được xem là hướng đi chủ đạo hiện nay của ngành Công Thương nhằm kết nối doanh nghiệp Quảng Nam với đối tác và người tiêu dùng.

Để đưa hàng hóa ra thị trường cần kết hợp nhiều hình thức quảng bá và bán hàng kể cả truyền thống và online. Ảnh: V.L
Để đưa hàng hóa ra thị trường cần kết hợp nhiều hình thức quảng bá và bán hàng kể cả truyền thống và online. Ảnh: V.L

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại điện tử

Dự kiến cuối tháng 3 này, Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) bàn giao quản trị Trang thông tin sản phẩm Quảng Nam cho Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại làm đầu mối, chịu trách nhiệm vận hành, kết nối xúc tiến quảng bá giới thiệu các sản phẩm của tỉnh. Qua đó, nhằm phát huy hiệu quả việc vận hành Trang thông tin sản phẩm Quảng Nam tại địa chỉ “https://sanpham.quangnam.gov.vn” và trên ứng dụng Smart Quang Nam với các địa chỉ “https://sanphamquangnam.vn”, “https://sanphamquangnam.com” đảm bảo kết nối thông tin, giới thiệu hàng hóa sản phẩm trong tỉnh.

“Rất khó so sánh hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại online và offline, bởi mỗi hình thức đều có những lợi thế nhất định nên cần kết hợp song hành cả hai loại hình nhằm tạo nhiều kênh tiếp cận thị trường. Đây cũng là cách làm của các doanh nghiệp lớn trên thế giới hiện nay nên Quảng Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Tất cả hướng đến mục tiêu đưa sản phẩm hàng hóa đến tay người tiêu dụng một cách thuận lợi, hiệu quả nhất” - ông Đặng Bá Dự chia sẻ.

Năm 2022, hơn 10 hội chợ trong và ngoài tỉnh đã được Sở Công Thương phối hợp tổ chức với hàng chục doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã được kết nối, tham gia bán hàng, giới thiệu sản phẩm địa phương đến đối tác, người tiêu dùng, tổng giá trị hàng hóa đưa ra thị trường hơn 10 tỷ đồng. Cùng đó, hàng chục biên bản, hợp đồng đã được doanh nghiệp, cơ sở sản xuất Quảng Nam ký kết với đối tác trong và ngoài nước.

Chính thức ra mắt giữa cuối tháng 1/2022, Trang thông tin sản phẩm Quảng Nam hiện thu hút khoảng 500 sản phẩm đăng ký tham gia miễn phí với nhiều nhóm ngành hàng, chủng loại, trong đó nổi bật là các nhóm sản phẩm OCOP, nông sản, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ… Tính tới thời điểm hiện tại, gần 100 nghìn lượt truy cập đã vào trang tìm hiểu thông tin, kết nối, đặt mua hàng.

Theo ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại, hoạt động xúc tiến thương mại điện tử được xem là xu hướng hiện nay do khả năng lan tỏa cao, tiết giảm thời gian và chi phí so với các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống. Rất nhiều kết nối giao dịch, bán hàng của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được triển khai, phát triển theo hình thức này.

Vài năm gần đây, đẩy mạnh thương mại điện tử (TMĐT) được Quảng Nam xác định là hướng đi quan trọng bên cạnh các hoạt động quảng bá truyền thống nhờ sự bùng nổ của các phương tiện thông tin hiện đại. Đến nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được quảng bá, giới thiệu trên sàn TMĐT, tập trung vào 4 sàn thương mại điện tử gồm Postmart, Voso, Sendo và trang “quangnamtrade.com.vn”.

Riêng tại sàn TMĐT Posmart và Voso có khoảng 100 sản phẩm nông thôn, sản phẩm OCOP đã được giới thiệu.

Ngoài ra, ngành công thương cũng thường xuyên hỗ trợ các doanh nghiệp chưa có hoặc đã có website TMĐT đang hoạt động, thiết kế, nâng cấp thành website phục vụ cho TMĐT. Hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập, kết nối, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm qua hình thức TMĐT.

Đồng thời thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đăng thông tin sản phẩm trên Trang sản phẩm Quảng Nam giúp người dân, doanh nghiệp sử dụng miễn phí, xem như kho lưu trữ tổng hợp sản phẩm, hàng hóa của tỉnh trên môi trường không gian mạng.

Tận dụng thương mại truyền thống

Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Cùng với Indonesia, Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng mạnh về lượng truy cập website thương mại điện tử trong khu vực với hơn 68 triệu người dùng internet. Cạnh đó, sự xuất hiện của các nền tảng bán lẻ online hàng đầu tại Việt Nam như Shopee, Tiki, Lazada, Sendo cũng tạo điều kiện tốt để thương mại điện tử phát triển.

Dù vậy, theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, mặc dù TMĐT được xem là xu hướng, nhưng không phủ nhận thương mại truyền thống vẫn đóng vai trò khó thay thế, chí ít thời gian ngắn hạn. Vì vậy, việc kết hợp hai hình thức online và offline trong hoạt động xúc tiến thương mại và bán hàng không thể tách rời nhằm đưa sản phẩm Quảng Nam đến với thị trường thuận lợi và hiệu quả nhất.

Thực tế, trong một số trường hợp, các chương trình xúc tiến thương mại truyền thống như tham dự hội chợ, lễ hội nghề… mang lại hiệu quả khá tốt bởi tính trực quan mạnh mẽ khi người tiêu dùng, đối tác có thể trực tiếp cảm nhận, kể cả được sử dụng thử sản phẩm dẫn đến tin cậy, dễ dàng giao dịch sau này.

Qua khảo sát một số cơ sở sản phẩm OCOP, khởi nghiệp, thủ công mỹ nghệ… trên địa bàn tỉnh nhận thấy, hiệu quả bán hàng online tuy tăng cao nhưng vẫn chiếm tỷ lệ thấp hơn các hoạt động bán hàng truyền thống.

Bà Phạm Thị Duy Mỹ - chủ cơ sở Ngũ cốc Duy Oanh (Duy Xuyên) cho biết, việc tích cực tham gia các hội chợ thương mại trực tiếp không chỉ bán hàng hiệu quả mà còn giúp cơ sở kết nối đối tác thuận lợi, tạo tiền đề hợp tác làm ăn lâu dài.

“Tôi nghĩ thương mại điện tử và truyền thống phải song hành, bổ trợ nhau. Trong đó các hội chợ sẽ là nơi người tiêu dùng được trực tiếp trải nghiệm sản phẩm, qua sự cảm nhận và những thông tin có được từ sản phẩm trải nghiệm khách hàng sẽ tin tưởng đặt mua sau này, kể cả đặt qua mạng” - bà Mỹ phân tích.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm cách kết nối thị trường hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO