Không chỉ dựa vào các tiêu chí, các giám khảo còn đặt mình trong vai trò người làm công và ông chủ để tìm ra “câu chuyện thật” về mối quan hệ khắng khít giữa hai bên từ 400 bài dự thi “Tiếp thị xã hội”.
Niềm tin từ công việc
Bảy đơn vị doanh nghiệp du lịch tham gia dự thi với 400 bài viết, có rất nhiều sự trùng lặp về tính chất, câu chuyện, con người và có khi cả cách viết nhưng đây không phải là cuộc thi viết văn nên chính sự mộc mạc trong câu chữ viết tay đều gắn theo một nhận định về tính chất công việc, mơ ước về môi trường làm việc lý tưởng là một trong những yếu tố quan trọng của mỗi bài dự thi. Chị Tạ Thị Dưỡng sau 19 năm làm việc đã ấn tượng về việc được cử dự lớp trau dồi nghiệp vụ quản lý khi chỉ là một người dọn buồng phòng. Chị viết: “Công việc lý tưởng đối với mỗi người chắc chắn cũng có sự khác nhau một ít. Với tôi phải gắn liền với sở trường, và được đặt trong một môi trường cạnh tranh thực sự lành mạnh, dân chủ, năng động, khích lệ sáng tạo, và quyền lợi – nghĩa vụ phải ngang nhau. Việc được cử đi học có thể nằm trong chính sách của công ty, nhưng với tôi lại là ấn tượng bởi vì ngay thời điểm năm 1998, đó chính là mơ ước của tôi. Có lẽ, kết quả loại giỏi sau 6 tháng học nghiệp vụ xa nhà của 3 nhân viên được cử đi học chính từ động lực như thế”.
Ban Giám khảo chấm chọn tác phẩm dự thi "Tiếp thị xã hội". Ảnh: ANH TRÂM |
Có nhân viên bảo vệ ở resort viết về người thầy giáo dạy tiếng Anh, hay anh đầu bếp ghi lại ấn tượng bằng mẩu chuyện được cử đi thi nấu ăn, hoặc câu chuyện rất bình thường về bữa cơm người làm công nhưng hàm chứa sự quan tâm của “sếp” dành cho “lính”. Nhà báo Nguyễn Hữu Đổng - Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam, thành viên ban giám khảo nhận xét: “Có những mẩu chuyện được kể lại rất vụng về nhưng trong đó hàm chứa tính nhân văn. Nếu đặt cả hai vị trí “ông chủ” và “người làm công” trong câu chuyện của họ sẽ thấy cách nhìn trong sáng, những điều bình thường giản dị mà tràn đầy niềm tin”. Gần 400 bài dự thi và 16 cá nhân được giải chưa phải là kết quả cuối cùng của cuộc thi này. Nhưng có lẽ, từ những niềm tin đó, những câu chuyện thật được tìm thấy có đủ nước mắt lẫn nụ cười trong mỗi bài viết.
Chờ sự mở rộng
Chiến dịch “Tiếp thị xã hội” về thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với người lao động thực chất là sự động viên về mối quan hệ khắng khít ba bên: giới chủ - người lao động - đại diện công đoàn. Trên thực tế, yếu tố “cân – đo – đong – đếm” dựa trên bài viết rất thấp. Thay vào đó, giá trị được tôn vinh nằm ở “doanh nghiệp” và “người làm công”. Ông Trương Văn Hòa – Liên đoàn Lao động tỉnh, thành viên Ban giám khảo, cho rằng ý nghĩa, mục đích của cuộc thi sẽ tác động đến ban lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành du lịch về trách nhiệm của họ đối với người lao động. “Giải thưởng cuộc thi không lớn nhưng có giá trị động viên rất lớn về mặt tinh thần, tạo điều kiện cho người lao động được thể hiện tiếng nói của cá nhân họ với trách nhiệm xã hội mà doanh nghiệp đã làm được” – ông Hòa nói.
Các bài dự thi tham gia cuộc thi “Tiếp thị xã hội” đoạt giải của người lao động hầu hết được đăng trên Báo Quảng Nam dưới hình thức câu chuyện kể. Có 16 cá nhân đoạt giải (1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 10 giải Khuyến khích). - Giải Nhất: Nguyễn Thị Minh Huyền (Hội An Beach Resort). - Giải Nhì: Hồ Thị Phương Uyên (Trung tâm VH-TT Hội An); Lê Thị Vi Hiệp (Sunrise Beach Resort). - Giải Ba: Huỳnh Thị Mỹ Loan; Phan Thị Bích Phượng; Kiều Thị Phúc (cùng Công ty CP Du lịch - dịch vụ Hội An). - 10 phần thưởng khuyến khích và 3 doanh nghiệp được tôn vinh giải Vàng, giải Bạc và giải đồng. |
Những tác phẩm đoạt giải cao trong cuộc thi lần này hầu như đều kể về những câu chuyện bảo trợ xã hội ngoài công việc. Tuy nhiên, cũng có những bài viết tập trung vào quan hệ giới chủ - người làm công, những khó khăn trong cuộc sống thường nhật của cá nhân người lao động được tập thể chia sẻ, ghé vai động viên vượt qua cũng là một trong những điểm đáng lưu ý. Lê Thị Vi Hiệp (Công ty Sunrise) đã khắc họa chân dung giản dị rất đời của vị tổng giám đốc có khi không hay biết tới. Vi Hiệp viết: “Tổng giám đốc quan tâm đến từng bữa ăn cho nhân viên. Cứ đến giờ ăn, ông thường đến căng tin quan sát, kiểm tra xem chế độ ăn nhân viên đã vừa miệng chưa, bữa ăn có nước hoa quả để bổ sung năng lượng cần thiết cho người lao động không…”.
Tuy nhiên, so với số lượng hơn 200 doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh thì chỉ 7 đơn vị tham gia là một con số quá khiêm tốn. Ông Trương Văn Hòa nhận định: “Ảnh hưởng của cuộc thi còn hạn chế. Bên cạnh một số bài viết kỹ lưỡng, nghiêm túc thì nhiều cá nhân mang tính làm để đối phó, như phong trào đếm số lượng chứ không nghĩ đây là cơ hội dành cho chính mình. Với vai trò của người đại diện công đoàn, tôi hy vọng rằng hình thức này sẽ còn tiếp tục được thực hiện, để thêm một cơ hội nữa cho người lao động”.
ANH TRÂM