Sáng kiến mở cuộc thi “Tiếp thị xã hội” của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Hiệp hội du lịch (HHDL) Quảng Nam đã lan tỏa trong cộng đồng du lịch Quảng Nam.
Trao đổi với Báo Quảng Nam, bà Nguyễn Thị Huyền - Điều phối viên quốc gia phụ trách Văn phòng SIT/ILO tại Quảng Nam - nói cuộc thi này nhằm tìm kiếm, phát hiện doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm xã hội thông qua cảm nhận của người lao động (LĐ).
Người lao động có quyền ý kiến, cảm nhận về doanh nghiệp.Ảnh: T.D |
P.V:Vì sao ILO phải tổ chức cuộc thi “tiếp thị xã hội” mà không là gì khác?
Không phải ILO tổ chức cuộc thi mà đây là sáng kiến của ILO. HHDL Quảng Nam tổ chức với sự phối hợp Liên đoàn LĐ, Sở VH-TT&DL, Sở LĐ-TB&XH cùng các cơ quan liên quan khác từ tháng 5.2013.
Mục tiêu chính của ILO là thúc đẩy quyền ở nơi làm việc, khuyến khích các cơ hội việc làm bền vững, tăng cường bảo trợ xã hội và đẩy mạnh đối thoại về các vấn đề liên quan đến LĐ và việc làm. Cơ cấu 3 bên của ILO trao tiếng nói bình đẳng cho người LĐ, người sử dụng LĐ và Chính phủ với mục đích đảm bảo quan điểm của các đối tác xã hội này được thể hiện sát thực trong các tiêu chuẩn LĐ, hình thành các chính sách và chương trình phù hợp, tạo sự phát triển bền vững. Mục tiêu này được lồng vào tất cả dự án của ILO.
(Bà NGUYỄN THỊ HUYỀN, Điều phối viên Văn phòng SIT/ILO tại Quảng Nam) |
Đối với dự án SIT, dù nhấn mạnh du lịch sâu trong đất liền, nhưng với cách tiếp cận chuỗi, toàn chuỗi du lịch có phát triển tốt thì du lịch sâu trong đất liền mới có thể hưởng lợi nhiều hơn. Sự hợp tác chặt chẽ với HHDL (đại diện cho giới chủ) và Liên đoàn LĐ (đại diện cho giới LĐ), các cơ quan chuyên môn là muốn góp phần hỗ trợ một môi trường kinh doanh tốt hơn cho du lịch Quảng Nam. Cuộc thi “tiếp thị xã hội” này nhằm tìm ra những doanh nghiệp điển hình tốt. Nhưng không phải dưới cách nhìn của các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội rất ngặt nghèo mà đơn giản, chỉ nhìn từ cảm nhận của những người LĐ gắn bó với doanh nghiệp.
Cảm nhận đó có thể chủ quan, nhưng là những cảm nhận chân thành. Còn tên gọi cuộc thi phải là “tiếp thị xã hội” vì chúng tôi làm không vì lợi nhuận mà chỉ là cơ hội để người LĐ nhìn lại doanh nghiệp họ, giới chủ hiểu hơn cảm nhận của người LĐ và quan tâm đến những cảm nhận đó để doanh nghiệp phát triển bền vững hơn, góp phần xây dựng hình ảnh doanh nghiệp tốt cho cả cộng đồng du lịch Quảng Nam.
P.V:Nội dung cuộc thi có gì mới lạ và khác biệt so với nhiều cuộc thi viết về doanh nghiệp?
Đây không phải là cuộc thi viết văn, cho nên tiêu chí chấm giải không phải là câu chuyện được viết hay. Vì thế, các câu hỏi đưa ra cũng đã được thiết kế rất đơn giản. Câu trả lời cũng ngắn gọn, súc tích. Điều quan trọng nhất là cần tìm kiếm những câu chuyện có thật, ấn tượng nhất hoặc mô hình hay nhất về cách thực hiện trách nhiệm với người LĐ đáng khuyến khích của các doanh nghiệp du lịch, thông qua đề cử, giới thiệu của người LĐ. Phát hiện thông qua những câu chuyện có thật này do chính những người LĐ trong cuộc kể lại, không theo tiêu chí ràng buộc cụ thể nào cả, mà là tình cảm của người LĐ đối với nơi họ làm việc.
P.V:Kế hoạch triển khai chương trình này đã đến đâu? Sức lan tỏa và dự báo của “sự kiện” này?
HHDL Quảng Nam là cơ quan chủ trì hoạt động này với sự phối hợp chặt chẽ của Văn phòng dự án SIT/ILO tại Quảng Nam. Theo kế hoạch, HHDL đã gửi công văn đến các cơ quan liên quan để mời làm ban giám khảo và đã nhận được sự quan tâm từ các cơ quan này. Ban tổ chức đã gửi công văn, tờ rơi và biểu mẫu làm bài thi (có thông tin liên lạc của ban tổ chức) tới các công đoàn của các công ty du lịch, hoặc trực tiếp tới đại diện người LĐ và nhờ họ gửi tới những người LĐ cùng cơ quan. Hiện nay, chúng tôi đã đẩy mạnh thông tin trên báo chí, truyền thông về cuộc thi này và đang tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa để người LĐ biết rõ cuộc về cuộc thi.
Cuộc thi là một trong những kế hoạch của dự án “Tăng cường du lịch các huyện sâu trong đất liền Quảng Nam” nhằm mục đích gia tăng lợi ích kinh tế và xã hội từ du lịch và giảm tác động xấu lên người nghèo theo chuỗi giá trị sản xuất và phân phối. Các doanh nghiệp có thể theo đuổi, tìm kiếm những cách sáng tạo hơn để đạt hiệu quả chi phí, lợi nhuận, hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế xã hội… trên cơ sở lý tưởng “3 bên cùng có lợi” (người LĐ - doanh nghiệp - nhà nước). Theo cách tiếp cận chuỗi, mỗi mắt xích của chuỗi tốt thì cả chuỗi mới có thể tốt. Các doanh nghiệp du lịch tốt sẽ góp phần làm cho môi trường kinh doanh du lịch tốt hơn. |
P.V:ILO kỳ vọng gì về cuộc thi này, thưa bà?
Chúng tôi muốn nhận được những thông tin chân thành, có thật từ chính những người LĐ. Sau cuộc thi kết thúc, sẽ có một buổi lễ (dự kiến vào cuối tháng 6.2013) tôn vinh các doanh nghiệp được người LĐ “cảm kích và yêu mến” cùng với một hội thảo về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp do HHDL phối hợp tổ chức. Chúng tôi cũng không kỳ vọng gì nhiều mà chỉ muốn thông qua “sự kiện” này góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về trách nhiệm xã hội. Người LĐ hoàn toàn có quyền thể hiện cảm nhận của mình và doanh nghiệp nên quan tâm tới các cảm nhận, đánh giá xác thực đó.
P.V: Người LĐ sẽ được lợi gì khi cuộc thi mở ra để tìm kiếm và tôn vinh các doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm xã hội?
Chúng tôi muốn họ nâng cao nhận thức về quyền của mình trong doanh nghiệp. Đó là quyền được phát biểu và quyền được doanh nghiệp lắng nghe những ý kiến hay cảm nhận. Khi doanh nghiệp quan tâm những gì người LĐ cảm nhận, có những chính sách đãi ngộ phù hợp… thì khi đó người LĐ sẽ gắn bó hơn với doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp có hình ảnh tốt hơn và người LĐ sẽ yên tâm làm việc. Điều này rất quan trọng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như doanh nghiệp du lịch vì bản thân người LĐ là “sản phẩm” của họ.
NAM KHA (thực hiện)