(VHQN) - Với người nghệ sĩ, những chuyến đi là cơ hội khai mở cảm xúc để tìm chất liệu mới mẻ hơn cho âm nhạc. Và núi, được chọn như một không gian trữ tình đầy chất xúc tác, cho ra đời nhiều tác phẩm âm nhạc…
May mắn được mời tham gia giao lưu với đoàn văn nghệ sĩ nổi tiếng gồm các nhạc sĩ Trần Tiến, Đức Trí, Trần Quế Sơn… nhân chuyến công tác tại Tây Giang vào năm 2017, anh Bríu Na (xã A Tiêng) vẫn nhớ như in buổi trò chuyện thú vị ngày ấy. Anh Na kể, hôm ấy là cuối tuần.
Đêm xuống, gió non cao thổi về mát rượi. Dưới mái gươl tại làng truyền thống Cơ Tu, rất đông người dân địa phương quây quần bên bếp lửa ấm, cùng giao lưu và nghe câu chuyện của các nghệ sĩ về người Cơ Tu, văn hóa Cơ Tu.
Đêm ấy, những màn trình diễn mộc mạc trong không khí rất… bình dân, bằng các tiết mục “cây nhà, lá vườn”. Những bản tình ca Cơ Tu, dân ca Cơ Tu cổ được các nghệ sĩ biểu diễn, hát cho nhau nghe trong niềm vui khó tả. Các tiết mục cứ tiếp nối nhau trong sự chân thành và gần gũi.
Các nhạc sĩ yêu cầu những ai có mặt hát một làn điệu dân ca Cơ Tu. Họ say sưa theo lời ru, câu hát và tấm tắc khen những giai điệu đầy mượt mà, sâu lắng qua sự thể hiện của những giọng ca núi rừng.
“Mình nhớ sau đợt giao lưu hôm đó, nhạc sĩ Trần Tiến có nói một câu, đại ý dân ca Cơ Tu có vẻ đang bị ảnh hưởng khá nhiều bởi các dòng tân nhạc, nên rất khó để giữ nét đặc trưng vốn có của núi rừng” - anh Bríu Na chia sẻ.
Thời điểm các nhạc sĩ lên Tây Giang sáng tác, để phục vụ thuận lợi cho đoàn, chính quyền địa phương cắt cử cán bộ ngành văn hóa cùng đi để hướng dẫn. Đến địa điểm nào, các nhạc sĩ được người dân Cơ Tu chào đón bằng các làn điệu dân ca, vũ điệu tâng tung - da dá, nhịp trống chiêng rộn rã, như gọi mời niềm thức cảm.
Giữa nhịp chiêng vang vọng, những cụ ông, cụ bà Cơ Tu ở tuổi 60, 70 say mê biểu diễn kết hợp các làn điệu dân ca truyền thống như cha chấp, klới, ba boóch… tạo nên xúc cảm mới mẻ và thú vị cho các nhạc sĩ.
Sau chuyến đi, trên trang cá nhân của mình, nhạc sĩ Đức Trí viết: “Vào khoảng năm 2015 - 2017, tôi có những người bạn hay mời đến nhiều nơi ở Tây Nguyên. Chuyến đi đầu tiên cùng nhạc sĩ Nguyễn Cường đến Đông Giang và chuyến thứ hai (2017) cùng nhạc sĩ Trần Tiến đến Tây Giang.
Hai chuyến đi đều do nhạc sĩ Trần Quế Sơn tổ chức. Vài tuần sau, tôi lại theo chân đoàn nghiên cứu của Phù Sa Labs đi những chuyến dài ngày hơn khắp các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai…
Tôi được dịp gặp gỡ rất nhiều nghệ nhân chơi nhạc và có thêm nhiều người bạn mới. Bài hát “Bóng núi nghiêng em” tôi viết sau chuyến đi năm 2017 lúc quay về Đà Lạt, nơi vợ tôi sinh ra và lớn lên. Bài hát tuy viết cho người Cơ Tu ở Tây Giang nhưng lại mang điệu thức và đường nét Gia Rai nhiều hơn…
“Bóng núi nghiêng em” nằm trong loạt 2 - 3 bài tôi viết mang âm hưởng Tây Nguyên và có thể sẽ ít có cơ hội trở thành những bản “hit”, nhưng sẽ là những kỷ niệm tuyệt vời của tôi dành cho vùng đất và những con người nơi đây, có cả tình yêu lớn của cuộc đời tôi nữa”.
Những năm gần đây, các địa phương miền núi như Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang thỉnh thoảng mời các nhạc sĩ nổi tiếng về sáng tác. Nhiều bài hát được ra đời, phục vụ nhu cầu sinh hoạt tinh thần của cộng đồng.
Vang vọng trong các dịp hội làng, các sự kiện lớn được tổ chức, từ trong hệ thống loa phát thanh, những giai điệu mượt mà cùng lời ca sâu lắng mang đậm chất trữ tình của núi được thể hiện, khiến nhiều người thổn thức.
Từ “Ngỡ ngàng Đông Giang” (Nguyễn Cường), “Chiều trên buôn” (Đức Trí) cho dến “Anh nghe họ nói”, “Tình ca Cơ Tu”, “Người quê em” (Trần Quế Sơn)… qua giọng hát của Anh Thơ, Đức Tuấn, Lan Anh và các đội nghệ thuật quần chúng địa phương cứ khiến người nghe càng yêu hơn vùng núi, yêu hơn con người đồng bào vùng cao chân chất, nồng hậu.
Có cơ hội được giao lưu, gặp gỡ các đoàn văn nghệ sĩ nổi tiếng, với chàng trai Cơ Tu Pơloong Plênh (cán bộ Phòng VH-TT huyện Tây Giang) như một “lực đẩy” giúp anh có thêm nhiều cảm hứng sáng tác cho riêng mình. Nhiều giai điệu được anh viết ra, rồi nhờ các nhạc sĩ quen biết hòa âm, phối khí và trình làng, được rất nhiều người trẻ và đồng bào vùng cao đón nhận.
Trong đó, phải kể đến “Amế ơi”, “Tình ca Ama”, “Chiếc gùi mây”, “Lời của rừng thiêng”… bằng chất liệu núi rừng nồng nàn, da diết và đầy cảm xúc tình yêu của người con Cơ Tu với âm nhạc quê hương.