Tìm "chỗ dựa" cho làng nghề

VĨNH LỘC 02/11/2013 10:17

Tìm giải pháp cho vấn đề phát triển làng nghề gắn kết với du lịch - câu chuyện không mới nhưng vẫn đón nhận nhiều quan tâm và ý kiến đóng góp từ các nhà nghiên cứu văn hóa, quản lý du lịch tại cuộc hội thảo với chủ đề này vừa diễn ra tại TP.Hội An.

Gắn kết với du lịch: nhiều trở ngại

Theo thống kê, hiện Quảng Nam đã khôi phục và phát triển được 89 làng nghề thủ công truyền thống, trong đó có khoảng 20 làng nghề, 7 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ gắn với du lịch, chủ yếu tập trung tại 6 huyện, thành phố là Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn, Đông Giang, Nam Giang & Tây Giang như mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rau Trà Quế, tranh tre dừa nước Cẩm Thanh (Hội An), đồng Phước Kiều (Điện Bàn), dệt Zara (Nam Giang)… Hơn 60 làng nghề còn lại vẫn “đứng ngoài” sự phát triển của du lịch, dù trong những năm qua đã có nhiều chính sách, nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu của Chính phủ, ngân sách tỉnh, địa phương… đã tập trung đầu tư cho các làng nghề gắn với du lịch nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong đợi.

Làng gốm Thanh Hà phát triển tốt nhờ gắn kết với du lịch.
Làng gốm Thanh Hà phát triển tốt nhờ gắn kết với du lịch.

Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, tuy hiệu quả du lịch của một số làng nghề còn thấp, nhưng không thể phủ nhận chính sự phát triển du lịch đã mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho các làng nghề truyền thống của tỉnh. “Thực tế trong những năm qua, Quảng Nam đã thử nghiệm thành công sự gắn kết giữa phát triển làng nghề và du lịch với sự tham gia của cộng đồng hướng đến mục đích gắn lợi ích và trách nhiệm của người dân vào quá trình phát triển du lịch bền vững” - ông Hài khẳng định. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động du lịch cũng đã thu hút nhiều nguồn lực cho đầu tư du lịch; nhiều doanh nghiệp, cộng đồng dân cư đã tích cực tham gia công tác bảo tồn các giá trị văn hóa làng nghề, góp phần đưa các sản phẩm du lịch làng nghề, làng quê vào phục vụ hiệu quả, nổi bật có thể kể đến như các tour “Một ngày làm cư dân làng nghề đèn lồng”, tour làm cư dân làng rau Trà Quế, mộc Kim Bồng, Bhờ Hồông, Đhrồông... có sức hấp dẫn với du khách, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.

Tuy nhiên, du lịch làng nghề vẫn đang đối diện với những khó khăn như cơ chế, chính sách đầu tư hạ tầng làng nghề; việc xây dựng và quản lý thương hiệu sản phẩm làng nghề gắn với du lịch hiện chưa có tiêu chí cụ thể và chồng chéo trong quản lý; chất lượng nguồn nhân lực làng nghề còn thấp; các nghệ nhân, thợ giỏi chưa được tôn vinh đúng mức; việc mở lớp truyền nghề cho thế hệ trẻ ở các làng nghề còn nhiều khó khăn về tâm lý, kinh phí  cũng như các điều kiện để phát huy và duy trì nghề sau khi học. Đặc biệt, thu  nhập của lao động làng nghề còn thấp so với mặt bằng thu nhập chung nên khó thu hút được lao động trẻ theo nghề, dẫn đến nguy cơ mai một nghề truyền thống ở các địa phương.

Rau Trà Quế.
Rau Trà Quế.

Giải pháp: vốn và cơ chế

Thực tế cho thấy, du lịch làng nghề đang là xu hướng phát triển du lịch mới được nhiều nơi áp dụng hiệu quả. Nhưng đối với Quảng Nam, việc thúc đẩy kinh tế làng nghề gắn với phát triển du lịch, lấy du lịch làm động lực để kích thích bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân vẫn là vấn đề không đơn giản. Tại cuộc hội thảo, các nhà nghiên cứu, quản lý, doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp từ việc quy hoạch đầu tư hạ tầng giao thông, hỗ trợ vốn, đào tạo lao động đến liên kết, quảng bá xúc tiến… Chung quy đều khẳng định ngoài yếu tố vốn thì một cơ chế thông thoáng từ Nhà nước vẫn là điều quyết định nhất để tạo nên thành công cho các giải pháp.

Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Bay - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, mọi giải pháp chỉ hiệu quả khi người dân thật sự thấy được những lợi ích mà làng nghề mang lại. Tại Hội An, những năm qua thành phố đã tập trung tổ chức nhiều lớp đào tạo và nâng cao tay nghề cho các thợ trẻ; mở các lớp bồi dưỡng quản lý, khởi sự doanh nghiệp cho các hộ, cơ sở sản xuất - kinh doanh - dịch vụ; vận động các tổ chức, cá nhân đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tập thể và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm làng nghề mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, đèn lồng, tre dừa Cẩm Thanh. Đặc biệt, thành phố đã hỗ trợ kinh phí đầu tư cải tạo và xây dựng mới 8 lò gốm thủ công cải tiến và thủ công truyền thống, đầu tư chuyển giao công nghệ máy chạm khắc gỗ để nâng cao năng suất, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm làng mộc Kim Bồng; hỗ trợ kinh phí bù lãi suất vay ưu đãi đầu tư mở rộng quy mô sản xuất… Nhờ đó chất lượng, kiểu dáng, chủng loại sản phẩm làng nghề từng bước được nâng lên và bắt đầu được thị trường chấp nhận. “Riêng trong năm 2012 chúng tôi đã đón được gần 50 nghìn lượt khách đến tham quan các làng nghề, mang lại doanh thu cho người dân làng nghề gần 30 tỷ đồng” - ông Bay nói.

Có thể khẳng định, phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch là một hướng đi đúng đắn và hiệu quả, góp phần đa dạng sản phẩm, mở rộng không gian du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, hướng đến giảm thiểu sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền trong tỉnh. Tuy nhiên, để đạt sự phát triển bền vững thì không hề dễ dàng, đòi hỏi có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cấp ngành, địa phương nhằm không chỉ cải thiện sinh kế, tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, bảo tồn, bảo vệ tốt các giá trị tự nhiên và nhân văn tại các làng quê Việt.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn:

Cần sự phối hợp của các cấp ngành


Quảng Nam không chỉ được bạn bè, du khách trong nước và quốc tế biết đến như là nơi có 2 di sản văn hóa thế giới và nhiều tiềm năng du lịch sinh thái đa dạng mà còn là mảnh đất có bề dày văn hóa, lịch sử lâu đời với chuỗi các làng nghề thủ công truyền thống, gắn bó với đời sống bình dị của người dân địa phương. Vì vậy, phát triển du lịch làng nghề sẽ tạo nên những lợi ích về kinh tế - xã hội, qua đó hình thành những giải pháp góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo. Tuy nhiên, để đưa các làng nghề vào khai thác phục vụ phát triển du lịch cần có sự phối hợp của các cấp ngành, doanh nghiệp. Qua đó mong muốn tìm ra những giải pháp thiết thực trong công tác bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của những làng nghề thủ công, đồng thời mở ra một hướng đi mới cho các làng nghề của Quảng Nam thông qua hoạt động du lịch tại địa phương.
Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL:

Làng nghề cần tranh thủ, lồng ghép các nguồn vốn để phát triển

Hàng năm tỉnh cần bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ cho các địa phương phát triển làng nghề, đồng thời có cơ chế hỗ trợ về giá thuê đất, giải phóng mặt bằng, miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian đầu (từ 5 - 10 năm), chi phí đào tạo nghề... Đặc biệt, các làng nghề cần tranh thủ và lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia: về du lịch, bảo tồn văn hóa phi vật thể, bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số, xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn khuyến nông, chương trình đào tạo và dạy nghề nông thôn hướng vào mục tiêu chung bảo tồn làng nghề gắn với phát triển du lịch cải thiện sinh kế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân...
TS.Hà Văn Siêu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch:

Phân định rõ chức năng quản lý giữa các ngành

Để du lịch làng nghề thật sự đóng vai trò quan trọng, ngoài các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước cần có những giải pháp phù hợp với đặc điểm từng địa phương, từng làng nghề cụ thể. Trong đó có giải pháp cụ thể từ công tác quảng bá xúc tiến du lịch, quy hoạch các làng nghề theo nhóm nghề; làng nghề truyền thống gắn với các di sản tạo thành điểm du lịch làng nghề... đến việc phân định rõ chức năng quản lý giữa các ngành như công thương, nông nghiệp, du lịch trong quản lý làng nghề và hoạt động du lịch tại làng nghề. Làng nghề Quảng Nam nên được tổ chức quản lý làng nghề theo mô hình hợp tác xã, các tổ sản xuất dịch vụ để kết nối các hộ nghề nhằm tạo sức mạnh để xúc tiến sản phẩm, xúc tiến du lịch.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm "chỗ dựa" cho làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO