(QNO) – Được xem là điểm đến không thể thiếu trong các hoạt động tham quan du lịch, nhiều năm qua các làng nghề truyền thống ở Hội An đã trở thành không gian trải nghiệm hấp dẫn của du khách bên ngoài phố cổ.
Du lịch làng gốm Thanh Hà
Hơn 14 giờ, làng gốm Thanh Hà nhộn nhịp khách. Những chiếc xe điện hối hả đưa du khách vào làng. Bên ngoài, dưới chân cầu Cẩm Kim mới, hàng dài du khách Hàn Quốc vẫn kiên nhẫn sắp hàng chờ đợi đến lượt lên xe điện trung chuyển.
Kể từ khi mở cửa làm du lịch hơn 10 năm trước, làng gốm Thanh Hà đã trở thành điểm đến ưa thích của nhiều người, đặc biệt khách Hàn Quốc. Trước dịch COVID-19, bình quân mỗi ngày nơi đây đón 2.000 – 3.000 lượt khách tham quan, năm 2019 tổng số khách mua vé tham quan làng đạt trên 707 nghìn lượt, doanh thu gần 25 tỷ đồng, một phần số tiền bán vé đã được trích lại hỗ trợ các lao động cơ sở làm nghề trong làng.
Riêng năm 2022 làng gốm Thanh Hà đón gần 132 nghìn lượt khách (hơn 110 nghìn lượt khách quốc tế), doanh thu hơn 4,6 tỷ đồng, trở thành mô hình du lịch làng nghề hiệu quả nhất ở Hội An cũng như Quảng Nam hiện nay.
Ông Võ Văn Thanh – chủ cơ sở sản xuất gốm Tira Misu cho biết, trước năm 2019 bình quân mỗi tháng một lao động làm nghề trong làng nhận trên dưới 5 triệu đồng từ nguồn điều tiết bán vé tham quan, cao nhất là 5,7 triệu đồng (năm 2019), thì năm 2022 là 10,5 triệu đồng. Ngoài ra, trước dịch số tiền người dân kiếm được từ bán hàng lưu niệm cũng thêm kha khá đủ trang trải sinh hoạt hàng ngày. Cơ sở Tira Misu có 3 lao động làm nghề phục vụ khách du lịch.
Năm 2022, làng gốm Thanh Hà có khoảng 36 hộ với 60 lao động làm nghề, chủ yếu trình diễn phục vụ du lịch. Khách tham quan làng không chỉ được trực tiếp trải nghiệm quy trình cho ra đời một tác phẩm gốm thủ công hoàn chỉnh mà còn được tặng quà lưu niệm là một con tò he. Khách cũng có thể tham gia chế tác với người dân để làm ra một sản phẩm cho riêng mình.
[VIDEO] - Đông đảo du khách tham quan làng gốm Thanh Hà:
Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, bảo tồn, phát triển làng nghề gắn với du lịch đã trở thành quan điểm nhất quán của thành phố nhiều năm nay. Thời gian qua, bên cạnh tranh thủ các nguồn lực tập trung cho công tác quy hoạch, chỉnh trang, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, một số tour tham quan làng nghề cũng đã được xây dựng đưa vào khai thác mang đến những trải nghiệm hấp dẫn cho du khách.
Nâng cao hiệu quả du lịch làng nghề
Hội An hiện có 4 làng nghề và một phố nghề, hầu hết được đưa vào khai thác du lịch, ngoài làng gốm Thanh Hà còn có làng rau Trà Quế (Cẩm Hà), làng mộc Kim Bồng (Cẩm Kim), làng nghề tre dừa Cẩm Thanh và phố nghề đèn lồng Hội An (phường Minh An).
Các làng nghề không chỉ là điểm đến tham quan ưa thích của du khách mà còn góp phần giải quyết lao động, nâng cao thu nhập người dân từ việc bán sản phẩm làng nghề.
Tuy vậy, ngoài làng gốm Thanh Hà, một số làng nghề còn lại khai thác du lịch thiếu ổn định. Tại làng rau Trà Quế, lượng khách mua vé tham quan hầu như sụt giảm qua từng năm. Thống kê cho thấy, nếu như năm 2017, tổng lượng khách mua vé tham quan khoảng 30 nghìn lượt thì đến năm 2018 giảm xuống còn 22 nghìn lượt và 19 nghìn lượt (2019), hơn 4,5 nghìn lượt (2020), riêng năm 2022 là hơn 5.800 lượt.
Tương tự, với làng mộc Kim Bồng con số sụt giảm khá sâu, từ 297 nghìn lượt (2017) đến năm 2020 chỉ còn khoảng trên 87 nghìn lượt, riêng năm 2022 thì hầu như không bán được vé nào.
Có nhiều nguyên nhân lý giải sự sụt giảm khách như hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá kết nối lữ hành chưa cao; hạ tầng, sản phẩm hạn chế, đơn điệu, chưa có chế độ hỗ trợ tương xứng cho các chủ thể làng nghề, nhất là các nghệ nhân, thợ giỏi…
[VIDEO] - Nghệ nhân Huỳnh Sướng nói về nguyên nhân du lịch làng nghề Kim Bồng phát triển chưa như kỳ vọng:
Theo ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, các làng nghề Hội An có những giá trị và lợi thế nổi bật để phát triển du lịch. Tuy nhiên, thách thức đặt ra cho thành phố hiện nay là vấn đề quy hoạch, thiết kế, tổ chức lại không gian làng nghề để làng nghề thật sự mang đậm tính chất văn hóa địa phương nhưng vẫn tạo ra một không gian mở.
Không gian mở ở đây là ngoài câu chuyện của những người thợ trình diễn tay nghề, tài năng của mình tạo hấp lực thu hút khách đến tham quan du lịch mà còn giúp người dân tiêu thụ sản phẩm hiệu quả. Và, đây là những vấn đề thành phố đang tính toán, sớm triển khai trong thời gian tới.