Tìm cơ hội đầu tư tại Nam Lào

ALĂNG NGƯỚC 26/06/2023 09:47

(ĐS 21/6) - Lợi thế đầu tư tại các tỉnh Nam Lào, với Quảng Nam, không chỉ địa hình “liền núi, liền sông” mà còn bởi sự tương đồng về văn hóa, mảnh đất và con người Việt - Lào anh em. Những hợp tác phát triển thời gian qua đã và đang mang đến một điểm nhìn chung, mở ra cơ hội đầu tư mới để tìm cách khai mở tiềm năng của đôi bên.

Thị trường Nam Lào, thông qua tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây được kỳ vọng sẽ là điểm kết nối giao thương tiềm năng của Việt Nam. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Thị trường Nam Lào, thông qua tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây được kỳ vọng sẽ là điểm kết nối giao thương tiềm năng của Việt Nam. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Thúc đẩy thương mại đầu tư

Xác định đẩy mạnh hợp tác toàn diện với các tỉnh Nam Lào là nhiệm vụ chiến lược của tỉnh, nhất là phát huy tối đa lợi thế của cặp cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc, thời gian qua, Quảng Nam xây dựng chiến lược đầu tư phát triển về kinh tế, thương mại, du lịch, nông nghiệp… mang tính đột phá, bước đầu đem lại kết quả khả quan.

Cần khai thác tiềm năng, thế mạnh của nhau để cùng phát triển

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng, Việt Nam - Lào nói chung và Quảng Nam - Sê Kông nói riêng còn nhiều dư địa để hợp tác, hai bên chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của nhau để cùng phát triển. Có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là cơ sở hạ tầng kết nối giữa hai bên chưa đáp ứng. Hệ thống giao thông kết nối còn nhiều hạn chế, phần lớn là các tuyến đường bộ nhỏ, hẹp, đèo dốc cao ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa, giao thương giữa hai bên. Trong khi đó, mặc dù có nhiều nỗ lực song các bên vẫn chưa có các dự án quy mô lớn, mang tính đột phá để kết nối thông suốt giữa hai nước. Đây là điểm nghẽn cần sớm được tháo gỡ, giúp khơi thông và thúc đẩy nâng tầm hợp tác giữa các bên, tạo sự đột phá kết nối trong hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - Lào và các nước trong khu vực dọc tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây.

Sau những nỗ lực của các bên, vài năm trở lại đây, thị trường Lào ngày càng đón nhận nhiều mặt hàng may mặc, thực phẩm của Việt Nam, nhất là thực phẩm biển như hải sản khô và các loại nước mắm.

Nhiều hàng hóa vật liệu xây dựng, phân bón hữu cơ, máy móc nông nghiệp… được xuất khẩu ngày càng tăng, góp sức cạnh tranh thị trường với hàng hóa nhập khẩu từ các nước láng giềng như Thái Lan và Trung Quốc.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường Lào, bên cạnh nâng cao chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm, các mặt hàng của Việt Nam có giá phải chăng, ở mức phù hợp với thu nhập của người dân đất nước “Triệu Voi”.

Theo ông Phạm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam, thời gian qua, Quảng Nam quan tâm nhiều hơn đến các lĩnh vực đầu tư thương mại tại thị trường Lào, nhất là lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thị trường chủ yếu nhập khẩu vào Việt Nam.

“Riêng đối với khu vực Nam Lào, chúng tôi nhận thấy rất có tiềm năng, lợi thế lớn để đầu tư phát triển nông nghiệp và hình thành vùng nguyên liệu trồng cây ăn trái, chăn nuôi, trồng rừng gỗ lớn để cung cấp cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; đặc biệt là cung cấp cho Khu công nghiệp nông nghiệp THACO Chu Lai tại Quảng Nam.

Với vai trò và trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp từ Việt Nam, nhất là Quảng Nam đến tìm hiểu, đầu tư tại thị trường Nam Lào, hình thành chuỗi giá trị cung ứng trong phát triển kinh tế giữa các vùng địa phương lân cận” - ông Hùng chia sẻ.

Để quá trình hợp tác đầu tư nâng cao hiệu quả, chính quyền Quảng Nam đề nghị cần quan tâm trao đổi thêm thông tin cụ thể về tình hình sản xuất nông nghiệp, nhu cầu thông quan hàng xuất khẩu từ các tỉnh Nam Lào qua Cửa khẩu quốc tế Đắc Tà Oọc - Nam Giang đối với ngành hàng nông sản như chuối, sắn, cao su, khai khoáng quặng (boxit nhôm, sắt, than…) cùng các vật tư, máy móc.

Đồng thời tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính ở cửa khẩu; áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng cửa khẩu số để tăng khả năng thông quan hàng hóa và xuất nhập cảnh cho người và phương tiện.

Mọi thứ vẫn nằm ở dự phóng

Với địa thế nằm giữa vùng kinh tế trọng điểm về phát triển du lịch của miền Trung Việt Nam, kết nối với vùng Đông Bắc Thái Lan qua tỉnh Ubon Ratchathani, khu vực Nam Lào được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng. Thông qua tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, nơi này được kỳ vọng sẽ tạo “bàn đạp” thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, để quá trình hợp tác được triển khai sớm hơn, cùng với tập trung đầu tư bài bản các hạng mục cần thiết cho du lịch, cần tận dụng tối đa khí hậu mát mẻ của vùng cao nguyên Bolaven để đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mang nét riêng có của khu vực nhằm kết nối đưa khách du lịch từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế sang Nam Lào và kết nối khách du lịch từ Đông Bắc Thái Lan qua Nam Lào đến Quảng Nam, Huế, Đà Nẵng và miền Trung Việt Nam thông qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc.

Hiện tuyến vận tải hành khách giữa Tam Kỳ (Quảng Nam) và Păk Sế (Chămpasak) đã được mở giúp việc thông quan du lịch giữa các bên khá thuận lợi. Vì thế, thời gian đến, ông Thanh đề nghị cần phát huy tối đa việc kết nối các di sản văn hóa thế giới, tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch giữa các địa phương lân cận.

Theo ông Lê Trí Thanh, thời gian qua, Quảng Nam nói chung và các tập đoàn, doanh nghiệp của tỉnh nói riêng rất quan tâm đến đầu tư nông nghiệp. Qua các chương trình làm việc chính thức giữa các bên, cộng đồng doanh nghiệp Quảng Nam cho biết đang có nhu cầu đẩy mạnh đầu tư phát triển nông nghiệp vào khu vực Nam Lào.

Điển hình là Công ty CP Tập đoàn Thaco, được xem như cánh chim đầu đàn, làm chủ lực kết nối, hợp tác và dẫn dắt các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Quảng Nam đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Nam Lào những năm tiếp theo. “Chúng tôi nhận thấy việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở khu vực Nam Lào là có cơ sở và sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho hai nước. Vì Nam Lào có tài nguyên đất đai dồi dào, khí hậu thổ nhưỡng rất thuận lợi phát triển nông nghiệp như chăn nuôi gia súc, trồng cây ăn trái, cà phê…

Trong khi đó phía Quảng Nam cũng như Việt Nam có thị trường lớn, có kỹ thuật và công nghệ, có vốn, có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư phát triển nông nghiệp; vì vậy, việc đẩy mạnh đầu tư lĩnh vực này là chiến lược trong quan hệ hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới” - ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

Để sớm khai mở các tiềm năng phát triển, bên cạnh thông tin khả năng thu hút và nhu cầu đầu tư của Việt Nam tại khu vực Nam Lào về lĩnh vực nông nghiệp, hai bên cần tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa lưu thông, tiêu thụ tại thị trường của nhau, đặc biệt là hàng nông - lâm sản.

Đồng thời đẩy mạnh phối hợp nghiên cứu và triển khai phát triển các trang trại hoặc khu vực trồng trọt, chăn nuôi hiện đại; tập trung cung cấp đầu vào ổn định cho các doanh nghiệp chế biến nông - lâm sản, hướng đến nhu cầu xuất khẩu sang Việt Nam hoặc các nước thứ ba.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm cơ hội đầu tư tại Nam Lào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO