Tìm "danh phận" cho... Pêtapót

ALĂNG NGƯỚC 04/12/2016 15:03

(QNO) - Sau hơn 16 năm kể từ ngày được phát hiện, cụm dân cư Pêtapót (xã Đắc Pring, huyện Nam Giang) mới có cơ hội tìm được "danh phận" khi chính quyền địa phương đang có chủ trương kiến nghị công nhận Pêtapót thành một thôn mới.

Một góc cụm dân cư Pêtapót. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Một góc cụm dân cư Pêtapót. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Được chính quyền huyện Nam Giang "phát hiện" vào năm 1999, cụm dân cư Pêtapót từng được biết đến với cái tên "làng không danh phận". Là bởi, những cư dân của làng trước đây đều được di cư từ xã Đắc Plô (huyện Đắc Glei, Kon Tum) và sống biệt lập trong rừng. Nơi họ dừng chân, được xác định thuộc địa phận thôn 47 (xã Đắc Pring) với địa hình hiểm trở, chia cắt. Nhiều năm trước, muốn đến với Pêtapót, phải vượt hàng chục cây số đường rừng, đầy gian nan.

Cuộc sống tách biệt, đồng bào Pêtapót không chỉ khó khăn về cái ăn, cái ở, mà còn phải đối mặt với những hủ tục lạc hậu, dân trí hạn chế. Để giúp đồng bào Pêtapót thoát khỏi cảnh "đói cơm, lạt muối và mù chữ", chính quyền huyện Nam Giang phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa, từng bước giúp đồng bào ổn định cuộc sống. Đồng thời, xin chủ trương cho cư dân Pêtapót sáp nhập vào thôn 47, đảm bảo mọi quyền lợi theo chính sách chung của Đảng và Nhà nước.

Cùng với Pêtapót, huyện Nam Giang đồng thời kiến nghị tỉnh cho chủ trương tách 2 thôn Dung và Thạnh Mỹ 2 (thị trấn Thạnh Mỹ) thành 4 thôn mới, gồm: thôn Dung 1, Dung 2 và Thạnh Mỹ 2, Thạnh Mỹ 4. Lý do, cả hai thôn trên đều có quy mô hộ gia đình lớn, có đủ diện tích đất ở và đất sản xuất theo quy định; người dân có nhu cầu tách, thành lập thôn mới. Trong đó, thôn Thạnh Mỹ 2 có tổng diện tích 726ha, với dân số 629 hộ/2.546 khẩu và thôn Dung có diện tích 794ha với dân số 484 hộ/2.017 nhân khẩu.

Bây giờ, người Pêtapót không còn sống trong những căn lều tạm bợ bằng tre nứa, thay vào đó là những ngôi nhà gỗ vững chắc từ chương trình ý nghĩa của Bộ đội Biên phòng tỉnh cho đồng bào khu vực biên giới. Không chỉ vậy, các chiến sĩ biên phòng còn giúp đồng bào Pêtapót học xóa mù chữ, cùng làm ruộng lúa nước, hỗ trợ máy phát điện tua-bin,... Nhờ vậy, diện mạo ở Pêtapót nay dần được đổi thay, nhiều con em của làng đã được ra ngoài học tập và trưởng thành.

Theo số liệu báo cáo mới đây của UBND huyện Nam Giang, hiện Pêtapót chỉ có 8 hộ với 39 nhân khẩu, đều là đồng bào Giẻ Triêng di cư và chưa được công nhận thành đơn vị hành chính cấp thôn. Nhằm tạo điều kiện để Pêtapót có cơ hội phát triển, chính quyền địa phương kiến nghị tỉnh cần cho chủ trương thành lập và công nhận Pêtapót thành một thôn mới.

"Việc thành lập thôn mới cho Pêtapót không chỉ thuận lợi trong công tác lãnh chỉ đạo, điều hành quản lý, mà còn tạo điều kiện trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới" - bà Zơrâm Thị Hai - Phó Chủ tịch HĐND huyện Nam Giang nhấn mạnh trong cuộc làm việc với Thường trực HĐND tỉnh mới đây.

Sau khi có thông tin huyện Nam Giang kiến nghị thành lập thôn mới Pêtapót, nhiều người dân của làng tỏ vẻ sự vui mừng. Bởi đã hàng chục năm, đồng bào sống trong tình trạng "làng không danh phận". 

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm "danh phận" cho... Pêtapót
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO