Nghề khai thác hải sản của Quảng Nam đã đạt được nhiều thành quả, sản lượng và đội tàu sản xuất xa bờ không ngừng tăng lên, giúp một bộ phận ngư dân làm giàu từ biển. Điều đó cho thấy chủ trương hiện đại hóa nghề cá của tỉnh đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, con đường phát triển nghề cá bền vững vẫn còn không ít gập ghềnh, ngư dân khó tiếp cận cơ chế ưu đãi để đóng tàu lớn, nguồn nhân lực thiếu và yếu nên rất cần tái cơ cấu mạnh mẽ, tạo cú hích phát triển trong thời gian đến.
Thu mua hải sản trên tàu cá ở cảng Kỳ Hà - Tam Quang (Núi Thành). Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
GẶP KHÓ VỀ CƠ CHẾ
Giải pháp quan trọng để Quảng Nam triển khai quy hoạch phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là giúp ngư dân tận dụng các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh để đóng mới, tăng đội tàu công suất lớn, đầu tư sản xuất xa bờ hiệu quả hơn.
Không dễ tăng tàu lớn
Triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, ngư dân Quảng Nam đã đóng mới được 63 tàu công suất lớn (đạt 79,3% chỉ tiêu). Nghị định 67 đã được thay thế bằng Nghị định 17, có hiệu lực từ tháng 3 này, thay đổi nhiều nội dung hỗ trợ. Cụ thể, chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân vay vốn ưu đãi đóng tàu sẽ được thay thế bằng chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư. Với Nghị định 67, khi đóng tàu vỏ thép hay composite, ngư dân sẽ được ngân hàng cho vay nguồn vốn có giá trị bằng 95% trị giá con tàu; ngư dân chỉ phải trả lãi suất 1%/năm. Nay, ngư dân sẽ được hỗ trợ 35% giá trị con tàu sau khi đóng mới là tàu vỏ thép hoặc composite có công suất từ 800CV trở lên. Với Nghị định 17, sẽ rất khó để ngư dân tiếp cận cơ chế. Vì chỉ khi nào hoàn thành con tàu đóng mới thì ngư dân mới được hỗ trợ một lần sau đầu tư; khác hẳn trước đây, ngư dân chỉ phải đối ứng vốn chiếm 5% giá trị con tàu là sẽ được vay 95% vốn còn lại để đóng tàu. “UBND tỉnh sẽ thành lập Ban chỉ đạo triển khai Nghị định 17 trong tháng 3 này. Sau đó, các nội dung hỗ trợ sẽ được tuyên truyền đến ngư dân ở 6 địa phương nghề cá của tỉnh. Tuy nhiên để ngư dân được thụ hưởng thì còn là câu chuyện dài” - ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết.
Ngư dân Quảng Nam sắp sửa vươn khơi.Ảnh: Q.VIỆT |
Ông Nguyễn Đình Sơn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho rằng, chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư sẽ rất xa vời với ngư dân: “Được vay vốn đến 95% giá trị con tàu mà nhiều ngư dân trên địa bàn còn không thể huy động được 5% vốn đối ứng còn lại để thụ hưởng chính sách thì làm sao ngư dân có thể huy động được nguồn vốn hơn 15 tỷ đồng để đóng tàu xong rồi mới được hỗ trợ 35% giá trị con tàu đó. Phải nói rõ là không thể tiếp cận chứ không phải là khó tiếp cận Nghị định 17”. Ông Ngô Tấn cho biết thêm, trên phạm vi toàn quốc, cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư giúp ngư dân đóng tàu công suất lớn chỉ mới được thực hiện ở TP.Đà Nẵng. Các điều kiện quy định để ngư dân thụ hưởng chính sách ở địa phương này dễ hơn rất nhiều so với Nghị định 17, là có thể đóng tàu vỏ gỗ (nguồn vốn đầu tư ít hơn nhiều lần), máy thủy cho tàu cá có thể là máy đã qua sử dụng chứ không nhất thiết phải máy thủy mới 100% (nguồn vốn đầu tư cũng ít hơn). “Tổng kết hỗ trợ một lần sau đầu tư giúp ngư dân đóng tàu công suất lớn ở TP.Đà Nẵng đã cho thấy không mấy ngư dân tiếp cận được. Cho nên, ngư dân Quảng Nam sẽ càng gặp khó khăn gấp bội khi triển khai Nghị định 17. Do đó, đội tàu xa bờ công suất lớn của tỉnh sẽ khó tăng thêm trong thời gian tới” - ông Ngô Tấn nói.
Khó tái đầu tư
Trong số 63 tàu công suất lớn đóng mới theo Nghị định 67 đã đi vào sản xuất trên các vùng biển xa, Quảng Nam có hơn 10 tàu theo nghề lưới rê hỗn hợp. Do mất mùa liên tục, nhiều chủ tàu đã không trả được nợ ngân hàng khi đến hạn. Thất bại với nghề lưới rê hỗn hợp, ngư dân Trần Công Chi (thôn Bình Tân, xã Bình Minh, Thăng Bình) - chủ tàu vỏ thép QNa-94989 có công suất 829CV đã đến Quỹ Hỗ trợ ngư dân gửi hồ sơ vay vốn. “Tôi cải hoán tàu cá, mua ngư lưới cụ để sản xuất với nghề mới là chụp mực, tốn hết 4 tỷ đồng. Tôi vay mượn người thân, bạn bè, vay nóng được hơn 3 tỷ đồng. Nghe cơ chế cho vay 500 triệu đồng không lãi suất của Quỹ Hỗ trợ ngư dân, tôi khấp khởi mừng thầm, gửi hồ sơ vay vốn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do tôi không tiếp cận được chính sách này” - ông Chi nói.
Về việc này, bà Huỳnh Thị Thương - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ ngư dân cho biết, hồ sơ của ông Chi không khả thi. Cụ thể, về hiệu quả tài chính, dự án vay vốn của ông Chi không có khả năng trả nợ bằng nguồn thu từ hoạt động khai thác hải sản. Tính đến thời điểm này, ông Chi đang phải trả nợ cho BIDV Quảng Nam - ngân hàng cho ông vay vốn đóng tàu và một ngân hàng khác với tổng dư nợ là gần 12 tỷ đồng. Về tài sản đảm bảo cho khoản vay, Quỹ Hỗ trợ ngư dân xác định giá trị cho vay tối đa trên giá trị tài sản đảm bảo là xấp xỉ 66 triệu đồng, không thể thế chấp vay vốn 500 triệu đồng. “BIDV Quảng Nam đang là đầu mối chính trong việc quản lý các nguồn thu từ khai thác hải sản của tàu cá QNa-94989. Quỹ Hỗ trợ ngư dân đề nghị BIDV Quảng Nam cho ngư dân này vay thêm vốn để tổ chức lại sản xuất, vươn khơi bám biển hiệu quả hơn. Tàu cá QNa-94989 đang được thế chấp ở BIDV, ngân hàng cho ngư dân vay thêm 500 triệu đồng là không lớn so với dư nợ hơn 10,5 tỷ đồng tính đến thời điểm này. Như vậy, vốn vay sẽ gom về một mối, tránh các phát sinh thủ tục liên quan đến nhiều đơn vị cho vay vốn” - bà Thương nói.
Tuy nhiên, bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV Quảng Nam thì cho rằng: “Chúng tôi đã tạo mọi điều kiện cho ông Chi vay vốn, vươn khơi sản xuất từ năm 2016 đến nay. Khó khăn ngư dân đang gặp phải mong các ban, ngành của tỉnh cùng chung tay trợ giúp. Nghị định 67 không có nội dung ngân hàng cho ngư dân vay thêm vốn sau khi đã hoàn thành con tàu và đi vào sản xuất nên chúng tôi không thể. Ngư dân có thể vay 500 triệu đồng với lãi suất thị trường là 11%/năm mà điều này thì ngư dân không chấp nhận nên chúng tôi đành chịu” - bà Nga nói.
CHƯA BỀN VỮNG
Nguồn nhân lực vừa thiếu vừa yếu là nguyên nhân khiến cho nghề cá Quảng Nam dàn trải phát triển, chưa đi vào chiều sâu.
Tàu cá theo nghề chụp mực sản xuất hiệu quả trong thời gian qua.Ảnh: Q.VIỆT |
Không đủ lao động
TAND tỉnh đã xét xử phúc thẩm, tuyên Công ty Liên Á (TP.Hà Nội) phải bồi thường, thay thế máy thủy bị hỏng hồi tháng 3.2016 cho tàu vỏ thép QNA-94679 của ngư dân Trần Văn Liên (xã Bình Minh, Thăng Bình). Nhưng gần 2 tháng qua, ông Liên vẫn chưa thể vươn khơi bám biển trở lại. “Nghề chụp mực của tôi cần 12 lao động mới có thể sản xuất được ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Tôi đã ký hợp đồng lao động với 12 bạn biển cùng quê nhưng 6 người đã đi “bạn” cho các tàu cá khác sau khi tàu tôi nằm bờ 3 năm qua. Chừ “đỏ mắt” tôi cũng không tìm được 6 lao động có tay nghề cao sản xuất trở lại” - ông Liên nói. Theo ngư dân này, thiếu hụt lao động luôn là vấn đề nan giải trong hành trình đánh bắt xa bờ nhiều năm nay. Biển giã thất thường, chỉ cần 2 chuyến biển liên tiếp không thu được sản lượng khá là ngư dân sẽ chuyển hướng, làm lao động cho tàu cá khác. Ngư dân Đỗ Văn Tiến (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) - chủ tàu vỏ thép QNa-93455 theo nghề lưới rê hỗn hợp cho hay: “Nếu chuyến biển thu đủ bù chi thì chủ tàu chịu thiệt, vẫn tính công cho bạn biển để giữ lao động. Còn nếu lỗ tổn thì chủ tàu vừa lâm nợ vừa thiếu lao động cho chuyến biển tiếp theo sau khi bạn biển quay lưng”.
Theo Sở NN&PTNT, trong tổng số 32 tàu vỏ thép và 2 tàu vỏ composite - những tàu cá được trang bị hiện đại nhất để nâng cao năng lực khai thác hải sản của tỉnh, chỉ có số ít phương tiện theo nghề chụp mực, lưới vây là hoạt động tương đối hiệu quả, còn lại chỉ duy trì cầm chừng hoặc đáng tiếc hơn là... nằm bờ. Sản xuất kém hiệu quả đã khiến cho nhiều chủ tàu trong số này luôn thường trực tình trạng thiếu lao động đi biển. “Nhìn một cách tổng thể, nghề cá Quảng Nam đang thiếu lao động. Rất nhiều ngư dân ở Hội An, nhiều ngư dân ở Duy Xuyên đã chuyển nghề sang làm du lịch, dịch vụ hoặc nghề trên bờ. Thiếu lao động cũng đang xảy ra ở khu vực phía nam của tỉnh khi nhiều ngư dân chuyển sang đi bạn cho các tàu ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định sản xuất hiệu quả hơn” - ông Ngô Tấn nói.
Trình độ chưa cao
Từ triển khai Nghị định 67, đội tàu công suất lớn, hiện đại của tỉnh đã tăng lên. Để giúp chủ tàu và bạn biển có thể vận hành, sử dụng thuần thục các máy móc, thiết bị hiện đại, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch tổ chức 15 lớp đào tạo với quy mô 35 học viên/lớp về nghiệp vụ vận hành tàu vỏ thép, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới. Đến nay, mới chỉ có 4 lớp được triển khai tại các huyện Thăng Bình, Núi Thành với tổng cộng 150 thuyền trưởng, thuyền viên tham gia. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Quảng Nam, việc tạo lập một đội ngũ thuyền viên làm việc ổn định trên các tàu vỏ thép và composite gặp nhiều khó khăn. Mặc dù nhu cầu được đào tạo của ngư dân là rất cao, nhưng do bạn biển không cam kết làm việc lâu dài nên nhiều chủ tàu chưa quyết tâm đi học và tạo điều kiện cho thuyền viên tham gia đào tạo. Rốt cuộc, do bỡ ngỡ với các thiết bị, máy móc mới trong quá trình khai thác hải sản nên nhiều sự cố đã xảy ra trên các tàu vật liệu mới, như: không đồng bộ trong các thao tác kéo lưới nên nhiều tàu cá đã bị hỏng tời kéo lưới; không quen sử sụng hầm bảo quản lớn nên hải sản không đảm bảo được độ lạnh cần thiết.
Bảo quản tốt hải sản sau khai thác để bán được giá luôn là vấn đề không nhỏ của nghề cá Quảng Nam. Thực hiện Quyết định 68/2013/QĐ-TTg về hỗ trợ ngư dân vay vốn đầu tư công nghệ mới trong bảo quản hải sản, UBND tỉnh ban hành Công văn 1618/UBND-KTN giao Sở NN&PTNT triển khai ở 6 địa phương có nghề cá. Nhưng từ năm 2014 đến nay, vẫn chưa có ngư dân Quảng Nam nào được vay vốn ở các ngân hàng thương mại để mua sắm, lắp đặt các loại thiết bị nhằm bảo quản tốt hơn hải sản sau khai thác. Trong khi đó, công tác khuyến ngư chưa cho thấy hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Long - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết, từ các nguồn kinh phí của Trung ương và tỉnh, nhiều mô hình khuyến ngư đã được triển khai ở huyện Núi Thành, giúp ngư dân tiếp cận, sử dụng các máy móc hiện đại, nâng cao giá trị kinh tế thu được sau chuyến biển. Nhưng máy dò ngang với khả năng dò và hiển thị toàn bộ hoạt động của đàn cá lên màn hình giúp ngư dân dễ dàng xác định tọa độ, dẫn dụ, vây bắt cá... lại không được ngư dân đón đợi dù hỗ trợ kinh phí đến 50%. Đèn led giúp nghề lưới vây và chụp mực thuận lợi hơn, giảm hao tổn nhiên liệu nhưng cũng chưa được ứng dụng rộng rãi. Ông Nguyễn Văn Long cho rằng, ngư dân chưa chuộng các mô hình tiên tiến vì muốn được hỗ trợ 100% chi phí trang bị trong khi đó, mức tối đa theo phê duyệt chỉ là 50%. Các ngư dân thì lại cho rằng, khi đã hỗ trợ thì họ vẫn phải đối ứng vốn hàng trăm triệu đồng mà chưa chắc độ bền thiết bị sử dụng được bao lâu, hiệu quả đến mức nào.
ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP
Hàng loạt giải pháp đang được ngành chức năng, địa phương đề xuất triển khai, qua đó đẩy mạnh tái cơ cấu, đưa nghề cá Quảng Nam phát triển bền vững hơn trong thời gian đến.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Tổ chức lại quá trình sản xuất từ bờ đến biển
Nghị định 17 được ban hành, sửa đổi một số nội dung của Nghị định 67 là kết quả đóng góp của các bộ, ngành, các địa phương có nghề cá trên phạm vi toàn quốc. Chính sách mới này là cần thiết vì thực tế đã cho thấy những bất cập từ triển khai Nghị định 67 trong vòng 2 năm qua. Hỗ trợ một lần sau đầu tư sẽ rất khó cho ngư dân tiếp cận được nhưng cũng đặt ngư dân vào tâm thế nâng cao quyết tâm và trách nhiệm khi đóng tàu vật liệu mới có công suất lớn. Họ cũng sẽ quyết tâm hơn, tổ chức sản xuất chặt chẽ hơn khi con tàu đóng mới đi vào hoạt động. Chính họ huy động vốn để đóng được tàu chứ không phải con tàu được đóng mới từ 95% vốn vay của Nhà nước. Hiện tại, Quảng Nam có quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn ở các ngân hàng thương mại nên tỉnh sẽ xem xét có cần thiết phải bảo lãnh cho ngư dân vay vốn của ngân hàng để đóng tàu vật liệu mới theo Nghị định 17, khi đóng xong được nhận hỗ trợ 35% giá trị con tàu, ngư dân sẽ hoàn trả lại vốn đã vay để đóng tàu.
Phát triển chế biến, thương mại hải sản Sở NN&PTNT đang tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh chế biến hải sản trên địa bàn tỉnh. Theo tính toán, từ nay đến năm 2020, cung cấp ra thị trường 31 nghìn tấn hải sản với tốc độ tăng trưởng bình quân 11%/năm. Sản lượng xuất khẩu hải sản năm 2020 đạt 10 nghìn tấn với tốc độ tăng trưởng bình quân 17%/năm. Tỉnh tập trung phát triển sản phẩm chủ lực từ tôm, cá ngừ đông lạnh, mực và bạch tuộc, cá khô, cá tẩm gia vị... Thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc. Đối với chế biến hải sản phục vụ thị trường nội địa, tổng sản phẩm cung cấp ra thị trường đến năm 2020 đạt 21 nghìn tấn với tốc độ tăng trưởng bình quân 8%/năm, trong đó chế biến mặt hàng khô đạt 9.500 tấn với tốc độ tăng trưởng bình quân 4%/năm. |
Tái cơ cấu nghề cá luôn là vấn đề cấp thiết tại Quảng Nam để phát triển bền vững. Việc này cần phải tổ chức lại phương thức sản xuất của ngư dân theo hướng đoàn kết thành các tổ, đội. Khi ra khơi, ngư dân phải ghi nhật ký rõ ràng, khai thác hải sản đúng quy định, cùng cả nước gỡ bỏ “thẻ vàng” mà EU đã phạt. Tỉnh chú trọng tăng số lượng tàu hoạt động xa bờ, giảm phương tiện sản xuất gần bờ, sẽ có cơ chế hỗ trợ, giúp bộ phận ngư dân sản xuất gần bờ chuyển nghề cũng như tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt các hành vi khai thác hủy diệt. Hậu cần nghề cá được đầu tư bằng cách mở rộng các khu neo đậu tàu cá kết hợp xây dựng cảng cá, dịch vụ hậu cần nghề cá.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT: Tái cơ cấu là nhu cầu nội tại
Sở NN&PTNT đang xây dựng, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch phát triển bền vững nghề khai thác hải sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, tổng sản lượng khai thác hải sản vào năm 2020 dự kiến đạt 85 nghìn tấn, sản xuất xa bờ đạt 55.250 tấn, sản xuất ven bờ đạt 29.750 tấn. Số lượng tàu thuyền vào thời điểm này là 4.394 chiếc sẽ giảm xuống còn 4.000 chiếc vào năm 2020. Để thực hiện điều đó, chúng tôi tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ phát triển đội tàu xa bờ với các nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao như lưới vây, câu mực khơi, chụp mực khơi đồng thời du nhập phát triển một số nghề mới; Ứng dụng các mô hình bảo quản hải sản tiên tiến nhằm giảm tổn thất sau khai thác...
Ngành nông nghiệp đang hướng dẫn, khuyến khích ngư dân thực hiện mô hình đội tàu khai thác hải sản gắn với dịch vụ hậu cần, tiêu thụ sản phẩm, sơ chế sản phẩm ngay trên tàu để tăng thời gian bám biển, giảm chi phí vận chuyển sản phẩm, giữ chất lượng sản phẩm đạt tốt sau khai thác. Chúng tôi tập trung triển khai công tác hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất, giúp ngư dân khai thác hiệu quả, an toàn thông qua việc điều tra diễn biến ngư trường nguồn lợi, diễn biến thời tiết kết hợp với dự báo ngư trường nguồn lợi của các cơ quan chuyên môn ở trung ương. Rõ ràng, muốn phát triển thì nghề cá phải tái cơ cấu triệt để, đó là nhu cầu nội tại phát triển.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản: Ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại
Áp dụng công nghệ tin học, viễn thám, sử dụng vệ tinh trong quản lý hoạt động đánh bắt xa bờ đang được ngành thủy sản coi trọng, không chỉ khống chế tình trạng tàu cá khai thác trên các vùng biển không thuộc nước ta mà còn hữu ích trong phòng chống thiên tai cũng như xác định tọa độ tàu cá xa bờ, qua đó hỗ trợ nhiên liệu hợp lý hơn. Công nghệ hỗ trợ, các trang thiết bị an toàn hàng hải, thiết bị thông tin liên lạc tầm trung, tầm xa và liên lạc giữa các tàu cá đang khai thác cùng ngư trường sẽ được kiện toàn lại, chủ động ứng phó với các tình huống khẩn cấp xảy ra trên biển. Đối với đánh bắt hải sản gần bờ, ngành sẽ xây dựng các mô hình chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế thay thế, khắc phục tình trạng khai thác hải sản theo kiểu hủy diệt nguồn lợi, giúp ngư dân ổn định cuộc sống đồng thời bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái trên biển tốt hơn.
Vấn đề tổ chức lại hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, xây dựng và phát triển các mô hình liên kết, liên doanh gắn với các khâu của nghề cá từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm sẽ được hỗ trợ đầu tư phù hợp hơn với từng nghề, từng địa phương. Ngư dân cần phải gắn trách nhiệm, chia sẻ lợi ích với các tổ chức, doanh nghiệp chế biến hải sản, bảo đảm tiêu thụ sản phẩm ổn định, nâng cao giá trị của sản phẩm sau khai thác.
Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN QUANG VIỆT