Tìm động lực cho "tàu 67"

Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN QUANG VIỆT 02/12/2017 07:44

Ngày 31.12.2017, Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản hết hiệu lực. Bộ NN&PTNT đang tham vấn các cơ quan chuyên môn về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 nhằm giải quyết những bất cập.

Tại Quảng Nam, nhiều vướng mắc, bế tắc đã xảy ra sau hơn 3 năm triển khai chương trình đóng “tàu 67”. Bởi vậy, rất cần góc nhìn tổng thể, đề xuất những giải pháp, tạo động lực giúp ngư dân đóng được tàu công suất lớn, mạnh mẽ vươn khơi, làm giàu từ biển đi đôi với bảo vệ chủ quyền lãnh hải trong thời gian tới.

Đội “tàu 67” của Quảng Nam vươn khơi.Ảnh: Q.V
Đội “tàu 67” của Quảng Nam vươn khơi.Ảnh: Q.V

KHÓ TIẾP CẬN VỐN VAY

Rất nhiều ngư dân không thể tiếp cận vốn vay của Nghị định 67 mặc dù đủ điều kiện và đã bán tàu cũ lấy vốn đối ứng. Dòng vốn lưu động ì ạch. Quảng Nam vẫn còn đến 29 tàu cá được Trung ương phân bổ nhưng dự đoán sẽ khó thực hiện.

Khó khăn bủa vây

Chúng tôi tìm gặp ngư dân Lê Bé (thôn Võng Nhi, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) trong những ngày cuối tháng 11. Người đàn ông này đã lao tâm khổ tứ theo đuổi con tàu mơ ước từ Nghị định 67. Năm 2015, ông Bé được cán bộ tín dụng của VietinBank chi nhánh TP.Hội An thỏa thuận cho vay vốn đóng tàu vỏ gỗ theo Nghị định 67 với 70% giá trị con tàu 6,3 tỷ đồng. Quá vui mừng, ông Bé bán ngay con tàu QNa-03861 sản xuất bằng nghề câu cá hố đang ăn nên làm ra lúc bấy giờ, rồi gửi tiền tỷ đến ngân hàng thương mại để đối ứng vốn. Nhưng khi “tàu 67” đang thi công thì phía ngân hàng thương mại đột ngột thông báo chỉ có thể cho ngư dân vay 5,6 tỷ đồng vì cho rằng thẩm định vốn trước đó quá cao. Ông Bé như ngồi trên lửa vì phương tiện sản xuất đã bán, tất cả vốn liếng đã huy động rồi, còn biết đào đâu ra tiền để hoàn thiện con tàu đang đóng. Sau đơn cầu cứu của ngư dân, nhiều ngành chức năng của TP.Hội An vào cuộc, làm việc với ngân hàng thương mại nhưng sự việc cứ... chìm dần. Ông Bé đã phải bồi thường cho cơ sở đóng tàu hơn 200 triệu đồng vì dừng dự án. Từ đó, ông Bé đã ngậm ngùi chia tay nghề biển. Đó chỉ là một trong hàng chục trường hợp ngư dân khóc ròng vì đã quá tin tưởng ngân hàng thương mại mà bán tàu đang sản xuất để đối ứng vốn. Họ đã phải đi làm thuê hoặc sống lay lắt qua ngày khi bị ngân hàng thương mại đột ngột thông báo không thể triển khai dự án, như Trần Công Mậu, Nguyễn Văn Cứ, Lê Đức Rý.

Cho vay 696,3 tỷ đồng đóng “tàu 67”

Đến nay, các ngân hàng ở tỉnh đã ký kết hợp đồng tín dụng và cam kết cho vay đóng mới 63 tàu cá, đạt 66,3% số tàu cá được phê duyệt. Tổng giá trị cam kết đầu tư cho vay hơn 696 tỷ đồng, đã giải ngân được hơn 666 tỷ đồng/63 tàu cá. Số “tàu 67” đã hoàn thành thi công, được cấp phép, đi vào sản xuất là 57 tàu (24 tàu vỏ gỗ, 32 tàu vỏ thép, 1 tàu composite). Trong số 24 tàu vỏ gỗ có 5 tàu thực hiện dịch vụ hậu cần nghề cá, 19 tàu khai thác hải sản (8 phương tiện câu mực khơi, 2 mành chụp, 9 lưới vây). Cả 32 tàu vỏ thép đều khai thác hải sản (18 tàu mành chụp 18 tàu, 9 lưới rê, 5 lưới vây). Số tàu đang thi công là 4 tàu (1 tàu composite nghề lưới rê hỗn hợp, 2 tàu vỏ thép đang đóng, làm nghề lưới rê hỗn hợp, đã hạ thủy, đang hoàn thiện các hạng mục trang bị khai thác, nội thất) và 1 tàu đang đóng).

Còn ngư dân Trần Đậu (thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, Duy Xuyên) thì liên tục... ở nhà trong những ngày qua, bởi tàu vỏ thép QNa-93717 nằm bờ vì làm ăn thua lỗ. “Tàu nằm bờ do không đủ vốn để trang trải đầu vào chuyến biển. Tôi mong được vay vốn lưu động để có thể mua nhiên liệu, các nhu yếu phẩm để vươn khơi. Vậy nhưng ngân hàng thương mại lắc đầu vì cho rằng nợ sẽ dồn nợ. Tôi đi biển thất bát vài chuyến là phía ngân hàng nghi ngờ, đánh giá thấp phương án vay vốn lưu động, không cho tôi vay” - ông Đậu nói. Câu chuyện các ngư dân “cắn răng” vay nóng của đầu nậu mua các nhu yếu phẩm để ra khơi diễn ra liên tục trong thời gian qua. Khi về bờ, họ bị ép đầu ra hải sản, phải bán trả nợ với lãi suất cao khiến cho giá trị kinh tế thu được rất thấp, nhiều khi thu không đủ bù chi.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, qua hơn 3 năm triển khai Nghị định 67, chỉ có BIDV chi nhánh Quảng Nam ký hợp đồng và giải ngân cho ngư dân vay vốn lưu động với dư nợ hơn 2,3 tỷ đồng. Với trợ giúp này, ngư dân đã vượt qua được những thời điểm khó khăn, sản xuất ổn định trở lại. Tuy nhiên, nguồn vốn lưu động vẫn... nhỏ giọt. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam thì vốn lưu động chưa được giải ngân nhiều là do ngư dân chưa có kinh nghiệm trong việc lập hồ sơ vay vốn, lập phương án sản xuất cũng như chứng minh khả năng tài chính của mình khi vay vốn.

Khó về đích

Nghị định 67 sẽ kết thúc vào ngày 31.12.2017, nhưng các ngân hàng thương mại mới chỉ ký hợp đồng cho ngư dân vay đóng mới 63/92 chỉ tiêu “tàu 67” được Trung ương phân bổ, nên rất khó để Quảng Nam về đích đúng hạn. Đáng nói ở chỗ, cơ chế tín dụng ưu đãi đóng “tàu 67” hầu như “giẫm chân tại chỗ” gần một năm nay. Lần gần nhất ngân hàng cho ngư dân vay vốn theo Nghị định 67 là Agribank chi nhánh Quảng Nam hồi tháng 9.2017 tuy nhiên hợp đồng này đã được thỏa thuận từ năm 2016. VietinBank sau khi cho 1 ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ gỗ hồi năm 2016 thì đã chủ động rút lui. Vietcombank là một trong 4 ngân hàng trên địa bàn tỉnh triển khai Nghị định 67 thì không ký hợp đồng cho vay vốn nào với ngư dân. BIDV thì chưa triển khai “tàu 67” nào từ hơn một năm nay.

Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, sẽ đôn đốc các ngân hàng nhiệt tình cho ngư dân vay vốn theo Nghị định 67 để hoàn thành các chỉ tiêu Trung ương giao. Tuy nhiên, ngành chức năng nhận định, sẽ rất khó vì ngân hàng thương mại phải xét các hồ sơ có đủ khả năng vay vốn, có phương án sản xuất khả thi không rồi mới có quyết định. Khi quyền tự quyết có cho ngư dân vay vốn hay không thuộc về ngân hàng thì rõ ràng các chỉ tiêu sẽ khó cán đích. “Rất khó để Quảng Nam về đích với 92 “tàu 67” theo chỉ tiêu. Các ngân hàng đã lơ là vì phát sinh quá nhiều rủi ro, bất cập trong thời gian qua. Khi các vướng mắc còn đó thì không thể trách ngân hàng “ngó lơ” các hồ sơ vay vốn ưu đãi mà ngư dân kỳ vọng gửi đến” - ông Ngô Tấn nói.

NỖ LỰC TỪ HAI PHÍA

Để “tàu 67” sản xuất thuận lợi hơn và việc triển khai Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được thông suốt trong thời gian đến, rất cần các giải pháp đồng bộ từ ngư dân và ngành chức năng.

Cần đồng bộ các giải pháp để “tàu 67” vươn khơi hiệu quả hơn.Ảnh: Q.V
Cần đồng bộ các giải pháp để “tàu 67” vươn khơi hiệu quả hơn.Ảnh: Q.V

Nâng cao trách nhiệm

Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 12 sắp đến. Theo dự thảo nghị định, cơ chế hỗ trợ tín dụng giúp ngư dân đóng tàu sẽ thay đổi, Chính phủ sẽ áp dụng cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư chứ không hỗ trợ bằng cách cho vay 95% vốn và hỗ trợ 6%/ 7% lãi suất vốn vay đối với tàu vỏ thép, vật liệu mới; 30% vốn và hỗ trợ 4/7% lãi suất vốn vay đối với tàu vỏ gỗ. Theo đó, tàu vỏ thép sẽ có 2 mức hỗ trợ là 6 tỷ đồng/tàu đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 800CV đến dưới 1.000CV; hỗ trợ 7 tỷ đồng/tàu đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 1.000CV trở lên. Tàu vật liệu mới sẽ được hỗ trợ 6 tỷ đồng/tàu đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên. Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho rằng: “Cơ chế hỗ trợ nào cũng ưu việt cả, cơ chế mới sẽ giúp ngư dân nâng cao trách nhiệm hơn đối với con tàu lớn của mình”. Đã có không ít trường hợp ngư dân ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi đầu tư tàu vỏ thép, bởi họ chỉ phải huy động nguồn vốn chiếm 5% tổng giá trị và chỉ phải trả 1% lãi suất vốn vay. Các ngư dân đó đã chậm trễ, viện nhiều lý do để không trả nợ đúng hạn cho ngân hàng thương mại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, sở hữu phương tiện sản xuất là con tàu hiện đại có giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng thì ngư dân cần phải làm chủ trong mọi tình huống đánh bắt hải sản. Nhà nước mở nhiều lớp đào tạo thuyền trưởng, thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, vật liệu mới thì ngư dân nên quan tâm, học tập để vận hành tàu lớn được thông suốt. Chủ tàu cần ý thức rõ ràng là phải tự tổ chức quá trình sản xuất cho bài bản trước khi kêu gọi sự trợ giúp của các ngành chức năng. Các mối quan hệ giữa chủ tàu với lao động trên tàu; chủ tàu này với các chủ tàu khác trong cùng tổ đoàn kết sản xuất trên biển; chủ tàu với các cơ sở cung cấp đầu vào sản xuất như lương thực, thực phẩm, nước đá, ngư lưới cụ; chủ tàu với cơ sở thu mua hải sản... phải được quy củ để quá trình sản xuất, bảo quản hải sản, tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất có thể.

Về phía các ngân hàng thương mại, theo ông Trần Quang Hổ, cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương ven biển, ngành thủy sản, ngư dân và các lực lượng chức năng khác để quản lý chặt chẽ dòng tiền của ngư dân từ đầu vào cho đến đầu ra, qua đó “nhắc nhở” họ trả đủ nợ khi đến hạn. Ngư dân trả nợ đúng hạn sẽ giúp họ duy trì được hỗ trợ lãi suất vốn vay của Nhà nước chứ để nợ quá hạn thì việc này sẽ bị cắt, ngư dân không kham nổi.

Tiếp sức ngư dân

Trả lời câu hỏi có tiếp tục cho ngư dân vay vốn đóng tàu theo cơ chế mới không, bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam cho rằng, rất khó nếu quá trình sản xuất của ngư dân chưa được cải thiện. “Chúng tôi luôn đồng hành với ngư dân trong thời gian qua nhưng sẽ không tiếp tục nếu cứ cho vay để rồi cả hai cùng gặp khó. Ngư dân khó trả đủ nợ còn ngân hàng loay hoay không biết làm sao thu hồi được vốn” - bà Nga nói. Theo các ngân hàng thương mại, Quảng Nam cần phải khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc gặp phải. Đó là không có chỗ neo đậu an toàn cho tàu công suất lớn. Luồng lạch biển Cửa Đại cứ bị bồi lấp nặng nề hơn sau mỗi đợt lũ lụt; các ngành của tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT để triển khai hiệu quả hơn công tác thông luồng cho tàu cá có thể ra khơi. Công tác dự báo ngư trường giúp ngư dân chủ động khai thác hải sản phải được đầu tư khoa học hơn. Cả tỉnh lẫn Trung ương cần đánh giá lại trữ lượng hải sản trên các vùng biển xa để cơ cấu hợp lý hơn các nghề sản xuất. Quá trình hỗ trợ dầu cho ngư dân cần được triển khai sát sườn hơn chứ nhiều khi ngư dân không được hỗ trợ để có thêm điều kiện đánh bắt xa bờ.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, cần triển khai nhiều biện pháp cụ thể, phù hợp trong thời gian đến để đóng tàu theo cơ chế ưu đãi đạt hiệu quả hơn. Theo đó, sẽ tổng hợp rà soát lại các cơ sở đóng tàu trên địa bàn tỉnh, không cấp phép hoạt động cho các cơ sở không đảm bảo chất lượng. Ngành thủy sản sẽ đề xuất với Trung ương điều chỉnh lại nhiều thiết kế cho tàu cá, trong đó nhấn mạnh các mẫu tàu phải phù hợp cho từng nghề, từng ngư trường, phù hợp với tập quán sản xuất riêng của mỗi địa phương, vùng miền. Quy trình đăng kiểm cho tàu lớn của Bộ NN&PTNT phải chặt chẽ hơn, nếu tàu xuất xưởng bị lỗi thì phải chịu trách nhiệm cùng với cơ sở đóng tàu, bồi thường cho ngư dân. Công tác giám sát quá trình đóng tàu của ngư dân, các ngân hàng cho ngư dân vay vốn phải khắt khe hơn; cần thảo luận, xem xét bộ phận nào trên tàu cá chưa phù hợp thì sửa chữa. “UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch tổ chức 15 lớp đào tạo nghiệp vụ vận hành tàu vỏ thép, hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới với quy mô 35 học viên/lớp. Đến nay, ngành thủy sản mới tổ chức được 4 lớp tại các huyện Thăng Bình, Núi Thành với 147 học viên tham gia, vì thế cần khẩn trương thực hiện tiếp trong mùa biển động này. Ngoài ra, Sở NN&PTNT phối hợp với Bảo Việt chi nhánh Quảng Nam để triển khai tốt chính sách bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên trong thời gian tới. Chúng tôi hy vọng, với những điều chỉnh, bổ sung cơ chế trong nghị định sắp ban hành, đội tàu xa bờ của Quảng Nam sẽ hoạt động hiệu quả hơn hẳn” - ông Ngô Tấn nói.

SẢN XUẤT TRẮC TRỞ

Sản xuất của ngư dân Quảng Nam trên các “tàu 67” gặp rất nhiều trắc trở trong thời gian qua do yếu kém về thiết kế và nghề không phù hợp.

Lỗi hầm bảo quản trên tàu.Ảnh: Q.V
Lỗi hầm bảo quản trên tàu.Ảnh: Q.V

Quá nhiều lỗi thiết kế

Có quá nhiều trục trặc xảy đến trong quá trình sản xuất của 32 tàu vỏ thép. Tàu cá QNa-91045 có công suất 822CV hành nghề chụp mực của ngư dân Bùi Thế Cả (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) là ví dụ. “Tàu 67” này bị hỏng tời kéo lưới, tời ma sát, tăng gông, hầm bảo quản. “Có phương tiện sản xuất trên biển nào hiện đại bằng tàu vỏ thép. Vậy mà, hầu như mọi bộ phận trên tàu đều hư hỏng. 21 mẫu thiết kế tàu cá do Bộ NN&PTNT ban hành có quá nhiều lỗi gây rất nhiều vướng mắc trong quá trình khai thác hải sản. Hậu quả là đánh bắt hải sản không đạt, ngư dân khó trả nợ ngân hàng” - ông Cả nói. Ngư dân này đã chạy đôn chạy đáo gặp chủ cơ sở đóng tàu, công ty cung cấp thiết bị hàng hải nhưng việc sửa chữa, khắc phục không dễ. Nhiều chủ tàu bị hỏng hầm bảo quản như Lê Văn Hên, Nguyễn Thanh Tiến, Ngô Ri phải sử dụng bơm nước trực tiếp để bù vào. Nhiều tàu vỏ thép bị hoen gỉ cục bộ do sơn chưa đảm bảo. Tàu của các ngư dân Nguyễn Đình Châu (phường Cẩm Nam, TP.Hội An) và Phan Thu (xã Bình Minh, Thăng Bình) đều bị hỏng hộp số, dù đã được thay thế nhưng vẫn trục trặc khi vận hành. 

Bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam cho biết, công tác giám sát quá trình thi công “tàu 67” ở các cơ sở đóng tàu rất khó khăn. Cán bộ ngân hàng thường xuyên có mặt và thuê đơn vị giám sát quá trình đóng tàu. Tuy nhiên, do không có nhiều chuyên môn về thép và đóng tàu nên giám sát không hiệu quả. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng nhấn mạnh, các lỗi thiết kế trên “tàu 67” là nghiêm trọng và giao trách nhiệm cho Sở NN&PTNT phải phối hợp với các ban, ngành, các địa phương đến các cơ sở đóng tàu làm việc, nhanh chóng khắc phục các lỗi đã có. Ngoài ra, Sở NN&PTNT phải thống kê các lỗi thiết kế trên “tàu 67”, đề xuất Bộ NN&PTNT nhanh chóng vá lỗi, vừa giúp ngư dân sản xuất thuận lợi hơn vừa làm tiền đề để triển khai cơ chế hỗ trợ đóng tàu mới trong thời gian đến.

Khó chuyển nghề, kiêm nghề

Những ngày này, ngư dân Phan Thu tất bật liên hệ Chi cục Thủy sản, Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam, Trung tâm Đăng kiểm quốc gia (Bộ NN&PTNT), các cơ sở đóng tàu vỏ thép trên phạm vi cả nước để tìm cách chuyển nghề cho tàu vỏ thép QNa-95997. Thua lỗ khi theo nghề lưới rê hỗn hợp, ông Thu chuyển sang nghề đặt lờ lươn cũng không hiệu quả. Học hỏi kinh nghiệm mấy tháng qua, ông Thu muốn chuyển sang nghề chụp mực. Muốn đổi nghề thì phải thay đổi thiết kế trên tàu, phải có nguồn vốn vài tỷ đồng để thay thế công cụ sản xuất. Thuận lợi với ông Thu là Quỹ Hỗ trợ ngư dân đồng ý cho vay 500 triệu đồng không lãi suất nhưng điều kiện đặt ra là phải có thế chấp mà sổ đỏ thì ông Thu đã gửi ngân hàng để vay vốn nhiều năm qua.

Ông Thu liên hệ đến BIDV chi nhánh Quảng Nam - ngân hàng thương mại đã cho vay hơn 14 tỷ đồng để đóng “tàu 67”, thì được trả lời là không có nội dung cho vay để chuyển nghề. “Muốn tồn tại thì phải bám biển chứ không thể để “tàu 67” nằm bờ như mấy tháng qua. Rất mong Nhà nước có cơ chế thoáng, giúp tôi mở ra cơ hội mới bằng cách chuyển nghề để tiếp tục vươn khơi” - ông Thu nói. Bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam cho rằng: “Chúng tôi đã cho ngư dân vay 95% vốn để đóng tàu; tiếp tục cho ngư dân vay vốn lưu động để trang trải chi phí đầu vào của chuyến biển; cơ cấu lại thời gian trả nợ để ngư dân không rơi vào cảnh nợ quá hạn. Mọi cách chúng tôi đã triển khai giúp ngư dân rồi. Nếu Chính phủ có cơ chế mới thì chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai, giúp ngư dân vươn khơi sản xuất tốt hơn”.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có hơn 15 chủ “tàu 67” rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan vì tàu nằm bờ thì mất bạn biển mà ra khơi thì... lỗ nặng. Đó là các chủ tàu theo nghề lưới rê hỗn hợp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng giao trách nhiệm Sở NN&PTNT rà soát đánh giá lại toàn bộ quá trình sản xuất của nghề này; đối chiếu nghề này với các tỉnh, thành khác trên phạm vi cả nước rồi tìm giải pháp thiết thực. Ngành thủy sản khuyến cáo ngư dân vẫn giữ nghề lưới rê hỗn hợp và kiêm thêm nghề. Muốn cải hoán tàu, phải có văn bản đồng ý của ngân hàng thương mại cho ngư dân vay vốn đóng tàu và phải hoàn thành bản thiết kế cải hoán tàu cá có phê duyệt của Trung tâm Đăng kiểm quốc gia. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất là nguồn vốn để đầu tư chuyển nghề hoặc kiêm nghề. Theo đó, Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam chỉ có thể cho ngư dân vay 500 triệu đồng không lãi suất, phần còn lại ngư dân bất lực vì đã huy động mọi nguồn vốn để đóng tàu và trang trải sản xuất trong thời gian qua.

Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm động lực cho "tàu 67"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO