Những ngày qua, niềm vui như vỡ òa đối với những người trong gia đình ông Nguyễn Ngọc Châu (phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) khi tìm được hài cốt của người thân là liệt sĩ sau 70 năm.
Ông Nguyễn Ngọc Châu trong lễ cải táng và tri ân liệt sĩ Nguyễn Hoàng. ảnh: QUỲNH TRÂN |
Đến bây giờ, khi phần mộ liệt sĩ Nguyễn Hoàng đã được an táng. ông Nguyễn Ngọc Châu chia sẻ: “Chúng tôi mừng đến nghẹn ngào. Sau bao nhiêu năm ròng rã tìm kiếm, đến nay gia đình chúng tôi đã tìm được mộ của người thân là liệt sĩ bị thất lạc 70 năm qua, đúng là trời không phụ người”.
Ông Nguyễn Ngọc Châu gọi liệt sĩ Nguyễn Hoàng (tên thường gọi là Út Khả, sinh năm 1928, tại ấp Hòa Đông, xã Tam An (cũ) nay thuộc phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ), là chú ruột. Nguyễn Hoàng sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1946, khi vừa tròn 18 tuổi, anh tham gia Vệ quốc đoàn và được bố trí công tác tại xã Mỹ Phương, Quảng Ngãi. Sau một năm tham gia chiến đấu, chiến sĩ Nguyễn Hoàng đã anh dũng hy sinh tại thôn Bình Thành, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi). Ông Nguyễn Tấn Niên - người cùng địa phương và là cán bộ văn phòng thời ấy của xã Tam An, thành viên trong Ban tổ chức lễ truy điệu cho liệt sĩ Nguyễn Hoàng cho biết, giấy báo tử của liệt sĩ Nguyễn Hoàng được đơn vị gửi về địa phương ngay sau khi anh hy sinh. UBND xã Tam An lúc bấy giờ nhanh chóng thông báo đến gia đình và cùng tổ chức lễ truy điệu liệt sĩ Nguyễn Hoàng. Ông Nguyễn Ngọc Châu nhớ lại: “Lúc ấy tôi còn nhỏ nhưng nghe kể lại, thời chiến tranh loạn lạc, gia đình chúng tôi không đủ điều kiện để vào Quảng Ngãi nhận thi hài của chú tôi về ngay nên chỉ lập bàn thờ và cất giữ giấy báo tử với mong muốn sau này sẽ tìm kiếm mộ phần, đưa hài cốt của chú tôi trở về với đất mẹ”.
Nhưng chiến tranh vẫn không ngừng diễn ra. Đến năm 1954, địch mở đợt khủng bố và truy lùng những gia đình tham gia kháng chiến ở Tam An. Giấy báo tử của ông Nguyễn Hoàng bị thất lạc từ đó. Hòa bình lập lại, gia đình ông Nguyễn Ngọc Châu bắt đầu tìm kiếm hài cốt người chú ruột. Gia đình ông vào ra Quảng Ngãi liên tục; nghe tin ở đâu có phần mộ liệt sĩ quê Quảng Nam hy sinh ở Quảng Ngãi là lập tức tìm đến nhưng đều không có thông tin. Cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Hoàng tưởng chừng rơi vào vô vọng thì tin vui đã đến với gia đình ông Nguyễn Ngọc Châu một cách tình cờ. Trong một lần gặp một người quê Quảng Ngãi, vẫn như mọi khi, ông Châu kể về câu chuyện tìm kiếm hài cốt của chú mình với thông tin ít ỏi mà ông có được. Thật bất ngờ, người ấy cho biết là có quen một gia đình ở Quảng Ngãi. Trước đây, gia đình này có nhận nuôi lính Vệ quốc đoàn thời chống Pháp và hứa sẽ giúp đỡ ông Châu kiểm tra lại thông tin. Ông Châu tìm lại được phần mộ của chú ruột mình từ cơ duyên này.
Cách đây 70 năm, sau khi hy sinh, ông Nguyễn Hoàng được mẹ nuôi, tên thường gọi là Xã Thảo, chôn cất ngay tại khuôn viên vườn nhà của bà ở thôn Bình Thành, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) cùng với nhiều liệt sĩ khác. Trước khi mất, bà Xã Thảo dặn dò kỹ lưỡng và để lại thông tin cụ thể của từng phần mộ liệt sĩ trong vườn cho người cháu trai, ngõ hầu sau này thân nhân của các liệt sĩ tìm tới. Khi gia đình ông Nguyễn Ngọc Châu tìm gặp cháu trai của bà Xã Thảo để hỏi thăm, anh cho biết trong số các mộ ở khu vườn nhà anh có phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Hoàng, quê Quảng Nam. “Nghe tin này các thành viên trong gia đình chúng tôi mừng đến nỗi chỉ biết ôm nhau khóc. Ông ngoại tôi, người đã bao năm tìm kiếm phần mộ chú ruột của mình, không kiềm được cảm xúc, khóc nấc như một đứa trẻ” - cháu ngoại ông Nguyễn Ngọc Châu chia sẻ. Sau khi đối chứng thông tin dựa trên giấy tờ chứng nhận của địa phương và những lời khai làm chứng về mối quan hệ ruột thịt của liệt sĩ Nguyễn Hoàng với ông Nguyễn Ngọc Châu, người gìn giữ mộ của liệt sĩ Nguyễn Hoàng bấy lâu nay nhanh chóng đồng ý, tạo điều kiện để việc di dời mộ về Quảng Nam diễn ra thuận lợi.
Vậy là qua bao nhiêu lần tìm kiếm, hy vọng và chờ đợi, giây phút “đoàn tụ” thiêng liêng đã đến, mọi người đều xúc động chẳng nói nên lời khi liệt sĩ Nguyễn Hoàng được đưa về với đất mẹ Quảng Nam. Lễ cải táng và tri ân liệt sĩ được tổ chức trang nghiêm, chu đáo với sự quan tâm của chính quyền địa phương, bà con, láng giềng. Ông Nguyễn Ngọc Châu bùi ngùi: “Vậy là từ nay tôi đã có thể yên tâm, không còn đau đáu nỗi niềm tìm mộ người thân thất lạc nữa rồi…”.
QUỲNH TRÂN