Khó tìm đầu ra cho các sản phẩm sạch, minh bạch là câu chuyện đang gây khó cho các hợp tác xã (HTX) và cả ngành nông nghiệp của Quảng Nam…
Để nông sản tìm được kênh phân phối vào các siêu thị, cửa hàng không phải chuyện dễ với nông dân. Ảnh: X.HIỀN |
“Chúng tôi cần đơn đặt hàng”
Ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Quý (Thăng Bình) cho biết, hiện tại sản phẩm lúa tím và lúa hữu cơ do HTX sản xuất “bị đứng hàng”. “Vụ trước chúng tôi còn dư 25 tấn lúa, sắp tới đây thu hoạch lúa vụ này ước lượng được 30 tấn. Nhưng đầu ra thì còn đang bí” - ông Nguyễn Trường Sơn nói. Không chỉ có sản phẩm lúa tím và lúa hữu cơ, các sản phẩm do thành viên HTX này sản xuất theo chuẩn sạch cũng đang gặp tình trạng tương tự. Kênh bán hàng của cơ sở này chủ yếu thông qua các khách hàng quen biết từ trước đó, hiện thị trường của các sản phẩm hữu cơ từ đây vẫn chưa được mở rộng.
Đầu năm 2018, HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Quý thành lập và gia nhập Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT). Trước đó, nhóm nông dân gồm 12 thành viên đã có quá trình hơn 10 năm học và thử nghiệm kỹ thuật sản xuất hữu cơ trên cánh đồng xã Bình Quý. Không dùng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích, phân đạm, thay đổi giống, hướng dẫn nông dân tự làm phân bón từ các phụ phẩm nông nghiệp… là những điều mà AFT đã làm được cho nông dân Bình Quý. “Chúng tôi giúp người dân tạo nên hệ sinh thái ổn định trong nội bộ, để có được những gói gạo, củ gừng, củ cải... theo chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt, việc áp dụng không dùng thuốc diệt cỏ đến khống chế như thế nào cho ổn định, cũng phải mất thời gian khá dài” - bà Lưu Thị Hồng Tưởng - Phó Chủ tịch AFT, cho biết.
Ông Nguyễn Trường Sơn nói, AFT đã tạo cơ hội để HTX tham gia 2 hội chợ tại TP. Hồ Chí Minh, và việc HTX gia nhập AFT để mong được hỗ trợ tinh thần và đầu ra cho sản phẩm. Hiện tại khi đã ổn định ở khâu sản xuất, thì người dân lại đang loay hoay về đầu ra của sản phẩm. “Chúng tôi cần có đơn đặt hàng để nông dân yên tâm sản xuất. Vì quy trình làm hữu cơ khá khắc nghiệt, một khi sản phẩm tồn gây ra nhiều khó khăn” - ông Nguyễn Trường Sơn nói thêm. Gặp tình trạng tương tự như vậy là nông dân các xã vùng đông của thị xã Điện Bàn. Thông tin từ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp thị xã Điện Bàn, mặc dù nông dân sản xuất rau quả theo quy trình an toàn nhưng chưa được các cơ quan chức năng công nhận nên giá bán chưa tương xứng với sản phẩm làm ra; người dân phải tự tìm nguồn tiêu thụ cho sản phẩm...
Cần kênh kết nối
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thẳng thắn nhìn nhận về việc xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản tại Quảng Nam vẫn còn rời rạc, thiếu sự liên kết giữa các ngành nông nghiệp, công thương, kế hoạch đầu tư… Không riêng với HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Quý, các nông sản sạch dù đã tham gia vào mô hình sản xuất theo chuỗi, nhưng để có một thị trường ổn định cho thực phẩm sạch vẫn là một nút thắt chưa thể tháo gỡ. “Nói rộng ra thì tư tưởng thị trường với nông dân vẫn còn mờ nhạt. Ngay cả với những HTX, tổ hợp tác, vẫn chưa nghĩ đến việc chế biến sâu. Có tình trạng còn bằng lòng với mức tiêu thụ hiện tại, không muốn mở rộng thị trường vì sợ không đủ nông sản để cung ứng. Việc dán nhãn hiệu rồi xây dựng thương hiệu còn chưa được chú trọng” - ông Muộn nói. Giải pháp được ngành nông nghiệp đưa ra trong thời gian tới nhằm tìm kiếm đầu ra cho nông sản sạch và nông sản hữu cơ là triển khai thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tổ chức các điểm trưng bày, chợ đầu mối chuyên buôn bán các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, VietGAP, hữu cơ, nông sản sạch, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm này.
Trong khi đó, tuy không gặp khó ở khâu tìm kiếm đầu ra, nhưng việc cạnh tranh giữa thực phẩm, nông sản sạch với các nông sản được sản xuất đại trà cũng là vấn đề với mô hình sản xuất hữu cơ. Anh Huỳnh Đức Tường - Giám đốc HTX Thực phẩm sạch Phú Ninh chia sẻ, làm sao để người tiêu dùng phân biệt được thực phẩm sạch với thực phẩm sản xuất không đạt tiêu chuẩn phải cần đến việc truy xuất nguồn gốc từ cơ quan quản lý thị trường. Quy hoạch nông nghiệp tại Quảng Nam vẫn chưa thật rõ ràng, trong khi đó khâu kết nối giữa doanh nghiệp tiêu thụ và đơn vị cung ứng là nông dân còn mờ nhạt, khiến câu chuyện tồn kho của nông sản hữu cơ như HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Quý đang gặp không phải là chuyện hiếm. Về lâu dài, nông dân lẫn doanh nghiệp nông nghiệp cần một kênh kết nối hiệu quả từ địa phương...
XUÂN HIỀN