Tìm đường cho tơ lụa Việt

SONG ANH - PHƯƠNG GIANG 13/06/2017 08:54

Hướng nào để tìm kiếm cơ hội cho các làng nghề dệt lụa và thổ cẩm Việt Nam? Thế giới sẽ mở ra những câu chuyện gì để phát triển ngành tơ lụa thủ công và tơ lụa công nghiệp? Festival Văn hóa Tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam - Châu Á năm 2017 tổ chức tại Làng lụa Hội An đang chứng kiến nhiều nỗ lực để đánh thức những câu chuyện này…

  • FESTIVAL DI SẢN QUẢNG NAM LẦN THỨ VI - 2017
Các đại biểu tham dự Festival Văn hóa tơ lụa và thổ cẩm tổ chức cuộc gặp gỡ để bàn luận về hướng phát triển của sản phẩm.  Ảnh: LÊ QUÂN
Các đại biểu tham dự Festival Văn hóa tơ lụa và thổ cẩm tổ chức cuộc gặp gỡ để bàn luận về hướng phát triển của sản phẩm. Ảnh: LÊ QUÂN

Thoát khỏi sự định vị

Lý do gì làm cho khách nước ngoài mua lụa của Hội An? Ông Fumio Kato, chuyên gia về trạm dừng nghỉ và phát triển du lịch kết hợp nông nghiệp của Nhật Bản, mở đầu câu chuyện bằng một câu hỏi và trả lời bằng một thực trạng rất đáng nghĩ. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng khách nước ngoài đến mua lụa của các bạn, không hẳn vì trên sản phẩm ghi là lụa 100%. Bởi, theo lời các chuyên gia, lụa 100% rất ít và không tốt về tính cơ lý để sử dụng. Khách nước ngoài mua, hầu hết vì giá cả. So với một sản phẩm tương tự ở những nơi khác, lụa ở Hội An rẻ hơn. Thiết kế thì chưa tới, chất lượng thì trung bình,  tôi nghĩ họ mua vì cái gì cũng chưa hài lòng lắm, nhưng thôi, vì nó rẻ. Đó, tôi nghĩ là các bạn phải làm sao để thoát khỏi định vị đó của mình, cái tư duy về câu chuyện giá cả”. Ông Fumio Kato cũng chia sẻ rằng, mọi người hay kháo nhau về chất lượng của lụa Mã Châu. Theo ông, đây cũng là một điều rất đáng để nghĩ. Ông Kato dẫn ra một câu chuyện, là ở Bảo tàng Mỹ thuật Prada của Tây Ban Nha - nơi được đánh giá là bảo tàng hàng đầu thế giới lại có bày bán một dòng lụa của Thái, vì họ có thương hiệu. “Các bạn hãy nghĩ, một khi làm được thương hiệu tốt, các bạn có thể bán sản phẩm của mình ở những nơi tưởng chừng không thể với một mức giá xứng đáng. Nếu các bạn đẩy mạnh được thiết kế sản phẩm và tạo được thương hiệu tốt thì lụa Việt có thể cất cánh” - ông Kato chia sẻ.

Thương hiệu cũng chính là câu chuyện các doanh nghiệp tìm đến ngành lụa thủ công mong muốn xác lập cho mình. Nhưng đó không phải điều dễ dàng. Bà Lương Thanh Hạnh - Giám đốc HANH SILK - phát triển từ sản phẩm của làng dệt đũi Nam Cao (tỉnh Thái Bình) chia sẻ, trên hành trình lập nghiệp của bà đã nhiều phen lao đao vì phải giải quyết các vấn đề về nguyên liệu sản xuất, sự độc đáo của mẫu mã, và trên hết là tay nghề người thợ. Còn ông Hồ Viết Lý - Giám đốc Công ty Dệt may Toàn Thịnh, người xây dựng nên thương hiệu “lụa Lý” chia sẻ, phải xác định rằng lụa sẽ phù hợp với dòng thời trang nào, để từ đó có cách tính toán phù hợp về đường đi nước bước cũng như giá cả của mình. Không thể cào bằng như bất cứ sản phẩm vải vóc nào cũng gọi tên bằng lụa Việt để “đánh lừa” thiên hạ nhằm chỉ bán cho du lịch với đủ mọi mức giá, đó chính là cách “tự giết” nghề của mình.

Tơ lụa truyền thống của Việt Nam làm cách nào để vươn đến thị trường thế giới? Vấn đề này không còn là một chuyện viển vông, khi ngày càng có nhiều chiến lược phát triển dành cho ngành hàng này. Theo ông Dilip Barooah - Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa châu Á, hãy làm sao để sử dụng tốt nhất các nguồn nguyên liệu trong nước cũng như việc sẵn sàng đáp ứng nhu cầu may mặc của thị trường. Với lụa Việt Nam, càng cần phải có nhiều hơn những chiến lược phát triển sát sườn, đó là gắn lợi ích với người trực tiếp làm ra lụa, xây dựng thương hiệu và giữ chất lượng sản phẩm. “Ở ngành tơ lụa Ấn Độ, chúng tôi đang thực hiện các chiến lược hướng đến giảm nhập khẩu, duy trì sản xuất một số giống dâu tằm độc đáo như Eri, Tassar và Muga, khai thác tối ưu các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà vẫn đảm bảo cân bằng sinh thái” - ông Barooch nói.

Liên kết để bền vững

Trong khi đó, ở góc độ người làm nghề, các nghệ nhân làng nghề vẫn đang cố “gồng gánh” để sản phẩm của mình bán được, chưa nói đến chuyện bán chạy. Một câu chuyện khác cũng đáng nghĩ không kém chuyện lụa Việt được định vị bằng “giá rẻ”, khi sản phẩm thổ cẩm làng dệt Zara của đồng bào Cơ Tu mang ra thị trường bị trả về. Chị Nguyễn Thị Kim Lan - Chủ nhiệm Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Zara nói rằng, chưa bao giờ phải vất vả tìm thị trường cho thổ cẩm như hiện tại, khi hàng loạt sản phẩm na ná thổ cẩm Cơ Tu tràn ngập thị trường. “Giá của thổ cẩm truyền thống đồng bào mình không thể rẻ được, vì từ nguyên liệu đến ngày công của người thợ dệt, mình phải tính toán để ra giá cho phù hợp. Nhưng vì thiết kế không đa dạng, thiếu người hướng dẫn để tạo nên những mẫu mã mới, thổ cẩm của Zara bị nhiều cửa hàng đẩy trả vì không bán được. Từ năm 2000 đến nay, vẫn chưa mạnh dạn nói rằng đồng bào mình dệt thổ cẩm mà sống được” - chị Lan chia sẻ. Suy nghĩ này gặp đúng ý hướng của ông Fumio Kato, khi cho rằng nếu người làm nghề truyền thống không thể sống được với sản phẩm của họ thì làm sao để họ làm nên sản phẩm chất lượng tốt. “Người làm ra lụa phải sống đã, làm sao để họ không phải chết dần. Nghệ nhân già chết đi thì đám trẻ có theo nghề không? Phải có các lớp nghệ nhân kế cận, bằng một cách rất dễ nhưng cũng rất khó: làng nghề bán được hàng. Nhiệm vụ cấp bách là thay đổi theo cách nào mà cuộc sống đang cần, nhu cầu thị trường đang cần nhưng vẫn giữ cái riêng của mình, phục vụ thị trường một cách thông minh và dài hạn, không chạy theo lợi nhuận ngắn hạn - chính cách này sẽ giết chết các sản phẩm truyền thống và người làm nghề” - ông Kato nói.

Trưng bày sản phẩm tơ lụa tại festval. Ảnh T.CÔNG
Trưng bày sản phẩm tơ lụa tại festval. Ảnh T.CÔNG

Ngành nghề truyền thống có những giá trị riêng. Linh hồn của văn hóa truyền thống sẽ làm nên những cảm hứng cho một nền kinh tế bền vững lâu dài. Tính đến cơ hội kết nối để ngành lụa phát triển là điều được đề cập nhiều nhất. Cũng như làm gì để xác định đặc trưng của lụa Hội An cũng như lụa Việt, cái gì sẽ là điều hay cho sản phẩm vải vóc của Việt Nam. Đại diện các hiệp hội tơ lụa châu Á, Mê Kông hay Thái Lan đều cho rằng, mẫu mã thiết kế của lụa Việt sẽ gặp đối thủ Trung Quốc, chất lượng gặp sự cạnh tranh từ Nhật. Vậy nên một sự liên kết là điều tất yếu trong xu thế toàn cầu. Theo ông Fei Jianming - Tổng thư ký Hiệp hội Tơ lụa thế giới, hợp tác cùng phát triển chính là tinh thần nhân văn của “con đường tơ lụa”. Sự phát triển kinh tế tự do và thương mại công bằng sẽ mang lại một diện mạo mới cho ngành lụa các quốc gia. “Hiệp hội Tơ lụa thế giới đang hướng đến việc thành lập các hội đồng chuyên nghiệp về lịch sử và văn hóa tơ lụa, thiết kế thời trang kỹ thuật và thương mại. Mỗi hội đồng sẽ bao gồm các chuyên gia và doanh nhân từ nhiều quốc gia nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế, thắt chặt quan hệ truyền thông và giao lưu giữa các quốc gia, tối đa hóa vai trò các nguồn lực chất lượng cao” - ông Fei Jianming nói.

Mở ra một con đường mới theo xu thế liên kết toàn cầu được hứa hẹn sẽ làm nên một hành trình mới cho ngành tơ lụa Việt và các nước châu Á…

SONG ANH - PHƯƠNG GIANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm đường cho tơ lụa Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO