Tìm đường sống cho âm nhạc

SONG ANH (thực hiện) 21/12/2014 07:10

Lan man từ câu chuyện dân ca Quảng Nam đến những sáng tác của các nhạc sĩ xứ Quảng đương đại, bất chợt nhạc sĩ Trọng Đài chùng giọng, như nói với chính mình: “Đã đến lúc âm nhạc tìm đường sống cho mình, kể cả vốn âm nhạc truyền thống địa phương”…

Nhạc sĩ Trọng Đài.
Nhạc sĩ Trọng Đài.

Người nhạc sĩ của “Chị tôi” khẳng định chắc nịch rằng, dân ca Quảng Nam quá phong phú, đa dạng, và nếu người nhạc sĩ biết lấy đây làm chất liệu trong tác phẩm của mình, thì đó chắc chắn là những tác phẩm hay.

“Đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nên mình phải nắm và nghe về thông tin âm nhạc, hoạt động của các địa phương qua các báo cáo hoặc các Liên hoan âm nhạc khu vực. Với âm nhạc Quảng Nam, đặc thù là cái nôi dân ca cùng bản sắc văn hóa dày dặn ở khu vực miền Trung. Cả nước ai nói đến xứ Quảng thì nghĩ đến Quảng Nam, chứ không ai nói là Quảng Ninh, Quảng Bình… Nói vậy để thấy ngay cả ở lĩnh vực nghệ thuật như âm nhạc, các bạn đã tạo cho mình bản sắc riêng, từ trong vốn âm nhạc dân gian truyền thống. Dân ca Quảng Nam phong phú, đa dạng, việc kế thừa và phát triển sẽ rất hay. Ở các cuộc thi âm nhạc quốc tế, tác phẩm mang ra thế giới đều gắn với cội nguồn. Người ta rất coi trọng và luôn để tâm đến các tác phẩm âm nhạc có bước đi kế thừa âm nhạc truyền thống. Tôi có thể kể ra một số tên tuổi các nhạc sĩ ghi dấu ấn trong lòng công chúng, và bạn để ý, họ đều dùng chất liệu từ âm nhạc dân gian truyền thống, từ nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Vũ Đức Sao Biển hay nhạc sĩ Từ Huy. Sau thế hệ tôi, ở Quảng Nam có thêm anh Trần Quế Sơn, cũng khá mạnh trong việc ứng dụng chất liệu dân ca trong sáng tác của mình” - nhạc sĩ Trọng Đài chia sẻ.

Liệu việc bảo tồn vốn âm nhạc truyền thống lâu nay riêng ở xứ Quảng, theo ông như vậy đã phát huy hết giá trị của nguồn lực này?

Nhạc sĩ Trọng Đài (sinh năm 1958), hiện là Giám đốc Hệ Âm nhạc – Thông tin – Giải trí VOV3 của Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông được biết đến với nhiều nhạc phẩm nổi tiếng như Hà Nội đêm trở gió (lời Chu Lai), Chị tôi (thơ Đoàn Thị Tảo)…, ngoài ra ông còn có trên 40 ca khúc sáng tác cho phim như Tiễn biệt những ngày buồn; Đất và Người; Chuyện phố phường; Mùa lá rụng… Bên cạnh đó nhạc sĩ Trọng Đài còn dành nhiều tâm sức cho lĩnh vực khí nhạc với hàng trăm tác phẩm viết cho độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc cổ truyền, nhạc cụ châu Âu như “Giao hưởng số 1 (1989); Ký ức 75 (1995); Tiếng rao (2003); Giao hưởng Điện Biên (2004); Hòa tấu “Ngẫu hứng phố (2011)… Ông từng giành giải Nhì trong cuộc thi quốc gia về sáng tác cho nhạc cụ dân tộc cổ truyền năm 1992 (không có giải Nhất).

Với dân ca mang tính chất bảo tồn, theo tôi biết, ở Quảng Nam có hai đơn vị đang phát triển bằng vốn âm nhạc cổ truyền, là Đoàn Ca kịch Quảng Nam và Trung tâm Văn hóa Hội An. Hội An thì có vẻ nhộn nhịp hơn, vì liên quan tới du lịch, điều kiện quảng bá, tiếp xúc và giới thiệu cũng nhiều hơn. Đoàn Ca kịch Quảng Nam thực tế ra gặp nhiều thiệt thòi, vì nhiệm vụ là dựng những vở kịch sân khấu, ca kịch bài chòi, rồi mới mang đi lưu diễn ở các địa phương. Những vở lớn với thời lượng và chất lượng đòi hỏi cao hơn là những hoạt cảnh ngắn phục vụ du lịch, tuy nhiên hoạt cảnh thì lại được chú ý và được nhiều người nhớ, biết đến nhiều hơn. Tuy nhiên, đứng về mặt nghiệp vụ, thì Đoàn Ca kịch Quảng Nam mới là đoàn hoạt động chuyên nghiệp, bên kia chỉ là công cụ của trung tâm văn hóa. Phân tích cả một dải từ Huế trở vào, sang đến Bình Định, Phú Yên, thì mới thấy được sức sống của dân ca không thể mất, những đoàn như Ca kịch Quảng Nam tất nhiên không mất đâu, nhưng phải làm thế nào để họ sống tốt, sống được bằng nghề. Anh em nghệ sĩ ở đây cũng chạnh lòng là cứ xa quê thì thành đạt, mà ở đây thì lại mờ nhạt, chật vật. Đó cũng là điều đáng suy nghĩ. Tôi nghĩ, không phải mang tính hình thức đâu, nhưng có lẽ Quảng Nam nên thành lập Nhà hát dân ca Quảng Nam, phát triển từ Đoàn Ca kịch, để nâng tầm tiếng nói nghệ thuật của mình. Ở quy mô nhà hát, sự đầu tư, đào tạo ở một hình thức khác.

Với riêng lực lượng sáng tác trẻ ở Quảng Nam, ông nhận xét thế nào?

Ở các Liên hoan âm nhạc khu vực, tôi vẫn hay nghe các ca khúc của khá nhiều anh nhạc sĩ ở địa phương. Nhìn chung lớp nhạc sĩ ở Quảng Nam hiện tại được đào tạo bài bản từ những trường, lớp của Nhạc viện, Học viện Âm nhạc Huế, nhiều người trưởng thành từ các phong trào sinh viên, địa phương… Các sáng tác trẻ ở Quảng Nam hiện nay đều ảnh hưởng từ phía sáng tác của Đà Nẵng, nghĩa là các nhạc sĩ đều đi theo phong cách trẻ, điều này có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân hiện đại.

Tuy nhiên, vẫn có cảm giác, ngay cả với những ca khúc địa phương, còn nhợt nhạt, chưa tạo được dấu ấn trong lòng công chúng…?

Đây là một câu hỏi mang tính chất đánh giá lại vừa như một lời thách thức. Đây là một dấu hỏi không riêng gì với Quảng Nam, ở một số nơi cũng thế. Bây giờ các ca khúc đi sâu vào mang tính sinh hoạt nhiều hơn, lại thêm thông tin truyền thông rất đa chiều. Người hoạt động âm nhạc có nhiều sự lựa chọn, lại sinh ra rất nhiều trào lưu. Công chúng, và cả nhiều nhạc sĩ, thường nhầm tưởng những chương trình âm nhạc trên sóng truyền hình quốc gia là kiểu mẫu, chuẩn mực và mình phải theo. Tuy nhiên, những người trong nghề như chúng tôi chỉ nghĩ đây là một sân chơi, một cuộc giải trí. Không phải là một lời khuyên, nhưng mình nghĩ, với các nhạc sĩ trẻ ở địa phương, cần phải tự vận động. Trong sáng tác, tự vận động là lẽ dĩ nhiên. Thông qua các hoạt động xã hội của tỉnh, quảng bá của các đoàn nghệ thuật cộng thêm các hãng băng đĩa, người nhạc sĩ trẻ có thể mang tác phẩm mình đến gần hơn công chúng từ những kênh như vậy. Nó sẽ tạo một cái đà để người nhạc sĩ trẻ trưởng thành hơn.

Vài năm trở lại đây, Hội An bắt đầu xuất hiện vài nhóm âm nhạc đường phố với các nhạc cụ cổ truyền. Có thể coi đây là một kênh tiếp cận mới của âm nhạc?

Nhạc truyền thống ra với đường phố là một mô hình quen thuộc của quốc tế. Hội An học hỏi được điều này và làm rất hay, phù hợp. Điều kiện, không gian thì người Hội An, người Quảng Nam có đủ đầy. Phương Tây ngoài nhạc cụ dân tộc còn chơi nhiều loại hình hiện đại. Ngay cả ở tàu điện ngầm vẫn chơi đánh nhạc cổ điển. Đã đến lúc, âm nhạc bằng nhiều hướng khác nhau tìm lối thoát cho mình. Không thể cứ đóng khung mình ở nhà hát, ở các không gian sang trọng. Âm nhạc dân gian không phải lúc nào cũng tổ chức được những lễ nghi diễn xướng. Tây Nguyên không thể đợi tới đêm diễn khan mới nghe được tiếng cồng chiêng, nhạc hay sử thi. Việc đổ ra đường phố là điều tất yếu. Tuy nhiên, nó lại nảy ra vấn đề khi đứng trước quá đông công chúng như vậy, tính chân xác sẽ không còn, buộc người tiếp nhận phải có tính chọn lọc, chứ không dễ bị lệch chuẩn.

Vốn âm nhạc dân gian Quảng Nam, ngoài những làn điệu của dân ca bài chòi, còn có một lượng âm nhạc miền núi khá phong phú. Theo nhạc sĩ, có cách nào để có thể tận dụng, hoặc ít ra cũng bảo lưu được “những viên ngọc quý” này?

Tôi nghĩ phải giành thế chủ động. Nói thì nghe có vẻ to lớn, nhưng thực ra, trước khi đợi các dự án sưu tầm, bảo tồn âm nhạc truyền thống, đặc biệt là âm nhạc miền núi từ phía Viện Âm nhạc, hay Bộ VH-TT&DL, thì phía tỉnh, cùng những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, các bạn làm văn hóa cơ sở, phải tự mình chủ động có những động thái về công tác sưu tầm trước đã. Anh Tô Ngọc Thanh, người nhạc sĩ một đời tâm đức với văn hóa dân gian, từng cảnh tỉnh sự mất mát của vốn dân gian bởi các nghệ nhân già đang dần mất đi. Điều đầu tiên cần phải làm ngay, với âm nhạc, là ghi âm, viết lại lời nhạc, học lại nghệ thuật diễn xướng từ chính những con người này. Điều thứ hai là đào tạo. Bên cạnh đó, sự tương hỗ giữa các loại hình nghệ thuật, như văn học, hội họa, điêu khắc… sẽ giúp cho âm nhạc có những chất liệu truyền thống, nếu họ cùng vào tâm ý hướng tới bảo tồn các giá trị truyền thống.

Cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trò chuyện này.

SONG ANH (thực hiện)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm đường sống cho âm nhạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO