Tìm giải pháp bảo vệ môi trường biển

TRẦN HỮU 08/09/2015 08:43

Vùng bờ biển đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do sức ép của phát triển kinh tế và tác động xấu của con người. Cuộc hội thảo do Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Quảng Nam tổ chức cuối tuần qua nhằm tìm ra giải pháp trả lại môi trường xanh - sạch cho biển.

Lo ngại ô nhiễm

“Dự cảm” được tương lai không mấy sáng sủa về môi trường sinh thái biển trước sự can thiệp thô bạo của con người, cộng với bất cập trong cơ chế quản lý, hơn 3 năm trước, Quảng Nam đã báo cáo lên Bộ Tài nguyên - môi trường về những dấu hiệu bất thường của môi trường biển đe dọa con đường phát triển bền vững. Gần đây, Tỉnh ủy cũng có nghị quyết, chương trình hành động về bảo vệ môi trường biển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, mức độ tàn phá môi trường biển ngày thêm nghiêm trọng. Tại xã Tam Tiến (Núi Thành) - nơi có nguồn lợi thủy hải sản phong phú, đã và đang bị “bức tử” bởi không gian bờ biển và ô nhiễm môi trường nước mặt. Trong khi sản lượng khai thác thủy sản tăng mỗi năm thì chất lượng môi trường lại giảm sút. Điều này cho thấy sự mất cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Mức độ ô nhiễm thậm chí vượt tầm kiểm soát của chính quyền địa phương.

Nuôi tôm lót bạt trên cát tác động xấu đến môi trường biển. Ảnh: TR.HỮU
Nuôi tôm lót bạt trên cát tác động xấu đến môi trường biển. Ảnh: TR.HỮU

Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến - ông Nguyễn Xuân Luận nhìn nhận, biển ô nhiễm chủ yếu từ rác thải sinh hoạt, chất thải từ làng nghề chế biến nước mắm, các cơ sở chế biến hải sản… Đặc biệt, hệ lụy nuôi tôm lót bạt trên cát ngoài biến dạng địa hình, triệt hạ rừng cây chắn sóng còn làm cho nguồn nước nhiễm bẩn. Còn Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) đánh giá, ô nhiễm từ nguồn nước sinh hoạt và sản xuất, chất thải chăn nuôi xả trực tiếp xuống sông, biển làm mất vệ sinh môi trường. Trên địa bàn xã Tam Tiến, phổ biến việc ngư dân khai thác bằng dụng cụ giã cào, nghề pha xúc ven biển… dễ dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản gần bờ. Đồng quan điểm, ông Trần Quang Kiến, đại diện cho Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cho rằng, khai thác hải sản bằng nghề giã cào là hình thức tận diệt sinh thái biển. Theo quy định, phương tiện có công suất máy từ 20CV đến dưới 90CV thì khai thác hải sản tại vùng lộng và vùng khơi, tuyệt đối không được khai thác vùng ven bờ. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư cho hoạt động khai thác gần bờ thấp, chuyến ra khơi ngắn ngày nên chủ phương tiện vẫn bất chấp hoạt động trái phép, trong khi đó các cơ quan chức năng gần như không đủ lực lượng để kiểm tra, xử lý.

Quan trắc một số khu vực vùng biển gần đây của ngành chức năng cho thấy, kim loại sắt và dầu mỡ khoáng tại cảng Kỳ Hà (Núi Thành) có thời điểm vượt giới hạn cho phép. Nguyên nhân xác định là khu vực cảng biển, cửa sông có các phương tiện giao thông thủy hoạt động, đậu đỗ có khả năng bị ăn mòn hòa tan vào môi trường, dầu mỡ chảy tràn từ các phương tiện này bị cuốn trôi vào nguồn nước biển. Kim loại sắt tại hầu hết bãi tắm và dầu mỡ khoáng tại hai điểm lấy mẫu Cửa Đại (TP.Hội An), xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) vượt giới hạn cho phép vào một số đợt quan trắc.

Đi tìm giải pháp

Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, mặc dù Nhà nước đã có hành lang pháp lý kiểm soát khai thác theo hình thức hủy diệt môi trường, song thực tế không đem lại kết quả như mong đợi. Cho nên, về lâu dài phải ổn định đời sống cho ngư dân ven biển, trong đó ưu tiên sắp xếp, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề phù hợp, kiểm soát chặt chẽ số lượng phương tiện làm nghề già cào, pha xúc bằng cách không cho đóng mới, sang tên, sửa chữa, cải hoán tàu làm nghề này. Cạnh đó, vận động nhóm ngư dân làm nghề lưới kéo chuyển sang ngành nghề khác như câu, lưới vây, lưới rê… Từ năm 2011, chính quyền xã Tam Tiến đã xây dựng phương án thu gom rác thải thí điểm tại 4 thôn Lộc Đông, Bình Phú, Hà Quang và Phước Lộc. Đến năm 2013, mở rộng các thôn của xã phân loại rác thải nguy hại. Ông Nguyễn Xuân Luận - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến đề nghị, các ngành chức năng cần sớm triển khai dự án điều tra cơ bản về hiện trạng môi trường và nguy cơ gây ô nhiễm trong chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, giết mổ gia súc… làm cơ sở để xây dựng chính sách quản lý hợp lý. “Phải đánh giá về tác động môi trường của hoạt động nuôi trồng thủy sản đến môi trường chung quanh, đặc biệt  sông Tam Kỳ, Trường Giang ảnh hưởng đến môi trường biển ở mức độ nào” - ông Luận nêu vấn đề.

Trong khi đó, các nhà khoa học cho rằng, về lâu dài cần phủ xanh rừng phòng hộ ven biển và lưu vực sông Trường Giang. Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, lồng ghép các giải pháp biến đổi khí hậu trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế theo từng giai đoạn. Cốt yếu đẩy mạnh công tác xã hội hóa về môi trường, huy động các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội vào cuộc bảo vệ môi trường biển, làm kinh tế từ môi trường… Hiện nay, Bộ Tài nguyên - môi trường đang giúp các địa phương ven biển có kế hoạch lồng ghép, quản lý tổng hợp biển, đảo; hỗ trợ cộng đồng tham gia quá trình quản lý, bảo vệ biển; đánh giá các tác nhân, yếu tố gây ô nhiễm vùng bờ và đề xuất các giải pháp.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm giải pháp bảo vệ môi trường biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO