Tìm giải pháp cho ngành chế biến gỗ

TRẦN HỮU 10/08/2018 07:41

Giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ có xu hướng tăng, nhưng ngành công nghiệp chế biến ở Quảng Nam vẫn đang gặp khó khăn trong tìm kiếm nguyên liệu đầu vào và hạn chế trong quy mô sản xuất.

Doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu gặp khó khăn trong nguyên liệu đầu vào. TRONG ẢNH: Nhà máy chế biến gỗ MDF tại thôn Nam An Sơn (xã Quế Thọ, Hiệp Đức) của Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam. Ảnh: T.H
Doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu gặp khó khăn trong nguyên liệu đầu vào. TRONG ẢNH: Nhà máy chế biến gỗ MDF tại thôn Nam An Sơn (xã Quế Thọ, Hiệp Đức) của Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam. Ảnh: T.H

Tại hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu” vừa diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, 10 năm tới, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.

Hạn chế xuất khẩu gỗ thô

Nhiều năm qua, số lượng doanh nghiệp và quy mô sản xuất chế biến gỗ phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh vẫn không có nhiều thay đổi. Vẫn là những “gương mặt” quen thuộc trong ngành gỗ như Công ty CP Cẩm Hà (TP.Hội An) mỗi năm xuất khẩu trên dưới 2 triệu USD, Công ty CP Lâm đặc sản Quảng Nam xuất khẩu hơn 500 nghìn USD các sản phẩm gia dụng, mỹ nghệ thủ công từ gỗ. Còn Công ty CP Lâm sản Pisico Quảng Nam (trụ sở đóng tại Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp xã Tam Nghĩa, Núi Thành), xuất khẩu qua Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc  hơn 10.000 tấn dăm gỗ. Công ty CP Minh Dương (đóng ở Khu công nghiệp Bắc Chu Lai) xuất khẩu đồ gỗ gia dụng. Ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ tuy mở rộng, đa dạng thị trường nhưng giá trị xuất khẩu tăng không đáng kể. Từ đầu năm đến nay, sản lượng gỗ khai thác trên địa bàn tỉnh ước đạt 607 nghìn mét khối, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2017. Bất cập lớn nhất là các doanh nghiệp thường nhập hơn 30% lượng gỗ từ nước ngoài để phục vụ chế biến, xuất khẩu do nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của quốc tế. Chất lượng gỗ nguyên liệu khai thác từ rừng trồng trong nước còn thấp do rừng khai thác sớm ở tuổi non, gỗ có đường kính nhỏ. Mặc dù khối lượng gỗ khai thác từ rừng trồng lớn nhưng số lượng dùng để chế biến đồ gỗ nội, ngoại thất còn hạn chế.

Nguồn gỗ của tỉnh phục vụ chủ yếu cho chế biến giấy, ván ép, gia công dân dụng, đồ gỗ mỹ nghệ... Để hạn chế xuất khẩu gỗ thô, Quảng Nam chủ trương chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 19.000ha rừng trồng gỗ lớn phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng, thời gian đến sẽ tập trung trồng các loài cây như keo lai, keo lá tràm, bạch đàn,  sao đen, giổi, lim xanh.... Chú trọng giống keo nuôi cấy mô, bạch đàn lai đã được Viện Khoa học lâm nghiệp nghiên cứu thành công và phù hợp trồng rừng gỗ lớn. Riêng các huyện Nam Giang, Đông Giang, Bắc Trà My, Tiên Phước và Hiệp Đức có tầng đất dày và hàm lượng mùn trong đất nhiều, nên trồng các loài cây bản địa như sao đen, giổi, lim xanh...

Chủ động nguồn nguyên liệu

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, xuất khẩu lâm sản, đặc biệt là mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đạt mức tăng trưởng bình quân 13%/năm trong giai đoạn 2010 - 2017 và đạt 8,032 tỷ USD vào năm 2017, tăng 10,2% so với năm 2016.

Ngành lâm nghiệp đã có phương án triển khai tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài chậm phát triển. Chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu gặp rào cản từ công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; vướng mắc về tín dụng, công nghệ, thị trường. Ngoài quyết liệt phát triển cánh rừng gỗ lớn, các giải pháp tăng cường liên kết giữa các khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản; liên kết giữa doanh nghiệp với người dân... thì cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực chế biến gỗ - lâm sản. Nhiều năm qua, các địa phương miền núi và trung du từ chối đầu tư các nhà máy chế biến gỗ thô mà kêu gọi chế biến sâu lâm sản. Năm 2017, Quảng Nam xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ đạt hơn 13 triệu USD.

Có thế mạnh về kinh tế rừng nhưng nhiều nơi lại nhập khẩu gỗ để chế biến. Như Công ty CP Cẩm Hà, Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam, Công ty CP Gỗ Minh Dương Chu Lai... phải nhập khẩu ít nhất 40% nguồn nguyên liệu gỗ nước ngoài để chế biến, xuất khẩu. Theo lộ trình kinh doanh, Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam có nhà máy tại xã Quế Thọ (Hiệp Đức) sẽ hướng xuất khẩu sản phẩm gỗ đã qua chế biến ra thị trường nước ngoài, nhưng do nguồn nguyên liệu gỗ chưa đáp ứng nên kế hoạch triển khai chậm.

Về giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến gỗ, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, ngành lâm nghiệp sẽ điều chỉnh cơ cấu sản phẩm gỗ xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng giá trị sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu được trồng trong nước, phát triển hài hòa cả sản xuất đồ gỗ ngoại thất, nội thất, hạn chế tối đa xuất khẩu sản phẩm thô. Thêm vào đó, phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm gỗ xuất khẩu thông qua việc xây dựng các chương trình quảng bá về gỗ Việt Nam với vị thế là quốc gia cung cấp sản phẩm gỗ chất lượng cao, chế biến tinh xảo, tiện dụng và đặc biệt là sử dụng gỗ hợp pháp, bền vững ở các thị trường lớn. Tại Quảng Nam, ngành nông nghiệp đang xây dựng lộ trình phát triển rừng gỗ lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từ chọn, tạo giống, trồng, chăm sóc rừng.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm giải pháp cho ngành chế biến gỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO