Tìm giải pháp chống sạt lở bờ biển Cửa Đại

TRẦN HỮU 25/12/2014 08:32

Hôm qua 24.12, tại TP.Hội An, Sở Xây dựng và Trường Đại học Thủy lợi phối hợp tổ chức hội thảo đề xuất giải pháp khoa học công nghệ nhằm phòng chống sạt lở bờ biển phục vụ du lịch và phát triển bền vững khu vực Cửa Đại.

Bổ sung bùn cát

Có 11 báo cáo tham luận, tựu trung đề xuất cần nghiên cứu quá trình vận chuyển bùn cát và nguyên nhân xói lở, sử dụng kè lát mái, tham khảo vận dụng công trình bảo vệ mặt của Nhật Bản…

Theo PGS-TS. Vũ Thanh Ca, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam), qua tính toán cho thấy, dù chịu tác động của biến đổi khí hậu khoảng 20 năm qua, các điều kiện sóng, gió và hiện tượng nước biển dâng cao tại bờ biển Cửa Đại thay đổi không đáng kể. Nguyên nhân chính gây xói lở bờ biển Cửa Đại chủ yếu do thay đổi của cán cân bùn cát tại khu vực. Nguồn chính cung cấp cát cho vùng biển Hội An là hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn. Trên lưu vực sông này, có hơn chục nhà máy thủy điện đang xây dựng và đã đưa vào hoạt động trong 3 năm gần đây là tác nhân gia tăng đột biến về lượng bùn cát bồi lắng trong hồ. “Trong một năm nếu không có lượng cung cấp cát từ cửa sông, lượng vận chuyển bùn cát từ bắc xuống nam là 36.000m3/năm, trong khi lượng vận chuyển bùn cát từ nam lên bắc là 11.000m3/năm. Như vậy, lượng bùn cát thiếu hụt tới 25.000m3/năm do sông Thu Bồn đưa ra Cửa Đại để vận chuyển lên phía bắc vào mùa hè nhằm bù đắp lượng bùn cát bị mất đi. Vì ít lượng bùn cát do sông đưa ra nên xói lở càng nghiêm trọng” - TS. Vũ Thanh Ca nhận định.

Bờ biển khu vực Cửa Đại đang bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: T.H
Bờ biển khu vực Cửa Đại đang bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: T.H

Theo phân tích của các nhà khoa học, quá trình xói lở bờ biển Cửa Đại do kết hợp giữa dòng vận chuyển cát theo hướng vuông góc với bờ và dòng chuyển cát dọc bờ. Thông thường tại vùng biển này, xói lở nặng xảy ra vào mùa đông, khi đó trường sóng mạnh trong gió mùa đông bắc kết hợp với nước biển dâng ven bờ. Trong khi đó, với dự án “Nghiên cứu đê chắn sóng Cửa Đại”, lựa chọn tháng 7 đại diện cho mùa khô và tháng 11 đại diện cho mùa lũ năm 1998, tác giả Vũ Minh Cát đã chứng minh vào thời điểm gió mùa đông bắc, vận chuyển bùn cát tổng cộng có hướng từ bắc xuống nam với tổng lượng bùn cát được mang tới khu vực trước cửa sông khoảng 60.000 - 70.000m3/năm. Vào thời kỳ gió mùa đông bắc, bùn cát được vận chuyển theo hướng ngược lại với tổng lượng vận chuyển bùn cát khoảng 40.000m3/năm. Đồng quan điểm với PGS-TS. Vũ Thanh Ca, GS-TS. Hitoshi Tanaka, Trường Đại học Tohuku của Nhật Bản cho rằng, bờ biển Hội An xói do thượng nguồn quá nhiều các công trình thủy điện đã làm biến dạng dòng chảy của sông, làm thiếu hụt bùn cát với khối lượng lớn. “Do vậy, giải pháp mang tính bền vững là củng cố, bổ sung bùn cát. Nghiêm cấm mọi hình thức hút cát tại hạ du sông Thu Bồn và toàn bộ dải ven biển phục vụ bất cứ mục tiêu gì. Áp dụng công trình bảo vệ mặt như kinh nghiệm chống sạt lở của Nhật Bản” - GS-TS. Hitoshi TANAKA nói.

Kè cứng hay kè mềm?

Đánh giá hiện trạng các kè bảo vệ bờ biển Cửa Đại, các ý kiến đều nhìn nhận sức chống chịu rất yếu ớt, nguy cơ xé nát bờ biển rất cao. Tất cả kè đều bị sóng phá ngầm qua chân kè, công tác sửa chữa, bổ sung đá đổ vào chỗ sạt lở cũng chỉ là biện pháp nhất thời. Mặt khác, các chủ đầu tư không chịu thiết kế, xây dựng lại công trình mà nhân công trình bị phá hủy đã tranh thủ lấn thêm biển. Vùng biển Hội An chịu tác động chủ yếu của sóng hướng đông bắc, tập trung vào các tháng 9, 10, 11 hằng năm. Minh chứng là một phần công trình ở các khách sạn Victoria, khách sạn Golden Sand, khách sạn Sunrise, khu du lịch Đồng Dương … bị phá hỏng chủ yếu tập trung vào thời điểm mưa bão.

Đề xuất nuôi bãi phòng chống xói lở
Trong đề tài khoa học “Nghiên cứu nuôi bãi phòng chống xói lở, áp dụng cho bờ biển miền Trung”, PGS-TS. Trần Thanh Tùng (Khoa Kỹ thuật biển, Trường Đại học Thủy lợi) đưa ra căn cứ khoa học tính chất bùn cát hiện tại, chế độ thủy động lực ở khu vực miền Trung, nên ưu tiên giải pháp công trình kết hợp với nuôi bãi để giảm năng lượng sóng, giảm lượng bùn cát thất thoát, tái tạo nhanh bãi biển. Nuôi bãi dưới hình thức chuyển cát nhân tạo qua cửa và hệ thống bẫy bùn cát để hạn chế hiện tượng dịch chuyển, xói lở bờ biển hạ lưu, bồi lấp các bãi biển. Thực tế nhiều quốc gia trên thế giới đã vận dụng mô hình nuôi bãi nhân tạo thành công như Mỹ, Hà Lan, Đức, Nhật, Úc, Singapore… Tại Việt Nam, nuôi bãi, san lấp, cải tạo bãi tắm phục vụ du lịch mới triển khai ở Mũi Né (Bình Thuận).

Các nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài kiến nghị chính quyền tỉnh chỉ cho phép các doanh nghiệp phát triển du lịch ven bờ biển được xây kè bảo vệ khi bản thiết kế có đầy đủ cơ sở khoa học. Không nên xây công trình quá sát mép nước, bố trí diện tích cho xây dựng hệ thống đường đi bộ sát biển, nối thông giữa các resort. TS. Lê Đình Mầu - Viện Hải dương học Nha Trang cho rằng, khu vực bắc Cửa Đại cần thiết xây dựng liên tiếp hệ thống các kè phá sóng xa bờ (cách bờ tối thiểu 150m) và một kè chắn bồi tích tại gần mũi Cửa Đại. Còn ở nam Cửa Đại có thể xây dựng hệ thống kè bảo vệ dưới dạng tường đứng, hoặc đầu tư hệ thống kè phá sóng xa bờ nằm song song với bờ nam sông. “Nếu xây tường biển, điều đó có nghĩa cần kéo dài công trình kè bảo vệ bờ Duy Hải về phía mũi An Lương vừa tạo ra hệ thống đường ven biển nam Cửa Đại phục vụ phát triển du lịch, kinh tế. Muốn vậy, khi thiết kế xây dựng phải tính toán điều kiện thủy thạch động lực tại khu vực, đặc biệt trong các trường hợp thời tiết cực trị như bão và áp thấp nhiệt đới” - TS. Lê Đình Mầu phân tích. Ở dải ven bờ phía bắc Cửa Đại, nhiều ý kiến đề xuất tiếp tục trồng cây phòng hộ chống cát bay, xói lở, tạo cảnh quan đẹp.

Ông Nguyễn Phú – Giám đốc Sở Xây dựng, đề xuất Trường Đại học Thủy lợi tư vấn kỹ thuật, công nghệ khoa học. Trên cơ sở đóng góp của các nhà khoa học, ngành sẽ kiến nghị UBND tỉnh các giải pháp tổng thể đầu tư xây dựng chống sạt lở bờ biển Cửa Đại, các phương án xây kè chống sóng hay biện pháp phi công trình, mục tiêu cuối cùng giữ được vẻ đẹp tự nhiên của bãi biển Hội An. PGS-TS. Thiều Quang Tuấn (Trường Đại học Thủy lợi) đặt vấn đề, có nên xây kè kiên cố không vì nguồn vốn khổng lồ và chưa chắc giữ được chân kè lâu dài? Về giải pháp mềm, cần thiết phải nuôi dưỡng bãi, chuyển trả cát từ vùng này qua vùng khác, trồng rừng ngập mặn. Đê chắn sóng có thể thiết kế nổi, ngầm khi xác định nguyên nhân xói lở, giảm sóng bão, sóng gió mùa.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm giải pháp chống sạt lở bờ biển Cửa Đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO