Tìm giải pháp nâng tầm giá trị nông sản

NGUYỄN QUANG 26/09/2023 08:47

Liên kết sản xuất, chế biến rau, củ quả an toàn gắn với thị trường tiêu thụ; có cơ chế chính sách hỗ trợ thiết thực... là giải pháp để nâng tầm nông sản Quảng Nam.

Sản xuất rau quả trên địa bàn tỉnh cần tạo lối đi mới để xâm nhập sâu vào thị trường. Ảnh: Q.vIỆT
Sản xuất rau quả trên địa bàn tỉnh cần tạo lối đi mới để xâm nhập sâu vào thị trường. Ảnh: Q.vIỆT

Giá trị thấp vì nhỏ lẻ

Nông dân ở làng rau Trường Xuân (Tam Kỳ) luôn bận rộn với các công đoạn canh tác để cung ứng rau ra thị trường. Ông Phạm Tổng (khối phố Xuân Bắc, phường Trường Xuân) cho biết, trên diện tích 3 sào đất, mỗi ngày thu được khoảng 10kg rau sạch gồm xà lách, diếp cá, húng, quế, dền, rau lang, muống…; bán xong trừ chi phí còn lãi hơn 100 nghìn đồng. Đáng chú ý, trồng rau VietGAP tốn nhiều công sức, rau chất lượng nhưng bán lẻ ở một số chợ truyền thống giá trị kinh tế thu được chưa cao.

“Lúc trước tôi nghe nói xúc tiến rau sạch để đưa vào bán ở siêu thị Co.opMart Tam Kỳ được giá hơn nhưng không thành. Nguyên do cả làng chỉ trồng một số loại quen thuộc, không đáp ứng về đa dạng chủng loại rau của siêu thị” - ông Tổng nói.

Quảng Nam đang ưu tiên, bố trí nguồn lực để hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ về giao thông, thủy lợi, điện sản xuất cho các vùng sản xuất rau quả tập trung.

Trên cơ sở cơ chế hiện có, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tổ chức thực hiện các mô hình điểm canh tác rau quả ứng dụng công nghệ cao, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước và chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP. Củng cố 3 HTX sản xuất rau quả Bình Triều (Thăng Bình), Duy Phước (Duy Xuyên) và Đại An (Đại Lộc) nâng cấp hệ thống sơ chế, chế biến rau quả.

Nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh cho biết, thời gian qua giá vật tư nông nghiệp tăng cao nhưng hễ được sản lượng rau quả thì gặp ngay điệp khúc “được mùa mất giá”, lợi nhuận ít ỏi. Quảng Nam đã định hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn nhưng chưa khơi thông do tích tụ, tập trung ruộng đất còn nhiều lực cản.

Sản xuất nhỏ nên cơ giới hóa đồng ruộng gặp ách tắc, kéo theo khó ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp, một khi chi phí đầu vào khó giảm xuống thì hiển nhiên giá trị kinh tế thu được không cao.

Tại nhiều hội nghị trực tuyến về ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thẳng thắn rằng “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” là 3 từ khóa “lời nguyền” của ngành nông nghiệp.

Bước đi của sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 là tầm nhìn phát triển chiến lược, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy tăng giá trị. Phát triển hợp tác xã (HTX) là một trong những giải pháp phát triển rau quả. Bởi qua HTX, Nhà nước hỗ trợ đến người nông dân chứ không thể hỗ trợ trực tiếp cho từng nông hộ được.

Hướng đi phù hợp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, toàn tỉnh tập trung phát triển sản xuất rau, củ, quả an toàn (đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ hoặc các tiêu chuẩn của đối tác mua hàng qua thỏa thuận trước sản xuất) gắn với nhu cầu thị trường.

Quảng Nam thông qua HTX liên kết với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh rau, quả với lối đi là xây dựng thương hiệu, cấp, sử dụng mã số vùng trồng hiệu quả; quảng bá và phát triển làng nghề, du lịch nông nghiệp; thực hiện tốt chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Qua đó, gia tăng giá trị, thu hút, khuyến khích đầu tư ứng dụng công nghệ cao, tạo chuỗi sản xuất, chế biến, quảng bá, đón đầu thị trường.

Theo ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNTT, ngành trồng trọt đã đặt ra các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025. Theo đó, tổng diện tích sản xuất rau quả đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm khoảng 6.000ha, trong đó 5.000ha ứng dụng công nghệ cao, tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm.

Có ít nhất 10% diện tích rau an toàn được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP. Năng suất bình quân đạt 300tạ/ha, giá trị thu nhập tăng hơn 15 - 20% so với sản xuất rau quả đại trà. Ngành nông nghiệp nỗ lực thu hút 3 - 5 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rau quả an toàn.

Bà Nguyễn Thị Sương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) cho rằng, để tạo bước chuyển cho rau quả Quảng Nam cần tổ chức lại, làm sao hoạt động của các HTX hiệu quả hơn. HTX chính là cầu nối quan trọng trong liên kết sản xuất - thu mua - chế biến và xuất khẩu rau quả.

Hình thức kinh tế tập thể sẽ giúp tăng quy mô sản xuất hàng hóa, thuận lợi trong áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến như cơ giới hóa đồng bộ để giảm chi phí, đảm bảo chất lượng và số lượng nông sản. HTX cũng là đầu mối xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu rau quả, đưa hàng hóa đi xa trên thị trường, nâng cao chuỗi giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người nông dân.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm giải pháp nâng tầm giá trị nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO