Chiều qua 24.12, Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) Quảng Nam phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh và TP.Đà Nẵng tổ chức hội thảo, tập trung trao đổi về giải pháp ngăn mặn cho hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân Quảng Nam, TP.Đà Nẵng.
Đại diện Sở NN&PTNT Quảng Nam trình bày tại hội thảo. Ảnh: QUANG VIỆT |
Xâm nhập mặn diễn biến phức tạp
Sông Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn) là một nhánh phân lưu của sông Thu Bồn chuyển nước về sông Vu Gia, bắt đầu tại vòm Cẩm Đồng (xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn). Sông Vĩnh Điện cung cấp nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và gần 2.150ha đất sản xuất nông nghiệp của thị xã Điện Bàn, TP.Hội An và phường Hòa Quý (TP.Đà Nẵng). Trong những năm gần đây, xâm nhập mặn ở hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn nói chung, sông Vĩnh Điện nói riêng diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, hạn hán, nắng nóng kéo dài, nước biển dâng. Sự phân phối dòng chảy không đều trong các tháng mùa cạn từ việc vận hành xả nước qua phát điện của các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn càng gây khó khăn thêm. Xâm nhập mặn ở hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn xuất hiện sớm, nồng độ cao và xâm nhập khá sâu vào nội địa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng về nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Theo ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, từ những năm 2012, 2013, nạo vét khơi thông dòng chảy sông Vĩnh Điện tại vòm Cẩm Đồng và kết hợp xả nước từ đập Thanh Quýt (xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn) đã tăng cường lưu lượng dòng chảy trên sông Vĩnh Điện, qua đó đẩy mặn nhưng vẫn không khống chế được tình trạng mặn xâm nhập. Từ năm 2013, UBND tỉnh giao Điện Bàn thi công đắp đập tạm trên sông Vĩnh Điện tại hạ lưu trạm bơm Tứ Câu (phường Điện Ngọc, Điện Bàn) để ngăn mặn, giữ ngọt. Giải pháp công trình này đã phần nào phát huy được nhiệm vụ trước mắt là ngăn mặn, giữ ngọt để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, giải pháp công trình này còn rất nhiều hạn chế về mức độ an toàn công trình khi chênh lệch mực nước ở thượng lưu và hạ lưu đập; nguồn nước ngọt bị cắt hẳn về hạ lưu đập; giao thông thủy, vận tải đường sông qua khu vực này bị ảnh hưởng rất lớn.
Đề xuất xây dựng công trình
Ông Trương Xuân Tý - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) cho biết, với thực tế diễn biến mặn xâm nhập ở hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn nói chung, trên sông Vĩnh Điện nói riêng cộng với tình hình vận hành xả nước qua phát điện của các công trình thủy điện, để sử dụng hiệu quả nguồn nước ngọt thì cần thiết phải có giải pháp công trình giữ ngọt ở hạ lưu sông. Theo đó, xây dựng đập ngăn mặn 2 - 3 khoang có kết cấu bê tông cốt thép kiểu trụ đỡ gắn với cầu giao thông tải trọng HL-93 kết hợp, ngăn toàn bộ mặt cắt sông Vĩnh Điện là hết sức cần thiết. Ưu điểm của công trình là sử dụng được lâu dài, trong cả mùa kiệt và mùa lũ; thoát lũ nhanh nhờ hệ thống cửa van clape đóng mở bán tự động; kết hợp được với cầu giao thông trên đường ĐH7. Đặc biệt, không ảnh hưởng nhiều đến điều tiết dòng chảy của hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn.
Quảng Nam từng nhiều lần đắp đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện - nhánh rẽ của sông Thu Bồn. Ảnh: VĂN SỰ |
Theo Sở TN-MT, quá trình lan truyền mặn ở Quảng Nam diễn ra hết sức phức tạp trong thời gian qua lại phụ thuộc vào nhiều nhân tố tự nhiên và sự tác động của con người. Sự biến đổi về khí hậu cùng với quá trình xây dựng phát triển kinh tế - xã hội như xây dựng các công trình giao thông, các hồ chứa nước thượng lưu, khai thác cát, sạn đã làm mức độ xâm nhập mặn ngày càng gia tăng và diễn biến bất thường. Sông Vĩnh Điện bị ảnh hưởng mặn từ 2 đầu thượng lưu sông Thu Bồn và hạ lưu sông Hàn (TP.Đà Nẵng) vì vậy áp dụng giải pháp công trình là xây dựng đập ngăn mặn kết hợp với cầu giao thông là hết sức cấp thiết.
Theo ông Hoàng Thanh Hòa - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng, phân bổ dòng chảy phía hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn từ khi có các hồ thủy điện vận hành đã dẫn đến sự thay đổi lớn ở hạ lưu của từng sông theo hướng lưu lượng mùa khô ở sông Vu Gia giảm đi và ở sông Thu Bồn tăng lên. Đó là nguyên nhân gây nên thiếu nước và xâm nhập mặn gia tăng ở hạ lưu sông Vu Gia. Dòng chảy về sông Thu Bồn khi thủy điện Đắc Mi 4 đi vào hoạt động lớn hơn rất nhiều so với dòng chảy từ Quảng Huế về sông Thu Bồn. Vì vậy, cần thiết phải giảm tỷ lệ nước về sông Quảng Huế, tăng tỷ lệ nước về sông Ái Nghĩa để phục vụ nước tưới và sinh hoạt ổn định cho người dân huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn và TP.Đà Nẵng.
VIỆT NGUYỄN