Tìm giải pháp phát triển bền vững hệ sinh học Sơn Trà

VĨNH LỘC 16/07/2017 14:15

(QNO) - Phát triển Sơn Trà như thế nào để vừa đảm bảo là điểm du lịch hấp dẫn nhưng vẫn bảo tồn tốt sự đa dạng sinh học? Đây cũng là nội dung chính của hội thảo “Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà” diễn ra ngày 15.7 tại TP.Đà Nẵng.

Hội thảo thu hút nhiều ý kiến, tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước tham gia
Hội thảo thu hút nhiều ý kiến, tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước tham gia. Ảnh: V.L

Gần 20 tham luận và ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã được trình bày tại hội thảo. Qua đó, có cái nhìn tổng thể về sự đa dạng và giá trị của hệ sinh thái, động thực vật tại bán đảo Sơn Trà nhằm tìm kiếm những giải pháp phù hợp hướng đến sự phát triển bền vững.

Nhiều nguy cơ đe dọa

Theo khảo sát của Viện Sinh thái học miền Nam, tính đến thời điểm hiện tại, bán đảo Sơn Trà có khoảng 1.010 loài thực vật thuộc 146 họ thực vật, trong đó có trên 20 loài nấm lớn. Riêng tài nguyên động vật có khoảng 38 loài thú lớn, 160 loài chim, 18 loài lưỡng cư, 52 loài bò sát, 19 loài cá và 79 loài côn trùng. Đặc biệt, có 43 loài trong Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ thế giới (IUCN) như voọc chà vá chân nâu, cu li nhỏ, tê tê, dơi chó cánh ngắn, mang thường, chim đuôi cụt bụng đỏ, gà tiền mặt đỏ, rồng đất, tắc kè, trăn gấm, rùa trung bộ, cá chình hoa, bướm phượng cánh chim chấm trời…

Ngoài ra, vùng biển ven bờ bán đảo Sơn Trà cũng có tính đa dạng sinh học cao, chủ yếu các rạn san hô và thảm cỏ biển phân bố dọc theo đường bờ xung quanh bán đảo cùng hàng trăm động, thực vật phù du, cỏ biển, rong biển, san hô, cá, thân mềm, giáp xác da gai… Tuy vậy, nổi bật không thể không nhắc đến voọc chà vá chân nâu, được ví như “nữ hoàng” của loài linh trưởng. Hiện, Việt Nam chỉ còn tồn tại 3 loài chà vá và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao. Riêng tại bán đảo Sơn Trà, ước tính có khoảng 700 đến 1.300 cá thể chà vá chân nâu đang sinh sống, đây cũng là nơi duy nhất có thể quan sát dễ dàng loài linh trưởng này trong tự nhiên.

Sơn Trà còn bảo tồn nhiều hệ động thực vật quý hiếm (ảnh sưu tâm Internet)
Nhiều hệ động thực vật quý hiếm tại Sơn Trà đang được bảo tồn (ảnh sưu tầm internet)

TS. Hà Thăng Long - Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh cho biết, khu bảo tồn Sơn Trà đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong bảo tồn nguồn gen và loài trước nguy cơ tuyệt chủng, nhất là với voọc chà vá chân nâu, loài đang đối diện với nhiều yếu tố tác động từ con người và sự phát triển. Trong đó, một số nguy cơ luôn hiện hữu với chà vá gồm tai nạn do va chạm với phương tiện giao thông khi voọc qua đường; nguy cơ gia tăng nạn săn bắt, bẫy bắt khi phát triển du lịch thiếu kiểm soát; mất môi trường sống do các dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, nhất là nguy cơ truyền bệnh từ người sang khỉ và voọc qua việc cho động vật ăn. Vì vậy, để bảo tồn loài voọc chân nâu cũng như các loài linh trưởng, động thực vật khác thì cần có giải pháp đồng bộ như xây dựng và bảo vệ hành lang kết nối Đông - Tây, xây dựng và thực hiện chương trình giám sát loài chà vá chân nâu, nâng cao hiệu quả của hoạt động tuần tra bảo vệ rừng. Đặc biệt, tổ chức các hoạt động du lịch, tham quan có kiểm soát; giảm xây dựng trên bán đảo, nhất là khu vực phía bắc bán đảo hướng đến giữ môi trường sống của chà vá tốt hơn, tránh những tác động đến voọc cũng như nhiều động thực vật đang sinh sống trên bán đảo.

Không tách rời Sơn Trà và Cù Lao Chàm

Tham dự hội thảo, ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An khẳng định, Sơn Trà không thể tách rời khỏi Cù Lao Chàm vì có mối quan hệ mật thiết. Trong đó, bán đảo Sơn Trà như là lá chắn cho TP.Đà Nẵng và phía bắc sông Thu Bồn, bao gồm Hội An, Điện Bàn và một phần của Duy Xuyên. Đặc biệt, Sơn Trà giống như một tấm áo làm giảm bớt cái lạnh, cái rét từ bắc chuyển vào, đến khi mưa bão thì đóng vai trò như bức bình phong cùng Cù Lao Chàm chắn gió chắn bão cho vùng bắc Quảng Nam, kể cả Đà Nẵng.

“Xét về góc độ địa lý địa hình, Sơn Trà rất quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn sự yên bình cho Đà Nẵng và bắc sông Thu Bồn. Thứ hai, Sơn Trà là nơi đa dạng sinh học không chỉ là voọc chà vá mà còn là hệ động thực vật khác tạo cân bằng sinh thái, điều hòa khí hậu. Do đó, việc giữ gìn Sơn Trà và Cù Lao Chàm không đơn thuần là vấn đề bảo tồn, mà xét cho cùng là giữ gìn nên mọi xâm phạm về Sơn Trà hay Cù Lao Chàm đều sẽ nhận những hậu quả rất lớn không phải một đời mà nhiều đời” - ông Sự cảnh báo.

Ông Sự cũng cho rằng, giữ Sơn Trà chính là giữ sự sống chứ không đơn giản là bài toán giữ cây, giữ động vật. Tuy nhiên, nói như thế không phải lập hàng rào chắn lại mà vẫn phải khai thác Sơn Trà và Cù Lao Chàm. “Cả Sơn Trà và Cù Lao Chàm đều phải quy hoạch du lịch nhưng quy hoạch du lịch ở đây là không xây trên đó cái gì chứ không phải là xây cái gì. Khách đến Đà Nẵng, Hội An đi ra Cù Lao Chàm hay lên Sơn Trà để đắm mình vào tự nhiên, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tự nhiên, chứ không phải đến đó để vào ở trong một biệt thự hay một resort cao cấp. Khách chỉ nên ra đó và trở về nghỉ tại Đà Nẵng, Hội An, người dân Đà Nẵng, Hội An sẽ thu nhập ngày càng cao từ việc này. Điều đó có nghĩa, những biệt thự, khách sạn có thể không ở Sơn Trà, Cù Lao Chàm thì có thể ở chỗ khác nhưng sẽ không có Sơn Trà, Cù Lao Chàm thứ hai khi chúng ta phá nó, tác động vào nó” - ông Sự nhấn mạnh.

Cần chiến lược phát triển bền vững

Theo PGS-TS. Nguyễn Văn Tập - Viện Dược liệu: Bảo tồn Sơn Trà không chỉ ở các giá trị đa dạng sinh học, thiên nhiên mà còn là vấn đề đạo đức nhằm lưu giữ cho các thế hệ mai sau. Đồng tình quan điểm trên, theo ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Sơn Trà phải có một chiến lược phát triển du lịch bền vững. Trong đó, cần giữ nguyên hiện trạng, quản lý đa dạng tự nhiên theo phương thức bền vững, biến Sơn Trà thành điểm tham quan, du lịch sinh thái, tìm hiểu thiên nhiên, rạn san hô… Để thực hiện chiến lược này, cần bảo tồn thiên nhiên hoang dã, nét riêng Sơn Trà cho Đà Nẵng; bảo vệ voọc chà vá chân nâu; giảm thiểu ô nhiễm không khí, giảm thiểu việc thiếu nước sinh hoạt. Chiến lược này sẽ giữ nguyên hiện trạng Sơn Trà, quản lý đa dạng tự nhiên theo phương thức bền vững. Du khách đến Đà Nẵng với mục đích khám phá, tham quan Sơn Trà nhưng sẽ ăn nghỉ tại thành phố, đảm bảo lợi ích kinh tế cho toàn cộng đồng. Du khách không chỉ trả phí tham quan mà còn đóng góp thiện nguyện cho quỹ bảo tồn; xây dựng và nâng cao hình ảnh điểm đến Đà Nẵng thân thiện với môi trường. Khi đó lượng khách đến Đà Nẵng sẽ đạt tối đa, kinh tế toàn thành phố đều được hưởng lợi.

“Một Đà Nẵng giữ được Sơn Trà cực kỳ hoang dã bên cạnh một thành phố hiện đại sẽ là điểm đến độc nhất vô nhị trên thế giới. Vậy chúng ta sẽ chọn gì: môi trường, cộng đồng hay chọn lợi ích của một nhóm những nhà đầu tư giàu có?” - ông Vinh đặt câu hỏi. Đây cũng là vấn đề không dễ trả lời nhưng nó sẽ phải được giải quyết để Sơn Trà phát triển bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan hiện nay cũng như trong thời gian tới.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm giải pháp phát triển bền vững hệ sinh học Sơn Trà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO