Tìm giải pháp phát triển rừng trồng gỗ lớn

ALĂNG NGƯỚC 26/05/2022 22:29

Hôm qua 26.5, tại hội thảo trực tuyến bàn về chương trình rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng FSC do UBND tỉnh tổ chức, nhiều nhà đầu tư kiến nghị cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, chủ rừng… Đây được xem là những rào cản khiến việc phát triển diện tích rừng trồng gỗ lớn chưa như kỳ vọng.

Các đại biểu họp bàn tìm giải pháp về trồng rừng gỗ lớn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Các đại biểu họp bàn tìm giải pháp về trồng rừng gỗ lớn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Chưa tương xứng tiềm năng

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, Quảng Nam có diện tích tự nhiên khoảng 1.057.474ha; trong đó, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng hơn 769.276ha (chiếm 72,75% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh). Giai đoạn 2016 - 2020, diện tích trồng rừng hằng năm bình quân đạt 19.105ha, chủ yếu là rừng trồng lại sau khai thác.

Ông Trần Văn Thu - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có tổng diện tích rừng trồng khoảng 216.893ha, tập trung tại các huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Đại Lộc, Đông Giang…

Tuy nhiên, qua số liệu báo cáo, chất lượng rừng trồng trên địa bàn tỉnh còn thấp, năng suất chưa cao; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng bình quân hằng năm đạt khoảng 1,4 triệu khối, năng suất rừng bình quân đạt 70 - 75m3/ha/chu kỳ 5 năm.

“Từ năm 2019 đến nay, tổng diện tích trồng rừng gỗ lớn chỉ đạt khoảng 2.303/10.000ha theo kế hoạch, chủ yếu là người dân tham gia trồng theo kế hoạch hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn của tỉnh. Trong khi đó, tổng diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC đạt gần 6.532ha” - ông Thu chia sẻ.

Theo ông Thu, gần đây, công tác phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm từ người dân và doanh nghiệp với số lượng gỗ rừng trồng phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu hằng năm khoảng 1,45 triệu khối.

Tuy nhiên, so với tiềm năng, nhu cầu phát triển trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng FSC của tỉnh, kết quả đạt được khá khiêm tốn.

Nguyên nhân, ngoài thời gian trồng dài, áp lực về nhu cầu kinh tế, rủi ro về thiên tai, việc chuyển giao, ứng dụng công nghệ trong trồng rừng sản xuất, thâm canh còn hạn chế; liên kết chuỗi chưa phổ biến; mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho trồng rừng gỗ lớn, cấp chứng chỉ FSC khá thấp so với chi phí thực tế…

Do vậy, cần có thêm giải pháp tổng thể nhằm thúc đẩy quy mô diện tích, liên kết chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật, cũng như tiêu thụ sản phẩm.

Đẩy mạnh liên kết

Ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, với tiềm năng diện tích rừng sản xuất khá lớn, vấn đề đặt ra hiện nay cho Quảng Nam, ngoài xây dựng mục tiêu trồng rừng gỗ lớn mang tính bền vững theo chủ trương chung của tỉnh, còn hướng đến nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm lâm nghiệp cung ứng ra thị trường, cũng như hiệu quả kinh tế cho chính người dân, chủ rừng.

Để giải quyết khó khăn ban đầu cho phát triển trồng rừng gỗ lớn, ông Út đề nghị các địa phương, đơn vị cần tập trung rà soát nguồn lực đất đai; đồng thời quy hoạch rừng nguyên liệu gỗ lớn một cách cụ thể, gắn với quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm theo phương thức phù hợp, đảm bảo nhu cầu cho thị trường.

Ngoài ra, trong quá trình tổ chức sản xuất cần gắn với nhu cầu tiêu thụ; quản lý và tạo nguồn giống chất lượng, giúp cho việc trồng rừng gỗ lớn hiệu quả hơn.

“Định hướng phát triển trồng rừng gỗ lớn phải được gắn với việc cấp chứng chỉ rừng FSC. Đây là điều kiện cần thiết để nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo các tiêu chí xuất khẩu.

Cùng với chính quyền địa phương, các doanh nghiệp cũng nên có hướng đi mới trong việc tham gia trồng rừng gỗ lớn, xây dựng các mô hình chế biến về gỗ, từng bước đẩy mạnh hợp tác liên kết một cách bền vững, lâu dài” - ông Út nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, đến năm 2025, Quảng Nam phấn đấu đạt 30.000ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế và tiếp tục mở rộng vào các năm tiếp theo.

Để làm được điều đó, bên cạnh xây dựng kế hoạch phát triển rừng trồng, các địa phương, đơn vị cần gấp rút hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc xác nhận đất cho người dân; các doanh nghiệp, hợp tác xã tập trung liên kết, hình thành mô hình hợp tác hiệu quả, đảm bảo quy trình.

“Phải quản lý cho được nguồn giống chất lượng và tuyên truyền mạnh mẽ chủ trương trồng rừng gỗ lớn đến với người dân. Ngoài ra, khẩn trương đưa quy trình trồng rừng thâm canh, hướng dẫn cộng đồng và hỗ trợ kỹ thuật về trồng rừng gỗ lớn một cách có hiệu quả” - ông Bửu nhấn mạnh.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm giải pháp phát triển rừng trồng gỗ lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO