(QNO) - Chiều 12.12, UBND TP.Hội An phối hợp với các tổ chức GET, SGP và UNDP tổ chức hội thảo “Bảo tồn và phát triển: Từ góc nhìn cộng đồng”. Hơn 15 tham luận trình bày tại hội thảo đã nêu ra những tác hại về rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa; đồng thời đề xuất các giải pháp khắc phục.
Thời gian qua, dù có nhiều cảnh báo nhưng rác thải vẫn phát sinh hàng ngày, thậm chí tăng cao. Một số ý kiến đại biểu cho rằng, muốn giảm thiểu rác thải thì phải phân loại rác tại nguồn, xây dựng quy trình quản lý rác thải, đầu tư trang thiết bị vào phân loại rác… Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều nơi rác thải phát sinh chưa được phân loại. Điều này đồng nghĩa các loại rác thải tái chế, rác khó phân hủy, rác dễ phân hủy không được tách biệt thành từng nhóm riêng biệt mà đang bị trộn lẫn nhau.
Do đó, các mô hình quản lý tổng hợp rác thải sinh hoạt theo cách tiếp cận vòng đời rác thải (con đường đi của rác) với các thông số giám sát theo Zero Waste và không nhựa (BFFP - Break Free From Plastic); 5 R - giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, làm phân compost, từ chối cần được áp dụng rộng rãi theo các cấp độ cộng đồng, làng quê, đô thị, thành phố.
Đặc biệt, đã đến lúc rác thải cần phải được quản lý theo phương thức tổng hợp và theo vòng đời bao gồm rác phát sinh, phân loại, thu gom, xử lý. Rác phát sinh phải được phân loại tại nguồn từ hộ gia đình, nhà hàng, khách sạn, quán ăn, chợ, trường học, cơ quan, nơi công cộng, ruộng đồng, bờ sông, bãi biển. Đồng thời các chủ thể của rác thải từ gia đình, người đi đường, du khách, người đi chợ, người buôn bán, nhân viên cơ quan, sinh viên - học sinh cần được tham gia vào hoạt động quản lý rác thải này.