Thu ngân sách nhà nước chưa đạt tiến độ nhưng vẫn là mức thu cao nhất trong vòng 8 năm qua của ngành thuế và số nợ đọng thuế ngày càng gia tăng, không dễ thu hồi được… Đây là nội dung được quan tâm bàn thảo tại hội nghị trực tuyến thu ngân sách 6 tháng đầu năm do Tổng cục Thuế vừa tổ chức.
Tìm dư địa tăng thu thuế phải dựa vào sự phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (ảnh minh họa) |
Có 14/17 khoản thu tăng trưởng
Tổng thu nội địa 6 tháng đầu năm của Quảng Nam hơn 8.493 tỷ đồng. Số thu này đã đạt 54,9% dự toán, tăng 25,9% so cùng kỳ năm trước. Nếu không kể tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết khoảng 7.993 tỷ đồng, thì đạt 54,4% dự toán, tăng 27% so cùng kỳ năm trước. Gần như các nguồn thu đều đạt và vượt tiến độ dự toán, chỉ trừ thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương và địa phương vẫn chưa đạt tiến độ. Cho dù mức thu không như dự kiến, nhưng Quảng Nam vẫn lọt vào con số 44/63 tỉnh, thành có tiến độ thu nội địa đạt khá so dự toán (trên 50%).
Theo ông Đặng Ngọc Minh - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, trong 6 tháng qua, toàn ngành thuế đã nỗ lực triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp quản lý thuế, khai thác nguồn thu, chống thất thu ngân sách; hỗ trợ, đối thoại, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh... Tổng cục Thuế thống kê thu ngân sách ước đạt 531.520 tỷ đồng, chỉ bằng 49,7% so dự toán, nhưng lại tăng 13,9% so cùng kỳ. Những con số phân tích cho thấy thu từ dầu thô ước đạt đến 29.565 tỷ đồng, bằng 82,4% dự toán, tăng 25,3%, nhưng thu nội địa chỉ ước đạt 496.782 tỷ đồng, bằng 48% dự toán, tăng 12,1% cùng kỳ. Hiện có 14/17 khoản thu đều có tăng trưởng so với cùng kỳ. Ước tính có 36 địa phương thu đạt trên 53% dự toán, 53/63 địa phương thu cao hơn cùng kỳ và 10 địa phương thu thuế đạt thấp. Nếu loại trừ đất, xổ số kiến thiết, cổ tức, lợi nhuận sau thuế thì chỉ có 31 địa phương bảo đảm tiến độ dự toán, còn 32 địa phương có tiến độ thu thấp hơn dự toán và 13 địa phương thu đạt dưới 45% dự toán năm. Theo ông Minh, tuy chưa thể đạt tiến độ dự toán, nhưng đây là mức thu do ngành thuế quản lý đạt cao nhất trong vòng 8 năm qua.
Ông Trần Xuân Hà – Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay nhiệm vụ thu thuế còn hết sức nặng nề. Ngành thuế còn nhiều dư địa để hoàn thành mục tiêu vượt 5% dự toán trong năm nay. Nhưng để đạt kế hoạch này, ngành thuế phải nhanh chóng đôn đốc thu nộp, nhất là các khoản thu có tỷ lệ đạt còn thấp và các địa phương có số thu thấp. Quan trọng hơn là việc đôn đốc giải quyết nợ đọng thuế. Ngành thuế phải thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra đạt tối thiểu 18,5% số doanh nghiệp đang hoạt động, phối hợp chặt chẽ với kiểm toán nhà nước, thanh tra, công an, quản lý thị trường… để chống trốn thuế, gian lận thuế.
Tất cả 63 tỉnh, thành đều nêu quyết tâm phấn đấu thu đạt ngân sách những tháng còn lại của năm. Ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội nói địa phương sẽ xây dựng chỉ tiêu thu ngân sách thậm chí cho từng ngày để không bị động, xây dựng dữ liệu người nộp thuế, tìm dư địa để tăng thu...
Không dễ thu hồi nợ đọng
Theo công bố của Tổng cục Thuế, số nợ đọng không hề suy giảm mà ngày càng có nguy cơ tăng thêm. Tổng cục Thuế không công bố số nợ thuế trên cả nước là bao nhiêu nhưng hiện tổng số thuế nợ đọng đến ngày 30.6.2018 tăng 9,6% so với thời điểm 31.12.2017; 56/63 địa phương có tỷ lệ nợ đọng cao, thậm chí có đến 20 địa phương nợ đọng đến 20%... Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh nói sẽ triển khai các biện pháp quản lý nợ, phấn đấu tổng số tiền nợ tại thời điểm 31.12.2018 không vượt quá 5% so với số thực hiện thu trong năm 2018 và số tiền thuế nợ cuối năm 2018 sẽ giảm so với thời điểm 31.12.2017.
Kế hoạch thu hồi nợ đọng lại một lần nữa đặt lên bàn nghị sự nhưng có vẻ ngành thuế “bất lực” trong việc tìm kiếm một kế sách lưỡng toàn để giải quyết “vấn nạn” này. Mục tiêu kéo số nợ thuế về dưới 5%/tổng thu ngân sách vào cuối năm nay không hề dễ dàng. Tất cả địa phương đều cho biết không đủ khả năng để thu hồi được số nợ đọng thuế. Chỉ tính riêng Quảng Nam, tổng số tiền nợ thuế dự báo đến ngày 30.6.2018 khoảng 950 tỷ đồng. Đáng lưu ý là khoản nợ khó thu có xu hướng ngày càng gia tăng (tăng 5,9% so với đầu năm) và chiếm tỷ trọng khá lớn tổng nợ thuế (51%). Ông Nguyễn Việt Xuân - Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam cho biết nợ thuế tăng trở lại chính là các loại nợ thuế thông thường này (trong thời hạn 90 ngày). Nhưng số nợ này cũng là điều đáng để lo lắng một khi doanh nghiệp để nợ nhiều quá, không khả năng chi trả sẽ dẫn đến nguy cơ nợ kéo dài không thể xử lý được. Việc công bố trên mạng nợ thuế cũng không giải quyết được điều gì. “Doanh nghiệp tới mức bị cưỡng chế thuế mà họ không nộp nổi phần nhiều thuộc loại đang thực sự lâm vào khó khăn thì cũng không dễ gì thu được. Còn nợ khó thu thì vẫn để treo hoài như vậy, không biết làm cách gì được. Chờ Quốc hội thôi!” - ông Xuân nói.
Các cơ quan thuế địa phương cho hay đã tiến hành đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế, công khai thông tin các doanh nghiệp chây ì nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng, kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế gắn trách nhiệm công chức thực hiện các giải pháp quản lý nợ và cưỡng chế thuế. Những biện pháp này đã được thực hiện ngay từ đầu năm và liên tục, nhưng có vẻ như các định chế pháp luật thuế đã “bất lực” với việc nợ thuế dai dẳng của doanh nghiệp. Ông Trần Ngọc Tâm – Cục trưởng Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh nói doanh nghiệp gặp khó khăn chọn cách nợ gối đầu. Nếu tính lãi phạt chậm nộp cũng thấp hơn lãi suất ngân hàng, và doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi tiếp cận vốn nên chuyện nợ đã xảy ra, cơ quan thuế cũng không biết làm sao xử lý. Còn ông Nguyễn Văn Luyện – Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Ngãi cho rằng Tổng cục Thuế cần xem xét lại cơ chế nợ tăng do bỏ trốn, di chuyển địa điểm kinh doanh. Ngành thuế dù có phối hợp với công an cũng không thể tìm kiếm và xử lý hết được, nên cũng không thể có cách gì để thu hồi được số nợ đọng.
TRỊNH DŨNG