Tìm giải pháp vực dậy nền kinh tế

TRỊNH DŨNG 07/03/2023 07:48

Nhiều bất ổn từ thị trường; doanh nghiệp rời bỏ thị trường gia tăng; thiếu động lực đầu tư phát triển... đã khiến sự vận hành của nền kinh tế địa phương 2 tháng qua chưa suôn sẻ.

Du lịch được đánh giá là đã có sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 tháng qua Ảnh T.D
Du lịch được đánh giá là đã có sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 tháng qua Ảnh T.D

Những cảnh báo

Tất cả chỉ số sản xuất hay sản lượng gia súc, gia cầm xuất chuồng, bia, nước giải khát, doanh thu dịch vụ vận tải, kho bãi, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, du lịch, công nghiệp khai khoáng, sản xuất da và sản phẩm có liên quan hay công nghiệp chế biến, chế tạo khác đều tăng trưởng trong vòng 2 tháng qua. Tăng ít nhất khoảng 1,8% (sản xuất điện năng) và cao nhất đến 73% (công nghiệp chế biến, chế tạo).

Tuy nhiên, điều bất ngờ lớn nhất là một số ngành chiếm tỷ trọng đóng góp lớn vào kế hoạch tăng trưởng, ngân sách, quyết định đến sự thành bại của nền kinh tế địa phương đều bị suy giảm nặng nề.

Thống kê từ Sở KH-ĐT cho thấy, sản xuất chế biến thực giảm giảm 27%; dệt giảm 38%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 90%; sản xuất xe có động cơ giảm 62%. Thu ngân sách chỉ đạt 16% dự toán, bằng 70% so cùng kỳ (thu nội địa đạt 17%). Tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 4,8% so với 6,6% của cùng kỳ năm 2022.

Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường, tái hoạt động giảm, nhưng lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường hay tạm ngừng hoạt động gia tăng (10,64%). Không có dự án FDI nào được cấp phép và chỉ cấp phép 1 dự án nội địa đầu tư với số vốn đầu tư khoảng 60 tỷ đồng...

Cơ quan quản lý không giải thích hay phân tích gì về sự tăng, giảm của các chỉ số sản xuất, trừ đưa ra con số thống kê. Khó có thể đánh giá đúng nhu cầu thị trường hay sự vận hành của nền kinh tế địa phương khi chỉ mới khởi sự vận hành trong vòng 2 tháng, tuy nhiên, những thống kê trên cũng cho thấy bước đầu không hề suôn sẻ.

Số lượng doanh nghiệp gia tăng ít, nhưng số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường hay ngừng hoạt động tăng nhanh là dấu hiệu không bình thường hay các dự án đầu tư gần như “đứng bánh” trước ách tắc giải phóng mặt bằng hoặc không thể thi công vì vật liệu xây dựng tăng cao và thiếu hụt... là chỉ dấu cảnh báo về sự bất an của nền kinh tế.

Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính nói, năm 2023 khó khăn toàn cầu vẫn chưa dứt. Các chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu tư đã bị đứt gãy. Sẽ còn rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp địa phương.

Rất cần một phân tích, thống kê sức khỏe của doanh nghiệp về các vướng mắc hay khó khăn để đưa ra các biện pháp hỗ trợ hay vực dậy kinh doanh, đưa nền kinh tế địa phương vận hành trở lại vào quỹ đạo tăng trưởng

Bức tranh kinh tế địa phương không vẹn toàn đã được nhìn thấy. Nếu tính bình quân số thu ngân sách mỗi tháng theo dự toán đã công bố (26.680 tỷ đồng) thì ít nhất mỗi tháng phải thu hơn 2.232 tỷ đồng. Tuy nhiên, 2 tháng qua chỉ thu được 4.180 tỷ đồng, chưa thể đạt con số thu bình quân.

Trong khi đó, sức tiêu thụ hàng hóa của thị trường cũng đã giảm sút. Tỷ trọng tăng trưởng của địa phương dựa vào động lực chính là sản xuất, lắp ráp ô tô, nhưng ngay ngành này đã giảm đến 62% thì liệu có thể mang lại nguồn thu cho ngân sách Quảng Nam 26.800 tỷ đồng như dự kiến của Thaco Group hay không?

Đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo

“Làm gì để có thể vực dậy nền kinh tế địa phương, tìm kiếm sự tăng trưởng theo như kế hoạch?” vẫn là câu hỏi khó.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT cho hay, ngành thương mại, dịch vụ đã khởi sắc tăng trưởng, nhất là ngành du lịch phục hồi khá tốt. Tuy nhiên, nền kinh tế địa phương còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng giảm. Tiến độ giải ngân chậm, giải phóng mặt bằng ách tắc, giá vật liệu xây dựng tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án, công trình.

Những chuyển động của nền kinh tế không cho thấy dấu hiệu gì về sự bùng nổ của các dự án đầu tư. Một khi sức mua nền kinh tế ảm đạm, người dân thắt chặt chi tiêu, mua sắm, đầu tư xây dựng thì kích cầu tiêu dùng là cần thiết và cấp bách.

Tuy nhiên kích cầu không có nghĩa là bơm tiền ra thị trường mà chính là việc hấp thụ vốn của các dự án đầu tư. Nhiều cuộc kiểm tra hay họp bàn gần đây đều cho thấy động lực đầu tư gần như bị hụt hơi.

Chính quyền đang làm mọi cách để đưa nền kinh tế vận hành trở lại bình thường. Các dự án đầu tư công hay tư đều đã được yêu cầu khắc phục những điểm yếu, thi công các công trình, dự án để tăng khối lượng đầu tư, giải ngân đúng tiến độ.

Một kế hoạch tổng lực phối hợp giữa chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xử lý điểm nghẽn về khan hiếm hay giá cao của vật liệu xây dựng. Không mặt bằng, không nhà đầu tư, không dự án thì lấy gì tăng trưởng. Một khi không giải quyết được những vướng mắc đang gặp phải của các dự án đầu tư thì sẽ không dễ đẩy nhanh tỷ lệ hấp thụ vốn của các dự án.

Nếu đầu tư bị đình trệ sẽ kéo theo cả nền kinh tế vận hành chậm chạp và khó tìm kiếm tăng trưởng (từ nhân công, mua bán nguyên vật liệu... đến sức tiêu dùng ăn theo của nền kinh tế).

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang, chính quyền đã yêu cầu các sở, ngành chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Yêu cầu các chủ đầu tư hoàn chỉnh các thủ tục khởi công xây dựng các dự án, công trình theo kế hoạch, giải ngân vốn các dự án đầu tư. Sẽ tiến hành tháo gỡ tình trạng thiếu các mỏ đất đắp, cát xây dựng, kiểm soát và quản lý nguồn cung vật liệu xây dựng để thực hiện các dự án đầu tư, tìm kiếm động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm giải pháp vực dậy nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO