Hàng tồn kho không được giải phóng kéo theo nguồn vốn tiếp tục bị ứ đọng, sản xuất đình trệ… đang trở thành tâm điểm chú ý của các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý. Nhưng việc xử lý hàng tồn kho vẫn đang là thách thức, chưa thể có lời giải rõ ràng, cụ thể.
Hàng tồn kho vẫn tăng
Công ty TNHH Thái Bình lọt thỏm giữa Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Tam Đàn (Phú Ninh) đầy bụi bặm. Khu vực sản xuất vật liệu xây dựng ở lô A1 lúc nào cũng nhộn nhịp. Công xưởng gò hàn, sản xuất, gia công các mặt hàng cơ khí ánh lên những tia lửa bắn ra tứ tung. Xưởng đúc liên tục cho ra những mẻ hàng bê tông dự ứng lực mới. Cấu kiện bê tông đúc sẵn bày la liệt trên mặt đất, chờ đợi những chiếc xe tải cẩu hàng, chuyển đi. Ông Trần Minh Thế - Giám đốc Công ty TNHH Thái Bình cho biết, hàng vật liệu tồn kho lớn nhưng công ty vẫn phải tiếp tục sản xuất để có thể đón đầu các dự án hay hợp đồng mới đang đàm phán ở khắp khu vực miền Trung.
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì chưa tìm ra giải pháp hiệu quả giải phóng hàng tồn kho. Ảnh: T.DŨNG |
Câu chuyện về hàng tồn kho luôn được quan tâm trên các bản báo cáo của cơ quan quản lý hay công bố tình hình kinh tế định kỳ hàng tháng của UBND tỉnh. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 5 tháng qua đã tăng gần 30% so với cùng kỳ. Tăng khá cao ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chủ yếu ở nhóm sản xuất xe có động cơ (tăng 81,5%), sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (tăng 49%) và sản xuất chíp điện tử (tăng 30%). Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 30%, nhiều nhất vẫn thuộc về xe có động cơ, giường tủ, bàn ghế (tăng gấp 2 lần), chế biến thực phẩm tăng gần 32%, linh kiện điện tử tăng 20%. Một số mặt hàng có lượng tồn kho nhiều cũng đã giảm đáng kể, như sản xuất xe có động cơ giảm đến 33%, đồ gỗ như giường tủ, bàn ghế giảm hơn 2%, nhưng chỉ số tồn kho không hề giảm sút, trái lại đã gia tăng 5,6% so với tháng trước và tăng hơn 7% so với tháng cùng kỳ năm trước. Lượng xuất khẩu đã giảm 9,6% so cùng kỳ, chỉ đạt 25,2%. Sự suy giảm này phụ thuộc vào kế hoạch xuất khẩu của công ty mẹ ở nước ngoài…
Phân tích những số liệu trên cho thấy sự lồi lõm trong sản xuất công nghiệp. Một số ngành sản xuất tăng nhưng tiêu thụ chậm và giảm đã khiến hàng tồn kho gia tăng. Một số mặt hàng có chỉ số tiêu thụ tăng nhưng chỉ số sản xuất cũng tăng nên hàng tồn kho vẫn nhiều. Có thể hiểu một phần mức tăng của sản xuất công nghiệp nằm ở hàng tồn kho. Đây là tín hiệu tiêu cực vì vốn chảy đến đây bị đọng lại, không thể quay vòng. Nhu cầu sử dụng vốn của nhà sản xuất bị ngưng đột ngột. Họ không cần mua nguyên vật liệu để sản xuất tiếp, để gối đầu hay trữ hàng…, chính điều này cũng góp phần tạo ra vòng luẩn quẩn của hàng tồn kho.
Giải phóng hàng tồn
Ông Trần Minh Thế - Giám đốc Công ty TNHH Thái Bình cho biết không lo lắng mấy về lượng hàng tồn kho của công ty. Ông cho rằng lúc nào cũng phải chuẩn bị sẵn một lượng hàng nhất định để có thể kịp thời cung ứng cho đối tác ngay khi một hợp đồng có hiệu lực. Chỉ cần có một hợp đồng hay dự án mới, toàn bộ hàng tồn kho sẽ được giải phóng. Để có thêm đối tác, Công ty TNHH Thái Bình đã quyết định đầu tư một nhà máy, công xưởng tại Quảng Trị, thay vì sản xuất tại Quảng Nam rồi vận chuyển ra các công trình phía Bắc. Ông Thế nói tính toán này đã giúp công ty loại bỏ bớt chi phí vận chuyển, hạ giá thành sản phẩm phù hợp và đủ sức cạnh tranh trên thị trường cung ứng các loại cấu kiện bê tông dự ứng lực đúc sẵn. Ông Phạm Văn Quang – Giám đốc Công ty TNHH Đông Phương lại chọn cách chủ động đàm phán với đối tác cung cấp nguyên vật liệu cho được trả chậm. Mặt hàng nào bán chạy nhất sẽ yêu cầu khách hàng trả trước, còn lại có thể cho khách hàng thời gian thanh toán lâu hơn. Nhiều doanh nghiệp đã không ngần ngại loại bỏ các chi phí quảng cáo, truyền thông, gạt bỏ các dự án đầu tư mới, tìm cách mở rộng các kênh phân phối để giải phóng hàng tồn.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, một khi sức mua nền kinh tế ảm đạm, người dân thắt chặt chi tiêu, mua sắm, đầu tư xây dựng thì kích cầu tiêu dùng là cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, kích cầu không có nghĩa bơm tiền ra là xong. Ngân hàng có thể giảm lãi suất, giúp doanh nghiệp giảm giá thành hàng tồn... Song, việc này không phải là nhân tố duy nhất giúp cải thiện sức mua. Theo nhiều chuyên gia, không có gì thúc đẩy sức mua nhanh bằng giá. Nếu giảm giá bán 30% vẫn không bán được hàng thì giảm tiếp 50%, thậm chí 70% để thu hồi vốn, còn hơn doanh nghiệp ôm một đống hàng tồn kho, phải chịu trả chỗ thuê mặt bằng bỏ hàng, tiền phí, giữ, bảo vệ và lãi ngân hàng mỗi ngày một gia tăng. Trong giai đoạn kinh tế suy giảm, doanh nghiệp cần điều chỉnh kế hoạch và ngành nghề kinh doanh để dịch chuyển vốn sang những khu vực hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thuận lợi trong việc tìm ra một giải pháp trực diện để giải phóng hàng tồn. Nhiều doanh nghiệp đối mặt với bài toán nan giải khi phải “đu dây” với việc duy trì sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thị trường khi lượng hàng tồn kho vẫn cao. Một khi không thể giải phóng hàng tồn, không tiếp cận được vốn vay ngân hàng để duy trì sản xuất chờ thị trường và sức mua hồi phục, sẽ có thêm rất nhiều doanh nghiệp “ra đi”.
TRỊNH DŨNG