Quảng Nam cùng với Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế được Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) hỗ trợ phát triển đô thị thông minh. Song, Quảng Nam hiện chỉ mới ở giai đoạn đầu tiên trong triển khai xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh với nhiều khó khăn.
Báo cáo đánh giá thực trạng triển khai dự án Xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020, định hướng triển khai chính quyền điện tử và đô thị thông minh giai đoạn 2020 - 2025 (viết tắt: Dự án), ông Trương Thái Sơn - Trưởng phòng CNTT (Sở TT-TT) cho biết, đến nay tỉnh đã nâng cấp, mở rộng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh; nâng cấp hệ thống mạng WAN của tỉnh; triển khai hệ thống phần mềm hành chính công điện tử cấp tỉnh; xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu và hệ thống bảo mật; xây dựng hệ thống email công vụ toàn tỉnh. Hiện, 4/9 hạng mục, nhiệm vụ chưa triển khai gồm: nâng cấp cổng thông tin điện tử tỉnh; điều chỉnh, bổ sung và nâng cấp hệ thống phần mềm hành chính công điện tử cấp tỉnh để triển khai hệ thống phần mềm hành chính công điện tử cấp huyện, cấp xã; cấu hình, triển khai bổ sung thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống phần mềm hành chính công điện tử cấp tỉnh và xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh…
Định hướng của tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh giai đoạn 2020 - 2025 hướng tới các mục tiêu cụ thể. Bao gồm: hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử (phiên bản 2.0), chính quyền số, nâng cao hiệu quả của nền hành chính, phục vụ công dân tốt hơn; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nền tảng CNTT - TT làm nền móng cho phát triển đô thị thông minh; xây dựng, nâng cấp và phát triển hệ sinh thái ứng dụng, dịch vụ thông minh trong các lĩnh vực tại các đô thị… Xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành liên quan tới người dân và doanh nghiệp; xây dựng trung tâm điều hành kinh tế xã hội đa nhiệm của của tỉnh; truyền thông, đào tạo cán bộ điện tử, công dân điện tử...
Địa phương còn lúng túng
TP.Tam Kỳ thuộc một trong năm địa phương của cả nước được hỗ trợ từ Tổ chức KOIKA (Hàn Quốc) trong chương trình “Thung lũng đô thị thông minh”. Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, mới đây, KOICA đã có đợt làm việc với TP.Tam Kỳ, tổ chức khảo sát chuyên sâu và đề xuất 7 nhóm nội dung chính như: quy hoạch đô thị thông minh; xây dựng CSDL cho nền tảng đô thị thông minh; hoàn thiện hệ thống camera giám sát tại 3 tuyến đường lớn của thành phố; xây dựng hệ thống quản lý đất đai; lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ trên sông Bàn Thạch; xây dựng App (ứng dụng trên điện thoại thông minh) về y tế (lĩnh vực chăm sóc sức khỏe) và du lịch; mở rộng lắp đặt wifi công cộng từ khu vực Quảng trường 24.3 ra Khu tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng; tăng cường năng lực, đào tạo đội ngũ cho trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố. “Có thể thấy, đô thị thông minh là xu thế, chặng đường dài, nếu không làm sẽ tụt hậu, vì vậy cần phải lo sớm. Hiện, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, nhiều chương trình xây dựng đô thị thông minh đã đi vào chiều sâu; Quảng Nam chỉ mới trong giai đoạn xây dựng dự án. Các công đoạn quy hoạch kéo dài, tiến độ dự án trải dài trong vòng 5 năm, đi cùng với đó là nhiều khó khăn” - ông Nam nói.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, thành phố rất lúng túng trong triển khai đô thị thông minh. Hiện, thành phố chỉ mới lắp đặt 8 cụm camera thông minh giúp phát hiện giới tính, độ tuổi, những tình nghi liên quan đến an ninh tại khu vực trọng điểm. Vừa qua, Học viện Bưu chính viễn thông triển khai 1 số Apps quản lý kết nối du khách tại Hội An song quy mô còn nhỏ, thử nghiệm. Sự lúng túng trong xác định hướng đi, hình hài đô thị thông minh cũng là thực trạng của Điện Bàn. Theo ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, hiện thị xã đã lắp được trên 20 điểm camera an ninh trên toàn thị xã. Thị xã có hướng mở rộng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tới cấp xã; triển khai phần mềm giám sát nhiệm vụ, công việc được giao để tìm nguyên nhân trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho công dân. “Thực tế, dù đã triển khai phần mềm song việc quy trách nhiệm trong trễ hẹn giải quyết hồ sơ, thủ tục cho công dân vẫn rất khó. Đề nghị Sở TT-TT, UBND tỉnh có kế hoạch nâng cấp phần mềm Q-office, triển khai xây dựng phần mềm dịch vụ dùng chung của tỉnh, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính” - ông Hà kiến nghị.
Cần xác định lộ trình, hướng đi cụ thể
*Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Tập trung trước mắt cho Tam Kỳ
Sở TT-TT là đơn vị đầu mối xây dựng dự án đô thị thông minh tổng thể, chi tiết cho toàn tỉnh, hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị hoàn thiện dự án. Trước mắt, Quảng Nam tập trung ưu tiên cho TP.Tam Kỳ từ nguồn viện trợ không hoàn lại 9 triệu USD của KOICA và nguồn đối ứng 1 triệu USD của UBND tỉnh, sau đó, sẽ tập trung cho 3 đô thị còn lại. Trung tâm điều hành đô thị thông minh của các đô thị Hội An, Núi Thành, Tam Kỳ, Điện Bàn phải tích hợp trong hệ thống đô thị thông minh của tỉnh.
* Ông Phạm Hồng Quảng - Giám đốc Sở TT-TT: Cần nghiên cứu xây dựng khu đô thị CNTT tập trung
Quảng Nam hiện đã có 3 đô thị Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ và sắp tới là Núi Thành, liệu mỗi đô thị phải xây dựng một trung tâm điều hành đô thị thông minh hay không. Cần thiết nghiên cứu xây dựng khu đô thị CNTT tập trung và nếu triển khai thì đặt ở đâu, nguồn nhân lực, cơ chế đầu tư, cần nghiên cứu, phải có đề án bao quát, cụ thể… Việc triển khai đô thị thông minh ở Quảng Nam gặp nhiều khó khăn bởi kinh phí đầu tư cho mỗi đô thị thông minh phải tính tới con số nghìn tỷ đồng. Vì vậy, Quảng Nam không đi theo mô hình của địa phương khác, mà từ nền tảng của chính quyền điện tử triển khai đô thị thông minh.