Tìm hướng bảo tồn văn hóa miền núi

ALĂNG NGƯỚC 07/10/2014 09:15

Trước thực trạng văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) đang đứng trước nguy cơ mai một và biến dạng, Ban Dân tộc HĐND tỉnh vừa có buổi làm việc với Thường trực HĐND các huyện miền núi nhằm tìm tiếng nói chung, đưa ra những giải pháp hiệu quả trong công tác bảo tồn.

Nếu không có giải pháp căn cơ, bền vững, nguy cơ biến dạng văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số là khó tránh khỏi. TRONG ẢNH: Ngày hội đâm trâu - nét văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu.
Nếu không có giải pháp căn cơ, bền vững, nguy cơ biến dạng văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số là khó tránh khỏi. TRONG ẢNH: Ngày hội đâm trâu - nét văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu.

Nỗi lo chung

Ở Quảng Nam, đồng bào DTTS có khoảng hơn 117 nghìn người, chủ yếu là các dân tộc Cơ Tu, Co, Xê Đăng, Bh’noong,… với địa bàn cư trú thuộc các xã của 9 huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức, Núi Thành và Tiên Phước. Những năm qua, mặc dù luôn được các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ, nhưng công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ mai một bản sắc.

“Văn hóa truyền thống các DTTS gắn liền với những phong tục, tập quán, tiếng nói của đồng bào bản địa và đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy bản sắc cần được thực hiện trên nguyên tắc của sự phát triển, vì mục tiêu phát triển nhằm phục vụ đời sống con người”. (Ông Trần Kim Hùng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh)

Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng, văn hóa  đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh đang dần bị mai một và biến dạng, trở thành nỗi lo chung cần được giải quyết kịp thời. Để tìm hướng khắc phục và bảo tồn văn hóa các dân tộc, theo ông Đức không phải là chuyện “một sớm, một chiều”, mà đòi hỏi quá trình lâu dài, đúng hướng. Tại hội nghị giao ban thường niên giữa Ban Dân tộc HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện miền núi, vừa được tổ chức tại huyện Hiệp Đức, nhiều đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận thực trạng chung về văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh hiện nay. Trong đó, nổi cộm là sự giao thoa văn hóa theo chiều hướng tiêu cực, thể hiện sự cẩu thả trong cách tiếp nhận cũng như nhận thức của một bộ phận đồng bào còn hạn chế, nhất là giới trẻ. Bên cạnh đó, sự thiếu đồng bộ trong công tác phối hợp thực hiện việc bảo tồn văn hóa đồng bào vùng cao của các nhà chuyên môn, cơ quan quản lý ở các địa phương miền núi cũng là một trong những nguyên nhân khiến thực trạng văn hóa của đồng bào DTTS đang ngày càng biến dạng. Trong khi đó, do kết cấu nhà văn hóa truyền thống của đồng bào chủ yếu bằng gỗ, tranh tre, nứa lá nên chỉ sau một thời gian sử dụng đã xuống cấp. Điều đáng nói, thay vì trùng tu nguyên bản, ở một số vùng đồng bào lại cách tân theo mô hình bê tông hóa khiến nhiều nhà truyền thống bị biến dạng, làm xô lệch bản sắc, không đúng với văn hóa truyền thống.

Là người trực tiếp quản lý, giám sát vùng đồng bào DTTS, bà Lê Thị Thủy - Phó ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh nhận định, văn hóa của đồng bào vùng cao đang đứng trước những thách thức về công tác bảo tồn và phát triển. Ở rất nhiều vùng miền núi, dấu tích văn hóa bây giờ chỉ còn lại trong ký ức của chính những chủ thể văn hóa, bởi bản sắc đang mất dần theo từng ngày. “Từ trang phục, kiến trúc, ngôn ngữ cho đến nhạc cụ dân tộc, ẩm thực truyền thống,… đều đang đứng trước nguy cơ biến dạng, có thể là biến mất. Do vậy, rất cần đến sự chung tay để tìm ra những giải pháp căn cơ, bền vững” - bà Thủy nói.

Tìm giải pháp

Thời gian qua, Tây Giang là một trong những địa phương miền núi có nhiều nét nổi bật trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống đồng bào bản địa, trở thành “mô hình chung” để các huyện khác học tập. Ông Đoàn Thanh Thuận - Phó Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho rằng, những kết quả đạt được của địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống đồng bào bản địa, trước hết là sự đầu tư đồng bộ, ổn định đời sống nhân dân. “Tây Giang xây dựng và phát triển văn hóa làng theo phương châm: Lấy văn hóa phát triển kinh tế, ổn định xã hội; lấy văn hóa đoàn kết dân tộc; lấy văn hóa củng cố tổ chức cơ sở đảng, giữ vững an ninh trật tự; lấy văn hóa phát triển văn hóa; lấy văn hóa để thu hút đầu tư và du lịch” - ông Thuận chia sẻ cách làm ở địa phương mình.

Theo ông Nguyễn Thành - Phó Chủ tịch HĐND huyện Đông Giang, để tránh sự nhập nhằng trong công tác bảo tồn, các cơ quan quản lý văn hóa cần xác định rõ cái gì cần được bảo tồn và cái gì phải loại bỏ. Ông Thành đề xuất: “Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách phù hợp giúp các địa phương thực hiện việc bảo tồn đạt hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đó, các địa phương cần phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa”. Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Nguyễn Đức cũng đưa ra nhiều giải pháp trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS hiện nay. Trong đó, tập trung đánh giá tình hình và hiệu quả đầu tư thực hiện các chương trình, dự án khôi phục các làng nghề; xác định các giá trị, loại hình văn hóa đặc trưng, tiêu biểu để bảo tồn, cũng như các chính sách thu hút, đãi ngộ, đào tạo các cán bộ, nghệ nhân, nhà nghiên cứu về đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, những tác động có nguy cơ đe dọa đến bản sắc văn hóa của đồng bào cũng cần được xác định, xây dựng thiết chế rõ ràng để có những định hướng và tìm ra các giải pháp phù hợp trong việc bảo tồn.

Dù chỉ gói gọn trong một dịp hội nghị giao ban thường niên giữa Ban Dân tộc HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện miền núi nhưng cũng đủ để thấy tầm quan trọng của việc bảo tồn văn hóa truyền thống đồng bào DTTS trước dòng chảy hiện đại. Và, để tìm ra những giải pháp thiết thực, bền vững, “tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn miền núi” - như chủ đề của hội nghị giao ban lần này vẫn còn là câu chuyện dài…

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm hướng bảo tồn văn hóa miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO