Hôm qua 18.8, Sở GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2019 - 2020, triển khai nhiệm vụ năm học mới 2020 - 2021. Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trong năm học tới được đưa ra thảo luận.
Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT, năm học 2019 - 2020 là năm học khó khăn nhất trong lịch sử giáo dục, đảm bảo cùng lúc triển khai kế hoạch, giữ vững sự ổn định, phát triển, vừa thực hiện phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả. Nhưng qua đó cũng minh chứng trong khó khăn, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh (HS) toàn ngành đã nỗ lực vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nói về công tác chuẩn bị năm học mới 2020 - 2021, ông Quốc nhấn mạnh, tỉnh không chờ để rồi bị động. Bộ GD-ĐT hiện chưa ban hành chỉ thị, kế hoạch năm học nhưng tỉnh đã ban hành kế hoạch năm học 2020 - 2021, tổng kết năm học, triển khai nhiệm vụ. Toàn ngành cần tập trung triển khai công tác chuẩn bị cho năm học mới với quyết tâm cao nhất trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp như hiện nay.
Khảo sát chất lượng lớp 6 và lớp 10
Theo ông Châu Văn Thủy - Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT), Sở GD-ĐT sẽ có chỉ đạo khảo sát chất lượng đầu vào lớp 10 và lớp 6 đầu năm học 2020 - 2021. Việc này nhằm hai mục đích: một là, đánh giá đúng khả năng, năng lực của HS để ngành có kế hoạch, nội dung giảng dạy phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng; hai là, qua đó cho thấy chất lượng giáo dục ở cấp học dưới, đánh giá năng lực học trò có đúng thực chất không. Đồng thời tập trung phát huy vai trò tổ, nhóm chuyên môn của các trường học nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực của HS.
Thống nhất chủ trương khảo sát chất lượng đầu vào để các trường trên cùng địa bàn và giữa các địa phương so sánh, đối chiếu, Trưởng phòng GD-ĐT Thăng Bình - Phan Văn Tuyển đề nghị có thể kết hợp lấy điểm này kết hợp với xét tuyển học bạ để tuyển sinh vào lớp 10 trong năm sau. Bà Huỳnh Thị Kim Thảo - Phó Trưởng phòng GD-ĐT Hiệp Đức đề nghị, khảo sát đầu vào lớp 6 do phòng GD-ĐT ra đề, khảo sát lớp 10 do Sở GD-ĐT ra đề để tạo sự công bằng. Trong khi đó, theo Phó Trưởng phòng GD-ĐT Quế Sơn - Nguyễn Mậu Hùng Kiệt, trước đây huyện vẫn thực hiện khảo sát đầu vào lớp 6 nhưng sau đó Bộ GD-ĐT “tuýt còi” nên dừng. Nếu năm nay Sở GD-ĐT có chủ trương thì tiếp tục làm. Ông Trần Thanh Hải - Trưởng phòng GD-ĐT Tiên Phước cho biết khảo sát lớp 6 hàng năm đều làm ở một số môn như Toán, Văn, Anh. Tuy nhiên, với khảo sát lớp 10 cần có đề chuẩn xác, vừa sức, tránh trường hợp các trường THPT ra đề yêu cầu quá cao.
Sẵn sàng phương án dạy trực tuyến
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc, chủ trương của sở đầu năm học 2020 - 2021 sẽ khảo sát đầu vào lớp 6 và lớp 10. Đề kiểm tra do sở ra, mức độ trung bình, tổ chức nghiêm túc như thi tốt nghiệp THPT, 24 HS/phòng. Việc này nhằm chống ngồi nhầm lớp, đánh giá chất lượng dạy học ở cấp dưới, giúp phòng GD-ĐT, từng trường học có cái nhìn chuẩn xác hơn về chất lượng giáo dục để có kế hoạch giảng dạy tốt hơn. Thời gian qua Sở GD-ĐT ra đề kiểm tra học kỳ từ lớp 6 -12, cũng là một cách đánh giá chất lượng mặt bằng chung cả tỉnh.
Ông Châu Văn Thủy cho biết, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, không loại trừ khả năng đầu năm học mới 2020 - 2021 sẽ tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến như học kỳ II năm học vừa qua. Vì vậy, các trường, thầy cô cần chủ động, chuẩn bị kế hoạch để có thể triển khai giảng dạy có chất lượng. Năm học 2019 - 2020, Quảng Nam tổ chức dạy qua truyền hình, mạng internet, được Bộ GD-ĐT đánh giá cao, nhiều bài học được tham khảo, dùng làm tài liệu giảng dạy cho HS toàn quốc.
Việc dạy học trực tuyến đối với các địa phương đồng bằng không có nhiều băn khoăn. Ông Trần Công Hiệu - Trưởng phòng GD-ĐT Núi Thành cho rằng, năm học vừa qua triển khai dạy học trực tuyến khá tốt và địa phương đã chuẩn bị phương án để tiếp tục thực hiện trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Đại diện phòng GD-ĐT Hội An cũng cho biết đang tích cực chuẩn bị, sẵn sàng dạy học trực tuyến khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Trong khi đó, đối với miền núi, các vùng khó khăn, đây là cả một vấn đề nan giải. Theo bà Huỳnh Thị Kim Thảo, địa bàn Hiệp Đức năm học vừa rồi thống kê cho thấy chỉ gần 40% có điều kiện học trực tuyến và chất lượng không cao. Do đó, mong Sở GD-ĐT chỉ đạo sớm đối với các đơn vị không tổ chức dạy trực tuyến có hình thức dạy học phù hợp. Tương tự, lãnh đạo ngành GD-ĐT các huyện Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn đều thừa nhận dạy học trực tuyến trên địa bàn miền núi cao không thể thực hiện được và đề nghị các trường tổ chức nội trú được phép dạy học bình thường.