Tìm hướng khai thác “kinh tế đêm” tại Quảng Nam

VĨNH LỘC 18/10/2020 07:14

Ngày 27.7.2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”. Theo đó, Chính phủ cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch ở các tỉnh, thành phố, trung tâm du lịch lớn như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc, trước khi nhân rộng ra các địa phương khác.

Lễ hội ẩm thực và âm nhạc biển An Bàng - một loại hình của kinh tế đêm tại Hội An. Ảnh: V.LỘC
Lễ hội ẩm thực và âm nhạc biển An Bàng - một loại hình của kinh tế đêm tại Hội An. Ảnh: V.LỘC

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa thể khai thác kinh tế đêm. Tận dụng khoảng thời gian này để chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch, sản phẩm du lịch phù hợp, tính toán cho phát triển đường dài rất cần thiết. PV Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với đại diện một số doanh nghiệp, chính quyền địa phương và nhà quản lý du lịch về vấn đề này.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours): Chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch chờ thời cơ

 

Trước hết, phải khẳng định, phát triển kinh tế đêm là cần thiết, bởi hiện nay chúng ta gần như đã khai thác tối đa nhu cầu của khách vào ban ngày. Vừa rồi, với Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”, tôi nghĩ đây là điều rất thuận lợi để các địa phương, trong đó có Quảng Nam phát triển kinh tế đêm.

Thật ra, không phải đến khi QĐ 1129 ra đời chúng ta mới nói đến kinh tế đêm, thời gian qua một số địa phương ở Việt Nam, trong đó có Hội An cũng đã phát triển kinh tế đêm rồi, nhưng chưa được rõ nét vì còn nhiều rào cản, nhất là bị giới hạn về thời gian, chưa kể sản phẩm hoạt động ban đêm và ban ngày cũng giống nhau... Do vậy, bây giờ chúng ta phải xây dựng lại mô hình kinh tế đêm bài bản hơn, phải có quy hoạch khu vực, dỡ bỏ giới hạn về thời gian ban đêm, có chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư… mới hiệu quả. Hội An là điểm đến có thương hiệu và cũng đã có một số hoạt động của kinh tế đêm. Bây giờ chỉ cần trau chuốt các hoạt động bài bản và chuyên nghiệp hơn, tránh trùng lặp sản phẩm, đặc biệt phải quy hoạch không gian riêng cho các hoạt động kinh tế đêm phát triển. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, khu vực kinh tế đêm thường được quy hoạch gần sông hoặc gần biển, nhất là không nằm quá xa trung tâm, thậm chí ở khu vực trung tâm nhưng hạn chế gần khu dân cư, điều này tưởng khó nhưng chúng ta vẫn có thể làm được. Như Đà Nẵng đang quy hoạch khu kinh tế đêm dưới cầu Rồng kéo dài đến cầu Nguyễn Văn Trỗi. Nói chung việc quy hoạch này tùy vào địa phương nhưng để thu hút khách thì phải nghĩ đến những yếu tố đó.   

Dưới góc độ kinh doanh, doanh nghiệp luôn mong muốn tăng doanh thu, nên hiệu quả đầu tiên của kinh tế đêm phải là doanh thu, đồng thời người lao động cũng phải được hưởng lợi tương xứng. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, kéo theo kinh tế khó khăn, để hồi phục hoạt động kinh doanh du lịch như năm 2019 dự báo thời gian phải mất từ 2 - 3 năm. Hoạt động du lịch chưa trở lại bình thường thì không thể có kinh tế đêm, do vậy thời điểm này chưa nên và chưa thể khai thác được kinh tế đêm. Thay vào đó, chúng ta chỉ nên chuẩn bị kế hoạch kỹ lưỡng, khi nào dịch bệnh chấm dứt thì tung ra. Trong đó, việc ban hành cơ chế, chính sách và quy hoạch là quan trọng. Khi chúng ta có khu quy hoạch bài bản, có sự khác biệt về sản phẩm lúc đó khách du lịch quốc tế, khách nội địa, kể cả người dân địa phương cũng sẽ đến và tham gia mô hình này.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An: Quy hoạch bài bản  khu vực kinh tế đêm

 

Từ vài năm trước chúng tôi đã định hướng phát triển kinh tế đêm, đồng thời đưa vào quy hoạch, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, bây giờ chỉ còn triển khai thôi. Cụ thể, đến thời điểm này chúng tôi đã quy hoạch xong một số khu vực kinh tế đêm như khu chợ đêm Tân Thành - An Bàng (Cẩm An). Trước mắt thành phố đang tập trung lập dự án xây dựng chợ đêm Tân Thành, chuẩn bị thông qua đấu thầu kêu gọi nhà đầu tư. Thứ hai là khu Casamia (Cẩm Thanh), khu này sẽ phát triển theo mô hình phố đêm của Singapore. Thứ ba, khu Gami - Công viên ký ức Hội An, đã hoàn thành chuẩn bị đưa vào khai thác. Thứ tư, đô thị Thanh Hà do Tập đoàn Hoàng Gia đầu tư, tỉnh cũng đã phê duyệt bổ sung các hoạt động kinh tế đêm, khu vui chơi giải trí về đêm… Ngoài ra, thành phố sẽ phê duyệt một khu kinh tế đêm bên Cẩm Kim theo dạng phố đêm cộng đồng. Tóm lại, trong quy hoạch Hội An không thiếu hoạt động kinh tế đêm. Chính xác là chúng tôi chuẩn bị các khu kinh tế đêm từ rất sớm, nên tương lai kinh tế đêm của Hội An rất mạnh và đầy đủ ở các địa bàn vùng ven, qua đó giúp giãn khách ra khỏi phố cổ.

Có thể một số ý kiến lo ngại về loại hình này, nhưng theo tôi việc phát triển kinh tế đêm ở Hội An không có gì phức tạp. Bởi hầu hết khu kinh tế đêm là khép kín, trừ khu cộng đồng bên Cẩm Kim, nhưng chúng tôi cũng sẽ có quy chế riêng sau khi hình thành. Còn những khu khác, thành phố đã tham gia góp ý về quy chế quản lý, còn lại doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trong vấn đề kinh doanh, cái nào tỉnh, thành phố cho hoạt động suốt đêm thì họ phải có cơ chế bảo vệ an toàn, an ninh, tiếng ồn... kể cả sản phẩm bên trong chúng tôi không can thiệp mà để cho doanh nghiệp tự sáng tạo nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc cụ thể như không vi phạm các quy định của pháp luật; không ảnh hưởng thuần phong mỹ tục của dân tộc cũng như văn hóa Hội An; không ảnh hưởng đến cuộc sống cộng đồng dân cư xung quanh, đặc biệt phải thực sự là những sản phẩm mới.

Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL: Tính chuyện phát triển đường dài

 

Sau khi Chính phủ có đề án phát triển kinh tế đêm và giao về các địa phương, UBND tỉnh đã giao Sở KH-ĐT xây dựng phương án, hiện tại chúng tôi chờ Sở KH-ĐT tham mưu tỉnh xong sẽ cùng các cơ quan liên quan triển khai thực hiện, nên chưa thể nói khu vực nào có thể quy hoạch phát triển kinh tế đêm vì phải phù hợp với chủ trương của tỉnh. Tuy nhiên, chúng ta đều biết, du lịch Quảng Nam chủ yếu tập trung ở Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, ở phía nam nơi có nơi chưa. Trong khi kinh tế đêm có nhiều thể loại, có thể các khu vui chơi giải trí mang tính ồn ào nhộn nhịp, cũng có những hoạt động kinh tế đêm diễn ra nhẹ nhàng, bình yên. Điều đó có nghĩa kinh tế đêm không phải lúc nào cũng sôi động, ồn ào mà vẫn có nhiều hoạt động nhẹ nhàng sâu lắng nhưng vẫn sinh lợi nhuận.

Đặc biệt, cũng cần hiểu rõ, kinh tế đêm không chỉ có ngành du lịch mà còn nhiều ngành nữa, chính vì vậy tỉnh mới giao Sở KH-ĐT xây dựng đề án phát triển kinh tế đêm. Tuy nhiên, đứng ở góc độ ngành du lịch, tôi cho rằng phát triển kinh tế đêm rất cần thiết cho Quảng Nam. Thực tế, Hội An cũng đã có kinh tế đêm nhưng hoạt động mang tính chất manh mún, chưa có quy hoạch, kế hoạch, chiến lược một cách tổng thể, khách đến Hội An vẫn chưa tiêu tốn hết thời gian ban đêm, nên bây giờ mình phải tìm hiểu xem khách cần gì để tạo ra các sản phẩm dịch vụ phù hợp. Dù vậy, Nhà nước cũng chỉ định hướng về không gian, sản phẩm, còn việc đứng ra đầu tư khai thác phải là doanh nghiệp.

Hiện có 2 vấn đề mà chúng tôi khó có thể nói là khi nào kinh tế đêm sẽ được triển khai rộng rãi. Thứ nhất, đề án do Sở KH-ĐT chủ trì, Sở VH-TT&DL là đơn vị phối hợp, chúng tôi sẽ đôn đốc Sở KH-ĐT và tỉnh xúc tiến, triển khai nhanh. Thứ hai, sau dịch, việc khai thác thu hút khách đang khó khăn, chưa nhận định được tình hình dịch trên thế giới và trong nước như thế nào nên bây giờ khó thể dự đoán khi nào mở cửa kinh tế đêm. Tuy vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi để đánh giá phân tích dự báo, phối hợp với Sở KH-ĐT để có chiến lược, định hướng phát triển kinh tế đêm trong thời gian đến.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm hướng khai thác “kinh tế đêm” tại Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO