Hôm qua 14.11, Trường Trung cấp Kinh tế - kỹ thuật và đào tạo cán bộ hợp tác xã (HTX) miền Trung – Tây Nguyên (đóng tại TP.Tam Kỳ) tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề “Đào tạo, bồi dưỡng có địa chỉ theo đơn đặt hàng và có doanh nghiệp, HTX tham gia đào tạo” nhằm thắt chặt mối liên kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp, HTX...
Giữa nhà trường và doanh nghiệp cần có mối liên kết chặt chẽ trong việc đào tạo, sử dụng nguồn lao động. Ảnh: Văn Sự |
Nhiều khó khăn
Thạc sĩ Phan Văn Đợi – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - kỹ thuật và đào tạo cán bộ HTX miền Trung – Tây Nguyên cho biết, về đào tạo giáo dục nghề nghiệp, quy mô đào tạo của nhà trường trong năm học 2018 - 2019 này là hơn 450 học sinh, sinh viên (HS-SV). Hiện tại, nhà trường đào tạo 5 nghề trung cấp (gồm kỹ thuật xây dựng, điện dân dụng, quản trị mạng máy tính, gia công và thiết kế sản phẩm mộc, kỹ thuật chế biến món ăn), 3 nghề bậc sơ cấp (gồm kỹ thuật xây dựng, gia công và thiết kế sản phẩm mộc, may công nghiệp). Theo ông Đợi, qua khảo sát và làm việc, thời gian tới nhu cầu đặt hàng lao động có tay nghề tại một số doanh nghiệp trên địa bàn với nhà trường là 743 người, trong đó nghề xây dựng 57 lao động, nghề mộc 31 lao động, nghề điện 120 lao động, nghề cơ khí 500 lao động, nghề chế biến món ăn 35 lao động. Trong khi đó, năm 2019 Liên minh HTX các tỉnh, thành thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng có nhu cầu đặt hàng nhà trường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ HTX với số lượng khá lớn. Cụ thể, hội đồng quản trị và ban giám đốc 600 người, kế toán 600 người, ban kiểm soát 550 người, kinh doanh 230 người, pháp lý 80 người, quản trị 180 người, tài chính 130 người.
Tuy nhiên, ông Phan Văn Đợi cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, nhà trường cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể, đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp và tạo việc làm bền vững cho người lao động vẫn còn những vướng mắc nhất định. Đặc biệt, trong công tác tuyển sinh, việc tuyển được đã khó, chuyện giữ người học còn khó hơn. Bởi, nhiều HS-SV cho rằng học nghề chỉ là giải pháp tạm thời khi chưa chọn được trường phù hợp như mong muốn của mình. Ông Đợi nói thêm: “Những năm qua, công tác tuyển sinh của nhà trường luôn gặp khó. Nguyên nhân một phần vì thói quen và vì ảnh hưởng tâm lý gia đình, xã hội còn nặng về khoa bảng nên sau khi tốt nghiệp THPT đa số em học sinh đều có nguyện vọng học đại học. Trong khi hoạt động hướng nghiệp ở các trường THCS và THPT phần lớn đều tập trung vào các trường đại học, hạn chế tư vấn vào các trường nghề, đặc biệt là trường trung cấp; việc lựa chọn trường nghề là giải pháp cuối cùng khi không thể vào được đại học”.
Giải pháp nào?
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, để công tác tuyển sinh – đào tạo nghề mang lại thành công lớn, thời gian tới Trường Trung cấp Kinh tế - kỹ thuật và đào tạo cán bộ HTX miền Trung – Tây Nguyên còn rất nhiều việc phải làm. Theo ông Lê Văn Nghị - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, mối gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp và HTX là hết sức quan trọng. “Doanh nghiệp, HTX là đơn vị sử dụng người lao động có tay nghề thì chính họ phải là người tham gia sâu nhất vào quá trình đào tạo nghề đó. Vì vậy, nhà trường và doanh nghiệp, HTX cần phải có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhất nhằm xây dựng, phát triển mối liên kết bền vững này” – ông Nghị nói.
Theo thạc sĩ Huỳnh Tín - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề tỉnh Thừa Thiên Huế, trong cơ chế thị trường và hội nhập hiện nay, sự phối hợp giữa trường nghề với doanh nghiệp là yếu tố khách quan. Do vậy, việc phối hợp với doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo của nhà trường là thực sự cần thiết. Ông Tín đề xuất: “Muốn làm tốt điều đó, nhà trường cần thành lập bộ phận chuyên trách để khai thác và xử lý thông tin thị trường lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho HS-SV. Đồng thời đổi mới phương thức, hình thức, mức độ phối hợp để phù hợp với các doanh nghiệp. Mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo cần sát với yêu cầu thực tiễn sản xuất, sản phẩm đào tạo dễ được doanh nghiệp tín nhiệm và đặt hàng. Để thực hiện biện pháp này hiệu quả, nhất thiết phải có sự tham gia của doanh nghiệp trong việc xây dựng mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo”.
Nhiều ý kiến khác cũng đề nghị nhà trường cần đổi mới cách tiếp cận trong việc tổ chức đào tạo, linh hoạt bố trí các môn học, mô đun trong chương trình đào tạo học tại các doanh nghiệp, cố gắng phấn đấu mỗi chương trình đào tạo có khoảng 20 - 35% thời lượng học tại doanh nghiệp. Cần dành một thời gian thích hợp để mời những thợ giỏi, chuyên gia giỏi từ các doanh nghiệp về giảng dạy cho HS-SV kiến thức mới, truyền đạt những kinh nghiệm của họ về từng lĩnh vực trong một nghề. Ngoài ra, tăng cường đưa HS-SV đi thực hành, thực tập ở cơ sở, trên cơ sở có sự hướng dẫn của giáo viên và cán bộ kỹ thuật, giúp cho HS-SV sớm làm ra sản phẩm thực. Đặc biệt, nhà trường cần thường xuyên đưa giáo viên đi bồi dưỡng, học tập tại các doanh nghiệp để xây dựng được đội ngũ giảng dạy chuyên nghiệp, tay nghề vững vàng và tâm huyết với sự nghiệp truyền nghề.
VĂN SỰ