Tìm hướng phát triển nông nghiệp bền vững

NGUYỄN SỰ - VĂN HÀO 17/05/2016 08:59

Tổng Công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam) vừa phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức hội thảo chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hiệu quả, bền vững tại huyện Tiên Phước và chương trình “Nhịp cầu nhà nông” tại Bắc Trà My.
Tham gia tư vấn, giải đáp có các chuyên gia: GS-TS. Nguyễn Lân Hùng - Tổng Thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam; TS. Trần Văn Mạnh - Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng miền Trung; TS. Lại Đình Hòe - Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật duyên hải Nam Trung Bộ; TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Trung tâm Khuyến nông quốc gia…

Ứng phó biến đổi khí hậu

Theo ông Lê Trí Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, hiện nay mỗi vụ nông dân địa phương gieo sạ khoảng 2.400ha lúa. Tuy nhiên, vì hạ tầng thủy lợi chưa được quan tâm đầu tư đúng mức nên hàng chục năm qua việc sản xuất loại cây lương thực chủ lực này gặp rất nhiều trở ngại. Tính đến thời điểm này trong tổng số diện tích đất lúa nêu trên mới chỉ có chưa đầy 40% chủ động nguồn nước tưới. “Đông xuân 2015 - 2016 vừa rồi, nắng nóng kéo dài trên diện rộng khiến toàn huyện có ít nhất 500ha lúa mất trắng hoàn toàn vì bị khô hạn nặng, trong đó chủ yếu tập trung tại các xã Tiên Thọ, Tiên Sơn, Tiên Hiệp, Tiên Lộc, Tiên Hà, Tiên Cẩm, Tiên An, Tiên Lập. Điều đáng lo nhất là vụ hè thu sắp tới thời tiết sẽ diễn biến hết sức phức tạp nên chắc chắn ảnh hưởng rất lớn đến việc canh tác của nhà nông” - ông Hiệu nói.

GS-TS. Nguyễn Lân Hùng (đứng) giải đáp, tư vấn cho bà con nông dân Bắc Trà My.  Ảnh: S.H
GS-TS. Nguyễn Lân Hùng (đứng) giải đáp, tư vấn cho bà con nông dân Bắc Trà My. Ảnh: S.H

Tại hội thảo, TS. Trần Văn Mạnh cho rằng, biến đổi khí hậu, nhất là hiện tượng El Nino ngày càng tác động xấu đến vấn đề sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực trồng trọt. Để giảm thiểu thiệt hại do thời tiết cực đoan gây ra, ngay từ bây giờ ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền huyện Tiên Phước cần nhanh chóng triển khai đồng bộ các biện pháp đối phó. “Ngoài việc ưu tiên nguồn lực tài chính để đầu tư thi công kết cấu hạ tầng thủy lợi thì yêu cầu mang tính bắt buộc hiện nay phải lựa chọn, du nhập những loại giống lúa mới có sức chịu hạn tốt, kháng được nhiều loại sâu bệnh nguy hiểm, có khả năng cho sản lượng cao và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương về hỗ trợ nông dân gieo sạ đại trà. Đồng thời đẩy mạnh việc chuyển giao các gói kỹ thuật sản xuất tiên tiến cho nhà nông, trong đó tập trung hướng dẫn người dân áp dụng hiệu quả quy trình tưới ướt - khô xen kẽ nhằm tiết kiệm nước một cách triệt để” - TS. Trần Văn Mạnh nói.

Theo ThS. Nguyễn Thị Bích Lợi - Trung tâm Khuyến nông tỉnh, để nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, trong thời gian tới ngành nông nghiệp huyện Tiên Phước cùng chính quyền các địa phương cần phối hợp kiểm tra thực tế và tích cực hỗ trợ nông dân chuyển những ruộng lúa không chủ động nguồn nước tưới sang trồng cỏ voi nguyên liệu phục vụ cho việc chăn nuôi bò theo phương thức thâm canh. Ngoài ra, bà Lợi cũng đề nghị huyện nên có những cơ chế, chính sách thiết thực để giúp nhà nông chuyển các chân đất lúa ở vùng cuối kênh thường xuyên bấp bênh nước tưới sang canh tác một số loại cây trồng cạn có khả năng chống chịu khô hạn tốt như bắp lai, mè, đậu phụng. Bà Lợi nói: “Thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, những mô hình chuyển đổi tôi vừa nêu mang lại hiệu quả cao gấp 2 - 3 lần so với gieo sạ lúa, đặc biệt là tiết kiệm được 60% lượng nước tưới”. Theo các đại biểu tham dự hội thảo, với lợi thế có hơn 7.000ha đất vườn đồi - vườn rừng, chính quyền huyện Tiên Phước nên ưu tiên mọi nguồn lực để hình thành và mở rộng những vùng sản xuất tập trung các loại cây đặc sản bản địa vốn nổi tiếng lâu nay như tiêu, thanh trà, măng cụt, lòn bon, quế, dó bầu nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có số lượng lớn và giá trị kinh tế cao.

Tư vấn nông dân

Theo GS-TS. Nguyễn Lân Hùng, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung là đòi hỏi tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Nhưng để ổn định đầu ra của sản phẩm thì chính quyền huyện Tiên Phước cần tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh đẩy mạnh việc quảng bá, xây dựng thương hiệu cho những mặt hàng nông sản có thế mạnh ở địa phương. Bên cạnh đó, phải nỗ lực thu hút đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn và tạo mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy thì mới hạn chế tối đa tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa và là tiền đề quan trọng để đưa ngành nông nghiệp Tiên Phước phát triển mạnh mẽ, bền vững trong tương lai.

Tại huyện Bắc Trà My, trong chương trình “Nhịp cầu nhà nông”, các chuyên gia đã cung cấp những thông tin bổ ích cho các cấp quản lý và người nông dân trên địa bàn. Đến với chương trình, nông dân Phạm Hữu Hiệp (42 tuổi, thôn 5, xã Trà Tân) đem những thắc mắc về sâu bệnh gây hại trên cây trồng nhờ các chuyên gia giải đáp. Anh Hiệp cho biết, từ chương trình hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện Bắc Trà My, gia đình trồng trên 50 cây thanh trà, ngoài ra còn trồng nhiều loại cây trái khác. Tuy nhiên thời gian gần đây bị một loại côn trùng xâm hại, đục quả. Sau khi được GS-TS.Nguyễn Lân Hùng dành nhiều thời gian trực tiếp trả lời, tư vấn bằng các phương pháp để có thể phòng, diệt trừ hiệu quả tình trạng trên, anh Hiệp tỏ vẻ hài lòng, nói: “Những cách mà GS-TS. Nguyễn Lân Hùng chỉ dẫn từ thủ công đến áp dụng kỹ thuật, tôi thấy rất hay và lạ. Sau chương trình này, tôi về áp dụng ngay và hy vọng sẽ mang lại hiệu quả tích cực, giảm thiểu được tình trạng sâu bệnh gây hại”.

Với điều kiện Bắc Trà My có diện tích đất lâm nghiệp trên 55 nghìn héc ta (chiếm 68% diện tích đất tự nhiên), các chuyên gia nông nghiệp cũng dành nhiều thời gian tham gia góp ý việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành. Phát triển kinh tế rừng, kinh tế trang trại là thế mạnh của huyện Bắc Trà My, vì vậy các chuyên gia góp ý địa phương nên đẩy mạnh việc áp dụng trồng giống keo lai nuôi cấy mô để chuyển dịch cơ cấu từ khai thác gỗ non sang khái thác gỗ lớn. Qua đó, nhằm nâng cao giá trị sản xuất kinh doanh rừng trồng và phát triển lâm nghiệp bền vững, xóa đói giảm nghèo. Tại chương trình “Nhịp cầu nhà nông”, nhiều nông dân bày tỏ thắc mắc về những giống cây trồng biến đổi gen; cách phòng trừ chuột, sóc phá hoại; nhận biết phân bón giả, kém chất lượng… cũng được các chuyên gia giải đáp tận tình, cụ thể.

Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, nông nghiệp - nông dân - nông thôn góp phần đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo; vì vậy sự vào cuộc của các chuyên gia trong ngành lần này là một vinh dự lớn cho Quảng Nam. “Muốn chuyển sang một nền nông nghiệp hiện đại, nông dân phải thay đổi cách nghĩ, phải tạo ra sản phẩm mang tính hàng hóa, an toàn. Những thông tin, tư vấn của các chuyên gia lần này là vô cùng thiết thực, bổ ích đối với nông dân và ngành nông nghiệp địa phương, nhất là các vùng miền núi. Chúng tôi mong muốn các chuyên gia tiếp tục về Quảng Nam khi có điều kiện để đồng hành với bà con” - ông Thẩm nói.

NGUYỄN SỰ - VĂN HÀO

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm hướng phát triển nông nghiệp bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO