Tìm hướng phục hồi du lịch

KHÁNH LINH 13/11/2020 10:09

Gần 3 tháng qua, liên tiếp dịch bệnh và lũ lụt xảy ra khiến hoạt động du lịch Quảng Nam gần như đóng băng. Dù vậy, việc xây dựng giải pháp phục hồi du lịch thời gian tới vẫn được xem là yêu cầu cấp thiết hiện nay nhằm sẵn sàng đón khách quay trở lại.

Đoàn famtrip du lịch TP.Hồ Chí Mihh khảo sát tiềm năng, cơ hội hợp tác với du lịch Quảng Nam.
Đoàn famtrip du lịch TP.Hồ Chí Mihh khảo sát tiềm năng, cơ hội hợp tác với du lịch Quảng Nam.

Tái khởi động hoạt động du lịch

Ngày 11.11 vừa qua, một đoàn Famtrip gồm đại diện Sở Du lịch, Trung tâm Xúc tiến du lịch và các doanh nghiệp lữ hành lớn cùng nhiều cơ quan báo chí TP.Hồ Chí Minh có chuyến khảo sát, tìm hiểu cơ hội kết nối với các điểm và doanh nghiệp du lịch Quảng Nam nhằm xây dựng tour liên kết kích cầu du lịch. Đoàn đã đến tham quan tìm hiểu một số điểm du lịch mới ở Quảng Nam như Vinpearl Nam Hội An, Khu nghỉ dưỡng phức hợp Hoiana, rừng dừa nước Cẩm Thanh, Anantara Hội An…

Trao đổi sau chuyến khảo sát, hầu hết ý kiến thành viên đoàn đều khẳng định Quảng Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là các địa phương phía nam và phía tây của tỉnh. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, để thúc đẩy phục hồi du lịch cần có nhiều chương trình trợ giá, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch TP.Hồ Chí Minh đưa khách đến.

Theo ông Phan Xuân Anh – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Du Ngoạn Việt, mặc dù Hội An rất được nhiều khách Sài Gòn ưa thích nhưng lại vướng 2 vấn đề là giá phòng lưu trú khá cao so với Đà Nẵng và ít hoạt động về đêm, do đó khách tham quan Hội An nhưng quay về Đà Nẵng nghỉ tối. Các cơ sở lưu trú Quảng Nam nên giảm giá, chí ít phải bằng Đà Nẵng mới có thể giữ khách lưu lại.

Mặc dù việc xây dựng gói kích cầu đã được thực hiện từ lâu nhưng đến nay ngoài khu đền tháp Mỹ Sơn miễn giảm vé, thì việc giảm giá vé tại các điểm tham quan do nhà nước quản lý vẫn chưa được triển khai.

Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam khẳng định, doanh nghiệp Quảng Nam sẽ cam kết tạo mức giá phù hợp cho các doanh nghiệp từ TP.Hồ Chí Minh đưa khách về, chí ít từ 30 - 50% tùy theo đối tác. Ngoài ra, một số gói kích cầu cũng đã được hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng nhưng do tình hình lũ lụt hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp du lịch Quảng Nam đóng cửa nên sẽ nghiên cứu tổ chức riêng một hội nghị để bàn vấn đề này khi du lịch phục hồi.

Phục hồi du lịch

Trước tình hình dịch bệnh, thiên tai, dự báo hoạt động du lịch Quảng Nam sẽ tiếp tục đóng băng hết năm nay. Dù vậy, theo ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, doanh nghiệp du lịch phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón khách, bởi Chính phủ có thể mở cửa đường bay quốc tế. Tuy vậy, muốn phục hồi du lịch, yếu tố đầu tiên phải là điểm đến an toàn, qua đó tạo tâm lý yên tâm cho khách. Đặc biệt, cần nhanh chóng khôi phục các hoạt động xã hội bình thường, nhất là trong phố cổ. “Bây giờ ban đêm không dám vào phố cổ do hầu hết nhà không mở cửa” - ông Lanh chia sẻ. Đặc biệt, Hội An phải là điểm đến an toàn, trước hết là an toàn về xã hội, tiếp đến là an toàn đô thị, cuối cùng là an toàn về cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp.

Ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, hiện tại Chính phủ đã chỉ đạo Bộ VH-TT&DL giao Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch nghiên cứu chọn ra một số cơ sở lưu trú, khu du lịch quy mô lớn có dịch vụ khép kín để phối hợp với hãng hàng không đón du khách quốc tế chi tiêu cao thực hiện mô hình du lịch khép kín. Dù mới chỉ là ý tưởng nghiên cứu nhưng nếu thực hiện tốt điều này cũng là một trong những cơ sở phục hồi khách du lịch, đón một lượng khách quốc tế quay lại.

Ngoài ra, sở cũng đang xây dựng các kế hoạch phục hồi du lịch phù hợp, trong đó tập trung vào 4 vấn đề gồm cơ cấu lại thị trường khách, sản phẩm dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin và kích cầu du lịch. Song hành với đó là 4 kịch bản hướng đến các thị trường khách tùy tình hình dịch bệnh và thiên tai gồm thị trường lân cận, thị trường miền Trung - Tây Nguyên, khách 2 đầu đất nước và cuối cùng là đón khách quốc tế vào cuối năm 2021. Riêng việc hỗ trợ trực tiếp cho từng doanh nghiệp sẽ rất khó khả thi vì nguồn kinh phí địa phương và trung ương khó khăn, chưa kể việc hỗ trợ phải đúng quy định và thuộc các bộ, ngành liên quan quyết định, bản thân tỉnh khó làm gì được.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét, tổng hợp các đề xuất của doanh nghiệp báo cáo tỉnh, để nghiên cứu tháo gỡ cho doanh nghiệp cuối năm nay vì thẩm quyền này thuộc tỉnh giải quyết, qua đó nhằm nhanh chóng thúc đẩy phục hồi du lịch Quảng Nam trong thời gian tới” - ông Tường nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm hướng phục hồi du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO