Hôm qua 15.2, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang và Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đồng chủ trì buổi làm việc với đại diện lãnh đạo các xã, huyện miền núi, bàn về công tác giảm nghèo và đào tạo lao động khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bí thứ Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang phát biểu tại buổi làm việc vào sáng qua 15.2. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu mong rằng, lãnh đạo các địa phương miền núi thẳng thắn bày tỏ những khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng trong công tác giảm nghèo, cũng như kiến nghị, đề xuất các giải pháp để cùng tỉnh tìm hướng khắc phục. “Chúng ta cần tập trung thảo luận xem làm cách nào để miền núi giảm được nghèo; chia sẻ những kinh nghiệm mang tính đột phá của các địa phương trong công tác giảm nghèo. Từ đó, tìm ra những giải pháp cụ thể, phù hợp để phát triển, nhất là tạo nguồn lao động tại chỗ là con em đồng bào miền núi” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Zơrâm Nhưng - Chủ tịch UBND xã Ga Ri (Tây Giang) cho biết, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương hiện còn đến 86,78%, cao nhất so với các xã miền núi của tỉnh. Ngoài việc đầu tư dàn trải cơ sở hạ tầng cũng như những mô hình phát triển kinh tế theo các chương trình hỗ trợ cho miền núi trước đây, nguyên nhân còn nằm ở tình trạng trông chờ, ỷ lại vào các cơ chế chính sách của Nhà nước trong đồng bào địa phương. “Vài năm gần đây, nhận thấy việc đầu tư dàn trải không đem lại hiệu quả, chúng tôi đã chuyển sang hướng tập trung đầu tư theo nhóm hộ, bắt đầu từ những hộ có khả năng làm giàu để phát triển kinh tế. Đồng thời triển khai trồng các loại cây mũi nhọn của địa phương như cam, đẳng sâm, táo mèo và bước đầu đã có tín hiệu khả quan về thu nhập kinh tế cho đồng bào” - ông Nhưng cho biết thêm.
“Đồng hành với người nghèo” là cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo được Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - Hồ Quang Bửu và Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My - Trần Anh Tuấn chia sẻ tại hội nghị. Theo đó, mỗi cơ quan, đơn vị ở các địa phương này sẽ nhận hỗ trợ một hộ nghèo, tạo điều kiện để hộ mình nhận đỡ đầu thoát nghèo bền vững. Về công tác giảm nghèo chung cho miền núi, ông Trần Anh Tuấn đề xuất cần rà soát, tính toán lợi thế phù hợp với điều kiện, cơ chế và nguồn lực từ nông nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đồng thời cần có quy hoạch sản xuất và tạo mô hình mới từ lợi thế của mình, thông qua việc tranh thủ bằng nội lực và hỗ trợ của tỉnh, trung ương. “Bắc Trà My có nhiều mô hình hiệu quả như nuôi cá lồng bè, nuôi gia cầm, gia súc tập trung đang mở ra cơ hội giúp người dân tìm hướng thoát nghèo. Liên quan đến đào tạo nghề, các địa phương cần nắm vững yêu cầu, nguyện vọng của người dân để tổ chức đào tạo nghề phù hợp. Ngoài ra, cũng cần phối hợp với cơ sở đào tạo và tốt nhất nên đào tạo tại các địa phương miền núi nhằm đảm bảo việc học tập của người dân. Đặc biệt, cần có sự gắn kết với các đơn vị nhận lao động, tổ chức tham quan để trang bị kiến thức ban đầu giúp người lao động khỏi bỡ ngỡ khi đến làm việc” - ông Tuấn chia sẻ.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh, giảm nghèo là cửa ải quan trọng phải vượt qua để trở thành tỉnh khá của cả nước. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là thách thức; đồng thời cũng là nhiệm vụ và mệnh lệnh của cả hệ thống chính trị. Lãnh đạo các địa phương miền núi phải thực sự nêu gương và hành động hơn nữa, sáng tạo nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả để miền núi thực sự thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, cần cụ thể hóa tỷ lệ giảm nghèo, có tên tuổi rõ ràng chứ không nói chung chung, thiếu trách nhiệm. “Làm thế nào để xác định đúng hộ nghèo và người nghèo?” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang đặt câu hỏi, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ việc tiến hành cuộc khảo sát, tổng điều tra thu nhập hộ nghèo nhằm tránh tình trạng không thực chất.
ALĂNG NGƯỚC